Covid-19 hạ nhiệt: Thay đổi phương án chống dịch thế nào?

Đức Trân 08/04/2022 08:12

Số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 của Việt Nam tiếp tục giảm trong nhiều ngày liên tiếp. Cùng với đó là việc giảm số người nhập viện và số ca tử vong. Câu hỏi được đặt ra là: Chúng ta sẽ thay đổi phương án chống dịch thế nào cho phù hợp? Liệu còn nguy cơ nào khiến Covid-19 có thể tái bùng phát?

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Ảnh: Quang Vinh

Số ca mắc mới, ca tử vong giảm mạnh

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tuần qua, trung bình Hà Nội ghi nhận 6.961 ca bệnh/ngày, giảm 36% so với kỳ báo cáo trước (trung bình 10.548 ca ca bệnh/ngày). Cộng dồn đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.508.429 ca mắc, 1.388 trường hợp tử vong (chiếm 0,09%).

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhận định: 3 tuần liên tiếp vừa qua ghi nhận tình hình dịch giảm nhanh chóng cả ở số ca mắc, số chuyển nặng và số tử vong - đây là thành quả của chiến lược đúng đắn, quyết liệt, hiệu quả ở tất cả các cấp, các ngành.

Theo số liệu từ Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19, ngày 6/4 trên phạm vi cả nước ghi nhận 49.124 ca mắc mới, một trong những số liệu thấp nhất về số ca mắc mới trong gần 2 tháng qua. Trung bình, số ca mắc mới trên toàn quốc trong 7 ngày qua là 60.366 ca/ngày. So với trung bình tuần trước đó thì số ca mắc mới đã giảm tới khoảng 40%.

Hiện cả nước có khoảng 1.500 bệnh nhân nặng, chỉ bằng 1/4 so với đỉnh dịch vào hồi tháng 3. Số bệnh nhân tử vong, trung bình ghi nhận trong 7 ngày qua là 37 ca, giảm mạnh so với trước đó thường trung bình trên dưới 100 ca/ngày.

Trước thực tế trên, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, hầu hết chuyên gia dịch tễ đều nhận định, Việt Nam đã qua đỉnh dịch một cách tự nhiên trong trạng thái bình thường mới.

TS, BS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang thông tin: Những ngày qua số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị Covid-19 giảm rất sâu. Chỉ bằng 1/5 so với trước đó. Điều này không chỉ giúp các nhân viên y tế có thể được nghỉ ngơi sau quãng thời gian rất dài căng mình chống dịch mà còn giúp bệnh viện có thể thuyên chuyển lực lượng để chăm sóc sức khỏe nhân dân, khám chữa bệnh ở những chuyên khoa khác.

Tương tự, tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Hà Đông… cũng giảm bệnh nhân nhập viện, bệnh nhân mắc Covid-19 nặng.

Không chỉ tại nước ta, theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã giảm trong hai tuần liên tiếp trong khi số ca tử vong trên khắp thế giới cũng có tín hiệu giảm từ tuần trước.

Kịch bản nào cho dịch bệnh

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Thượng tá, BS Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy Cao áp Việt Nga cho hay: Với tỷ lệ bao phủ vaccine cao như nước ta hiện nay, chúng ta có thể khá yên tâm về Covid-19, bởi lẽ, trong phòng, chống dịch, điều đáng lo ngại nhất là xảy ra quá tải hệ thống y tế. Nếu điều này xảy ra đồng nghĩa với việc người cần điều trị sẽ không được tiếp cận với y tế, từ đó số ca tử vong sẽ tăng lên rất nhanh. Tuy nhiên, như hiện nay chúng ta đã có cách phân luồng người bệnh hợp lý, thêm với đa phần người dân đã tiêm vaccine thì trường hợp hệ thống y tế tê liệt rất khó có thể trở thành hiện thực. Bởi vậy, khi nói về kịch bản của Covid-19, người ta quan tâm nhiều hơn tới khả năng đột biến, những biến thể mới của SARS-CoV-2.

Từ đó, có thể có 2 kịch bản, một là SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục có những biến thể mới và đột phá được vaccine hiện có, với tốc độ lây lan cao hơn cả Omicron, nhưng cùng với đó là độc lực của nó tiếp tục giảm xuống. Ở giả thuyết này, dần dần, Covid-19 sẽ trở thành một căn bệnh hô hấp thông thường. Kịch bản thứ 2 có thể xảy ra, đó là SARS-CoV-2 sẽ có biến thể mới với độc lực mạnh hơn nhiều. Theo BS Huy, dịch Covid-19 khó có khả năng bùng phát trên diện rộng mà có thể chỉ diễn ra ở cục bộ. Bên cạnh đó, theo thời gian trôi qua, càng ngày chúng ta càng hiểu rõ hơn về Covid-19 thì đồng nghĩa với việc sẽ sớm có thuốc đặc trị kịp thời. Có thể khẳng định, trong vài tháng tới, Covid-19 tại Việt Nam sẽ tiếp tục “hạ nhiệt”, người dân có thể yên tâm để tập trung phát triển kinh tế - xã hội.

Vaccine - mảnh ghép cuối cùng

Một trong những nỗ lực của các cơ quan chức năng để có thể sớm đẩy lùi Covid-19, thông tin từ Bộ Y tế, lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đầu tiên sẽ về Việt Nam vào ngày 9/4 tới đây. Tiếp sau đó, lô thứ 2 sẽ về vào ngày 13/4 và lô thứ 3 sẽ về trước ngày 18/4. Sau khi hoàn thành kiểm định vaccine, Bộ Y tế sẽ phân bổ ngay cho các địa phương để triển khai tiêm chủng.

Được biết, Bộ Y tế đã xác định tiêm vaccine cho trẻ em là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022. “Tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi để bảo vệ sức khỏe trẻ em và giúp trẻ được đi học, vui chơi, cha mẹ yên tâm làm việc trong điều kiện nước ta mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội” - PGS. TS Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Theo kế hoạch, từ tháng 4/2022, 63 tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ bắt đầu tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi. Trẻ tuổi từ 11 tuổi (lớp 6) sẽ được tiêm đầu tiên, sau đó hạ dần độ tuổi. Các bé sẽ được tiêm tại trường học, cơ sở tiêm chủng cố định và tiêm lưu động. 2 loại vaccine được Bộ Y tế lựa chọn tiêm cho lứa tuổi này là Pfizer và Moderna. Quá trình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi sẽ không tiêm trộn hai loại với nhau.

Bộ Y tế đã đưa ra hướng dẫn tới các bậc phụ huynh, sau khi tiêm chủng, cần cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng nghiêm trọng nếu có. Đồng thời, các gia đình cần theo dõi liên tục sức khỏe của trẻ trong 28 ngày sau tiêm, đặc biệt 48 giờ đầu.

Thượng tá, BS Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy Cao áp Việt Nga:

Đã tới lúc cần điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch

Covid-19 sẽ tiếp tục giảm dần trên phạm vi cả nước trong thời gian tới. Với tỷ lệ bao phủ vaccine như hiện nay, đã tới lúc cần chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Bên cạnh đó, một thực trạng dễ nhận thấy là hầu như các biện pháp phòng, chống dịch như giãn cách, sát khuẩn chỉ còn mang tính hình thức mà hiếm người dân nào còn nghiêm túc thực hiện. Có lẽ các cơ quan có thẩm quyền cũng cần tính toán lại các biện pháp phòng, chống dịch để có thể hướng dẫn người dân kịp thời trong tình hình mới.

Mặc dù vậy, ở phía người dân, chúng ta có thể yên tâm nhưng không thể chủ quan. Bởi nhiều nhà khoa học cũng như những cơ quan nghiên cứu có uy tín trên phạm vi toàn cầu đều đã cảnh báo, sau Covid-19, khả năng rất cao sẽ tiếp tục xuất hiện một loại dịch bệnh nguy hiểm khác nữa. Do đó, không thể mang tâm lý thoải mái quá đà. Chúng ta trong trạng thái bình thường mới chứ không phải trạng thái như chưa hề có dịch Covid-19.

PGS. TS. Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội:

Cần sớm có quy định đưa Covid-19 ra khỏi bệnh truyền nhiễm nhóm A

Bộ Y tế cần sớm có quy định đưa Covid-19 ra khỏi bệnh truyền nhiễm nhóm A càng sớm càng tốt vì các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đang được áp dụng như khai báo y tế, cách ly, khoanh vùng… đã được Chính phủ, Bộ Y tế thực hiện trước đây không còn phù hợp trong giai đoạn thực tế. Thêm vào đó, việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho người dân hiện nay không chỉ dừng lại ở mũi 2 mà đã được bổ sung tăng cường thêm mũi 3, 4 và vaccine đang phát huy hiệu quả trong thời gian vừa qua khi số ca chuyển nặng và tử vong thấp.

Thực tế cho thấy bản chất của chủng Omicron nhẹ, không xâm nhập vào phổi nhiều và cũng không gây ra tình trạng bệnh nặng phải nhập viện, các cơ sở y tế cũng không gặp tình trạng quá tải.

Đ. Trân(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Covid-19 hạ nhiệt: Thay đổi phương án chống dịch thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO