Cù lao Chàm

Miên Thảo (Tổng hợp) 15/11/2016 15:00

Theo UNESCO, Khu dự trữ sinh quyển là “những khu vực hệ sinh thái bờ biển và trên cạn giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn sự đa dạng sinh học với việc sử dụng bền vững khu vực đó”. Việt Nam có 8 khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) nổi tiếng, đó là Khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ, Khu DTSQ Đồng Nai, Khu DTSQ Cát Bà, Khu DTSQ châu thổ sông Hồng, Khu DTSQ ven biển và biển đảo Kiên Giang, Khu DTSQ miền tây Nghệ An, Khu DTSQ Mũi Cà Mau, Khu DTSQ Cù lao Chàm.

Cù lao Chàm

Cù lao Chàm là một cụm đảo, thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm cách bờ biển Cửa Đại 15km. Cù lao Chàm bao gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. Dân số trên các hòn đảo này gồm khoảng 3.000 người.

Cù lao Chàm được biết đến không chỉ với tư cách là một nhóm đảo hệ sinh thái thiên nhiên phong phú, mà còn là nơi có nhiều di tích văn hoá lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An.

Trong quá khứ, Hội An nổi bật là thương cảng lớn nhất của đất nước, nơi đầu tiên đón các thuyền buôn phương Tây. Nơi đây còn lưu giữ các công trình kiến trúc cổ của người Chăm và người Việt, với niên đại nhiều trăm năm.

Tháng 10/2003, Khu Bảo tồn thiên nhiên Cù lao Chàm được thành lập để giữ gìn sinh vật hoang dã trên đảo, là một trong 15 Khu Bảo tồn biển của Việt Nam vào thời điểm 2007.

Ngày 29/5/2009, tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển diễn ra tại đảo Jeju (Hàn Quốc), Cù lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu DTSQ thế giới.

Cù lao Chàm - 1

Rạn san hô tuyệt đẹp.

Cù lao Chàm được giới khoa học chuyên ngành quan tâm đặc biệt bởi chính nơi đây có những loài san hô lần đầu tiên được tìm thấy ở Việt Nam. Từ đó, người ta đã tiến hành nuôi trồng để phục hồi những rạn san hô đã bị xâm hại trên các vùng biển khác.

Tới nay, Cù lao Chàm đã trở thành một điểm du lịch thú vị đối với bất kì ai khi tới miền Trung. Khoảng 3.000 người dân sinh sống trên đảo hôm nay cùng với nghề biển, họ đã có thêm nghề du lịch.

Ngày hè, khách du lịch còn đông hơn cả cư dân trên đảo. Cũng chính nhờ nguồn thu từ du lịch, người dân có điều kiện hơn trong việc bảo vệ môi trường. Nói như một cư dân trên đảo thì “Ngày mới thành lập Khu bảo tồn biển, dân đảo chúng tôi hoang mang lắm vì Ban quản lý đã khoanh vùng bảo vệ, cấm không cho đánh bắt thủy sản thủy sản ở các rạn san hô.

Cù lao Chàm - 2

Lặn biển ở Cù lao Chàm.

Dân chúng tôi xưa nay chỉ quen dùng thuyền nhỏ đánh bắt thủy sản ở các rạn san hô ven đảo, bây giờ không được đánh bắt nữa, đi làm nghề phục vụ du lịch liệu có sống nổi không?

Nhưng rồi chính khách du lịch đã đem lợi nhuận đến cho đảo, vì thế chúng tôi biết rằng chính mình hãy bảo vệ sự hoang sơ tự nhiên của đảo- đó chính là nguồn sống bền vững lâu dài”.

Nhiều người dân ở đây đã bỏ nghề đi thúng chai chuyển sang làm nghề nấu ăn phục vụ du khách, hoặc là nghề hướng dẫn lặn biển, đưa người đi tham quan trên đảo.

Cù lao Chàm - 3

Sao biển.

Du khách tới Cù lao Chàm hôm nay vẫn tận mắt chứng kiến những rạn san hô chưa từng bị khai thác, với nhiều màu sắc lộng lẫy. Du khách cũng được tận hưởng những giờ phút thư thái trên những bãi biển nguyên vẻ hoang sơ, như Bãi Làng, Bãi Chồng, Bãi Hương…

Buổi chiều nơi đây thật đẹp khi mặt trời dần chìm xuống mặt nước biển xanh tối. Những đàn yến từ đâu đó bay về tìm chỗ ngủ khiến bầu trời xao động. Những con thuyền ban ngày ra khơi nay về thảnh thơi nghỉ, dập dờn trên song nước. Trên bờ, gió thổi vào những tàng cây vi vút; dưới biển tiếng sóng dào dạt trở thành bản song tấu kỳ diệu của thiên nhiên.

Theo đại diện Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm, năm 1996, các nhà khoa học đã phát hiện được ở đây có 135 loài san hô với 35 giống, trong đó có 6 loài mới tìm thấy lần đầu ở vùng biển Việt Nam.

Nơi đây có 202 loài thủy sản và 4 loài tôm hùm. Các rạn san hô ở Cù lao Chàm phân bố chủ yếu ở phía Tây và Tây đảo Hòn Lao và xung quanh các đảo nhỏ với tổng diện tích khoảng 165ha. Cùng với việc khôi phục, tới nay Cù lao Chàm có gần 320ha diện tích các rạn san hô.

Một trong những món hải sản ngon nhất ở Cù lao Chàm có lẽ là loài tôm hùm xanh. Chúng sống trong môi trường tự nhiên, thịt chắc, trắng tinh và cực kì thơm ngon. Tuy nhiên, cũng khó mà bắt được chúng bởi đó là loài tôm sống ở mực nước sâu, lại rất không ngoan mỗi khi gặp nguy cơ.

Còn sao biển, không ít người cho là sao biển ở Cù lao Chàm mang vẻ đẹp khác lạ so với những vùng biển khác. Không chỉ về kích cỡ, mà cả màu sắc, chúng khiến người ta mê mẩn.

Trong những khu DTSQ của đất nước được UNESCO công nhận, Cù lao Chàm có vị trí đặc biệt. Thiên nhiên ở đây được bảo vệ gần như tuyệt đối. Những bộ gene quý của tôm hùm xanh, một số loài san hô... được gìn giữ.

Buổi chiều nơi đây thật đẹp khi mặt trời dần chìm xuống mặt nước biển xanh tối. Những đàn yến từ đâu đó bay về tìm chỗ ngủ khiến bầu trời xao động. Những con thuyền ban ngày ra khơi nay về thảnh thơi nghỉ, dập dờn trên song nước. Trên bờ, gió thổi vào những tàng cây vi vút; dưới nước tiếng sóng dào dạt trở thành bản song tấu kỳ diệu của thiên nhiên...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cù lao Chàm