Covid-19 vẫn nóng từng ngày

Hà Anh 07/01/2021 07:00

Trước làn sóng mới của đại dịch Covid-19, nhiều nước trên thế giới buộc phải kéo dài, thậm chí tăng mức độ phòng dịch để đối phó với tình hình.

Ảnh minh họa: BBC.

1. Các quốc gia ở châu Âu vẫn đang chóng mặt khi số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 chưa có dấu hiệu giảm sút. Trong diễn biến mới nhất, Anh ghi nhận 2.774.479 ca nhiễm và 76.305 ca tử vong, tăng lần lượt 60.916 và 830 trường hợp. Đây là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát nước này báo cáo trên 60.000 ca nhiễm mới một ngày.

Trong một thông báo ngày 5/1, Giám đốc Cơ quan Y tế Công cộng Anh Yvonne Doyle cho biết “tốc độ gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm là một dấu hiệu đáng lo ngại” và sẽ gây thêm áp lực đáng kể cho hệ thống y tế của đất nước.

Dữ liệu của Chính phủ Anh cho thấy, tỷ lệ mắc Covid-19 tại Anh đã tăng từ 287 người trên 100.000 người vào ngày 16/12 lên 487 người trên 100.000 người vào ngày 30/12. Tuy nhiên, theo CNN, mặc dù số ca mắc Covid-19 tại Anh tăng, nhưng khả năng xét nghiệm SARS-CoV-2 của quốc gia này đã tăng lên kể từ thời điểm đỉnh dịch của đợt Covid-19 đầu tiên.

Trong khi đó tại Pháp ghi nhận thêm 20.489 ca nhiễm trong ngày 5/1, tăng gần 5 lần so với ngày hôm trước, và 378 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.680.239 và 66.282.

Trước đó, Pháp lần đầu ghi nhận ca nhiễm biến chủng mới từ Nam Phi trong ngày cuối cùng của năm cũ, đây là một người ở vùng Haut-Rhin, gần biên giới Thụy Sĩ, mới trở về từ quốc gia châu Phi này. Chủng 501.V2 được giới chức Nam Phi phát hiện từ giữa tháng 12. Trước đó, ngày 25/12, Pháp ghi nhận ca nhiễm chủng nCoV mới từ Anh đầu tiên, là một công dân Pháp sống ở Anh.

Kể từ ngày 2/1, Pháp áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm sớm hơn tại 15 khu hành chính đông bắc và đông nam, bắt đầu từ 18h thay vì 20h. Pháp đang bị chỉ trích vì triển khai vaccine chậm hơn nhiều các quốc gia châu Âu khác. Chưa đến 200 người được tiêm vaccine Pfizer/BioNTech ở nước này.

Tại Đức, ngày 6/1 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Angela Merkel và thủ hiến các bang ở Đức đã nhất trí kéo dài các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đang áp dụng hiện nay cho tới ngày 31/1, đồng thời siết chặt thêm các biện pháp phòng ngừa nhằm kiềm chế sự lây lan của đại dịch.

Phát biểu họp báo sau cuộc gặp với các thủ hiến bang, Thủ tướng Merkel cảnh báo tình hình đã có những diễn biến ở mức nguy hiểm, liên quan tới những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và mọi nỗ lực cần tập trung để có thể giảm được chỉ số lây nhiễm xuống dưới mức 50 ca/100.000 dân trong 7 ngày, theo đó có thể thực hiện được việc truy vết chuỗi lây nhiễm.

Theo thông báo ngày 5/1 của Viện Dịch tễ Robert Koch (RKI), cho tới nay Đức đã tiến hành tiêm chủng được cho gần 317.000 người, trong đó có trên 131.000 trường hợp là những người ở các cơ sở dưỡng lão.

2. Ở châu Mỹ, Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới khi ghi nhận thêm 195.747 ca nhiễm và 2.984 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 21.548.798, trong đó 365.107 người chết. Nước Mỹ khép lại năm 2020 với tháng 12 chết chóc nhất và có số ca lây nhiễm nhiều nhất kể từ thời điểm đại dịch bùng phát. Hơn 77.000 người đã chết và 6,4 triệu người nhiễm virus trong tháng cuối cùng của năm 2020, vượt qua con số kỷ lục được ghi nhận trước đó vào tháng 4/2020 với 58.000 người chết.

Mỹ bắt đầu công bố những ca đầu tiên nhiễm biến chủng Covid-19 từ Anh. Thống đốc New York Andrew Cuomo ngày 5/1 trong một cuộc họp báo cảnh báo biến chủng này thực sự là một vấn đề nghiêm trọng và có thể thay đổi toàn bộ tình hình. Cuomo kêu gọi tất cả những ai từng tiếp xúc với ca nhiễm biến chủng Covid-19 đầu tiên ở thị trấn Saratoga, New York, liên hệ ngay với nhà chức trách để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Nước láng giềng Brazil cũng không khá hơn khi ghi nhận thêm 1.141 người chết vì Covid-19, tăng gần gấp đôi so với một ngày trước, nâng tổng số ca tử vong lên 197.732. Số người nhiễm Covid-19 tăng vọt 55.840 ca trong 24 giờ qua, lên 7.810.400.

Trước đó, với áp lực bủa vây Tổng thống Jair Bolsonaro về việc bắt đầu tiêm chủng cho người dân, Chính phủ Brazil hôm 29/12 kêu gọi các nhà sản xuất vaccine Covid-19 tăng tốc đăng ký phê duyệt sử dụng vaccine tại nước này. Thứ trưởng Y tế Brazil Elcio Franco cam kết cải thiện đối thoại với Pfizer, sau khi hãng dược phẩm Mỹ phàn nàn về những thủ tục khó khăn khi đăng ký cấp phép.

3. Ở châu Á, giới chuyên gia Nhật Bản đang kêu gọi Chính phủ sớm ban bố tình trạng khẩn cấp. Theo nhóm chuyên gia y tế này, sự lây lan của dịch bệnh trên nhiều mặt đều ở mức chưa từng thấy trước đây, và virus SARS-CoV-2 có thể đang lây lan ở các khu vực khác ngoài các thành phố lớn. Các cụm lây nhiễm cũng trở nên đa dạng hơn.

Nhóm chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm ban bố tình trạng khẩn cấp để nhanh chóng khống chế sự gia tăng của số ca nhiễm mới ở 4 tỉnh, thành trên và giảm gánh nặng lên các bệnh viện, trung tâm y tế cộng đồng. Biện pháp này cần được thực hiện để chấm dứt sự lây lan của dịch bệnh, giúp nền kinh tế và các hoạt động xã hội hồi phục càng sớm càng tốt.

Trong khi đó tại Hàn Quốc, số ca nhiễm mới Covid-19 hàng ngày ở Hàn Quốc ở mức dưới 1.000 ca trong ngày thứ hai liên tiếp và có dấu hiệu chững lại.

Cụ thể, theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), sáng 6/1, Hàn Quốc đã phát hiện thêm 840 ca Covid-19, trong đó có 809 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm lên 65.818 ca. Trong 24 giờ qua đã có thêm 20 người tử vong vì Covid-19, nâng số người tử vong bởi dịch bệnh này lên 1.027 người.

Các cơ quan y tế Hàn Quốc cho biết đường cong lây nhiễm virus đang dần phẳng lại nhờ nỗ lực xét nghiệm hàng loạt và giãn cách xã hội, song vẫn thận trọng trước tình trạng lây nhiễm tập thể và khả năng dịch bùng phát trở lại trong mùa Đông, cũng như sự lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2 từ Anh.

Trước diễn biến ngày càng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, ngày 6/1, WHO đã khuyến nghị các quốc gia nên áp dụng liệu trình tiêm chủng theo phác đồ 2 mũi tiêm vaccine ngăn ngừa Covid-19 của Hãng dược phẩm Pfizer-BioNTech trong vòng 21-28 ngày để đạt hiệu quả cao nhất.

Ngày 6/1, Tổng Giám đốc WHO, tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, các thành viên của nhóm nhà khoa học quốc tế phụ trách điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 đã được thông báo vào phút cuối rằng họ chưa được cho phép nhập cảnh vào Trung Quốc. Ông Tedros bày tỏ sự thất vọng về thông tin này và cho biết, ông đã liên hệ với các quan chức Trung Quốc để “một lần nữa khẳng định rằng, việc thực hiện nhiệm vụ nói trên là ưu tiên hàng đầu của WHO và nhóm điều tra quốc tế”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Covid-19 vẫn nóng từng ngày

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO