Cú rơi giữa đại dương: Iceland và câu chuyện mực nước đảo ngược

Mai Nguyễn (Theo CNN) 25/04/2022 10:54

Khi thế giới đang phải hứng chịu mực nước biển ngày một dâng cao, mực nước của Iceland lại đang giảm xuống và chảy sang phía bên kia hành tinh.

Câu chuyện băng tan

Việc mang về nhà những thứ đánh bắt được đang trở thành một nhiệm vụ ngày càng nguy hiểm ở làng chài Iceland này. Trong khi nhiều người dân trên thế giới đang lo lắng về mực nước biển đang ngày một dâng cao nuốt chửng đất liền, thì cộng đồng dân cư nơi đây lại gặp phải vấn đề ngược lại khi mực nước biển đang giảm xuống.

Các đầm phá biển bao quanh làng Höfn đang trở nên nông và khó điều hướng hơn. Thủy triều lên xuống với lực ít hơn thời điểm trước kia, khiến những dòng kênh giúp tàu đánh cá di chuyển qua dần bị bồi lấp.

Những con thuyền cập cảng ở làng Höfn, Iceland. Ảnh: CNN.
Những con thuyền cập cảng ở làng Höfn, Iceland. Ảnh: CNN.

“Những con tàu lớn khi đang chất đầy cá ốt vảy nhỏ hoặc cá trích, sống tàu sẽ khá gần với đáy. Chính vì vậy, nguy cơ cao có thể dẫn đến rò rỉ thân tàu, gây tổn thất tài chính lớn hoặc thậm chí đắm tàu​​”, ông Þorvarður Árnason, Giám đốc trung tâm nghiên cứu của Đại học Iceland ở Höfn, cho biết.

“Thường có khoảng 60 người đàn ông làm việc trên tàu, họ đều là dân địa phương”, Árnason nhấn mạnh. “Những suy nghĩ về một con tàu đắm quá đáng sợ”.

Ngôi làng Höfn nằm dưới bóng của chỏm băng lớn nhất Iceland, Vatnajökull. Trong nhiều thế kỷ, sức nặng khủng khiếp của Vatnajökull đã nén chặt mặt đất phía bên dưới. Nhưng hiện tượng ấm lên toàn cầu đang khiến các chỏm băng và sông băng này tan chảy nhanh chóng, hiện tại, nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong suốt 200 năm qua. Khi những tảng băng biến mất, mặt đất đang vươn lên theo đúng nghĩa đen.

Và khi các sông băng tan chảy, những dòng nước sẽ trở về đại dương. Điều này sẽ gây ra hai hậu quả chính.

Mặt trước của sông băng Sólheimajökull, trên bờ biển phía nam của Iceland. Ảnh: CNN.
Mặt trước của sông băng Sólheimajökull, trên bờ biển phía nam của Iceland. Ảnh: CNN.

Trong nhiều thế kỷ, các sông băng đã nén chặt mặt đất xuống phía bên dưới. Chính điều này sẽ giúp mặt đất trở nên nhẹ hơn và giảm bớt một số áp lực lên vùng đất bên dưới, khiến mặt đất nổi lên trở lại khi sông băng bắt đầu tan chảy.

Các sông băng lớn cũng có lực hấp dẫn đối với đại dương khi kéo nước về phía chúng. Vậy nên, khi sông băng tan chảy và mất đi khối lượng, lực kéo này sẽ trở nên yếu hơn và cuối cùng khiến dòng nước chảy sang phía bên kia thế giới.

Lực hấp dẫn

Nguồn gốc cái tên Iceland không có gì là bí ẩn khi khoảng 1/10 diện tích đất nước được bao phủ bởi các sông băng. Nhưng tại thời điểm Bắc Cực đang trải qua thời kỳ tăng nhiệt độ mạnh mẽ nhất trên thế giới, kết quả là Iceland hiện mất khoảng 10 tỷ tấn băng mỗi năm, theo NASA. Với tốc độ này, Iceland có thể sẽ không còn băng vào năm 2200.

Các phép đo GPS đã cho thấy mặt đất ở làng Höfn tăng 1,7 cm mỗi năm. Đất càng gần sông băng tan chảy, sự gia tăng càng nhanh. Tại khu vực cách Höfn khoảng 20 phút lái xe về phía bắc, mặt đất được ghi nhận tăng thêm 3,8 cm mỗi năm.

Băng tan ở Iceland. Ảnh: CNN.
Băng tan ở Iceland. Ảnh: CNN.

Tại Höfn, Giám đốc Árnason đã trực tiếp theo dõi những diễn biến. Ngôi làng này gắn liền với nghề đánh bắt cá và hầu hết là sinh kế của các gia đình ở đây. Nếu các con thuyền không thể cập bến, điều đó gần như đồng nghĩa với nghèo đói.

Nhưng có một lý do khác khiến mực nước biển xung quanh Iceland đang giảm, đó chính là lực hấp dẫn.

Sự tan chảy nhanh chóng của các sông băng và tảng băng ở Greenland đang khiến mực nước biển tăng lên ở hầu hết các nơi trên thế giới, hoàn toàn là do chúng đã đưa thêm một lượng nước khổng lồ vào đại dương.

Nhưng sự gia tăng này không đồng đều. Nói cách khác, Greenland và các vùng lãnh thổ xung quanh, nơi diễn ra quá trình tan băng nhiều nhất, đang thực sự trải qua sự giảm đối với mực nước biển, và điều này không chỉ bắt nguồn từ hiện tượng mặt đất dâng cao.

Bất cứ sự vật nào có khối lượng đều sở hữu lực hấp dẫn riêng. Khối lượng càng lớn thì càng có nhiều lực hấp dẫn.

Tàu thuyền được được cập cảng tại làng Höfn. Ảnh: CNN.
Tàu thuyền được được cập cảng tại làng Höfn. Ảnh: CNN.

“Tảng băng nặng đến nỗi sẽ có thể kéo đại dương về phía mình nhờ lực hấp dẫn. Nhưng nếu tảng băng tan ra, lực hút này sẽ bắt đầu yếu đi và đẩy dòng nước dạt ra xa”, Thomas Frederikse, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Phòng thí nghiệm Lực đẩy phản lực của NASA, nêu rõ. “Càng ở xa tảng băng sẽ càng nhận được nhiều nước”.

Các nhà khoa học NASA ước tính rằng, nếu mực nước biển trung bình trên toàn cầu tăng lên 1 mét - một phần là do băng tan ở Greenland - thì con số này thực sự sẽ giảm 20 cm xung quanh Iceland. Đó là bởi vì quốc gia này nằm rất gần Greenland, nơi diễn ra sự thay đổi lực hấp dẫn.

Và mặc dù sự tan chảy đối với bản thân Iceland sẽ đóng một vai trò trong việc tăng mực nước biển toàn cầu, nhưng nơi đây chỉ chứa một lượng nước rất nhỏ so với những tảng băng lớn nhất thế giới.

Nếu tất cả các sông băng ở Iceland đều tan chảy, mực nước biển trung bình toàn cầu sẽ tăng thêm 1 cm. Mặt khác, Greenland và Nam Cực có đủ băng để đưa hành tinh đến những hậu quả thảm khốc. Nếu toàn bộ Greenland tan chảy, mực nước biển toàn cầu sẽ tăng thêm 7,5 mét, và Nam Cực có đủ băng trên lục địa để làm mực nước biển tăng gần 60 mét, nếu tất cả đều tan chảy.

Ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu

Băng tan chiếm khoảng 2/3 mực nước biển dâng trên thế giới. Nhưng biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến các đại dương của chúng ta theo một cách khác.

Ảnh chụp từ trên không của Đảo Ejit thuộc Đảo san hô Majuro của Quần đảo Marshall. Ảnh: CNN.
Ảnh chụp từ trên không của Đảo Ejit thuộc Đảo san hô Majuro của Quần đảo Marshall. Ảnh: CNN.

Khi con người thải ra nhiều khí nhà kính hơn, chủ yếu bằng cách đốt nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên để làm năng lượng, nhiệt độ nước biển cũng theo đó dần tăng lên, đồng thời nhiệt lượng tăng đang làm cho đại dương 'nở ra'.

Và khi dòng nước ấm hơn, các phân tử sẽ chuyển động nhanh và tản ra nhiều hơn, trực tiếp làm tăng thể tích. Các nhà khoa học ước tính rằng khoảng 1/3 mực nước biển dâng toàn cầu có thể bắt nguồn từ sự mở rộng này.

Bằng chứng khoa học mới nhất đã cho thấy ngay cả khi thế giới ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch như hiện tại, mực nước biển dâng vẫn sẽ bị hạn chế cho đến năm 2050. Nhưng lượng khí thải trong tương lai sẽ gây ra những hậu quả to lớn hơn sau năm 2050.

Nếu thế giới ấm lên từ 3 đến 4 độ C so với thời kỳ Tiền Công nghiệp, các nhà khoa học cảnh báo rằng mực nước biển trung bình toàn cầu có thể tăng lên tới 70 cm vào cuối thế kỷ này, đe dọa sự tồn tại của con người ở một số khu vực. Thời điểm hiện tại, nhiệt độ đã tăng ở mức 1,2 độ C.

Sóng ập vào một bức tường biển ở Majuro. Ảnh: CNN.
Sóng ập vào một bức tường biển ở Majuro. Ảnh: CNN.

Iceland và mực nước biển toàn cầu

Khi các sông băng tan chảy ở Iceland, tác động lên mực nước biển toàn cầu luôn không đồng đều. Sự tan chảy này sẽ góp phần làm cho mực nước biển dâng cao hơn ở nửa vòng trái đất, chẳng hạn như ở quần đảo Marshall, thay vì ở vùng biển của Iceland.

Khi những ngư dân ở làng Höfn phải vật lộn với hậu quả của những vùng biển ‘nông hóa’, người dân trên Quần đảo Marshall lại phải chứng kiến mực nước biển xung quanh họ dâng lên nhanh chóng.

Công nhân xây dựng bức tường biển ở Quần đảo Majuro, Marshall. Ảnh: CNN.
Công nhân xây dựng bức tường biển ở Quần đảo Majuro, Marshall. Ảnh: CNN.

Marshalls được tạo thành từ 5 hòn đảo và 29 đảo san hô hình nhẫn nằm ở vị trí thấp. Khi băng tan phía bên kia địa cầu ở những nơi như Greenland và Iceland, kết quả là mực nước biển dâng đã buộc người dân ở đây phải thay đổi cách sống và suy nghĩ về tương lai của họ theo hướng hiện sinh hơn.

Kathy Jetn̄il-Kijiner, một nhà văn và đặc phái viên khí hậu của Bộ Môi trường Quần đảo Marshall cho biết: “Không có núi và đại dương ở hai bên, đất đai thực sự mỏng và nhỏ hẹp. Đường bờ biển ngày càng ngắn lại, đó là một mối đe dọa thực sự đối với sự tồn tại của vùng đất này”.

Độ cao trung bình trên mực nước biển tại Marshalls chỉ là 2 mét. Chính vì thế, ở đây, từng cm đều rất quan trọng.

Trên toàn cầu, mực nước biển trung bình đã tăng hơn 20 cm kể từ đầu thế kỷ 20 và liên tục tăng nhanh trong suốt 3 thập kỷ qua. Kể từ năm 1993, mực nước đã tăng trung bình từ 2,8 đến 3,6 mm. Trong khi đó, Marshalls đã hứng chịu con số gấp đôi, với mức tăng 7 mm, theo một báo cáo khí hậu của chính phủ Australia.

Những đứa trẻ thu gom cá dọc theo bờ biển của Đảo Ebeye thuộc Đảo san hô Kwajalein của Quần đảo Marshall. Ảnh: CNN.
Những đứa trẻ thu gom cá dọc theo bờ biển của Đảo Ebeye thuộc Đảo san hô Kwajalein của Quần đảo Marshall. Ảnh: CNN.

Nước biển dâng tại quốc đảo này đang gây ra hiện tượng lũ lụt ngày một thường xuyên hơn. Sóng đánh dạt các hàng rào bảo vệ bờ biển, đường phố bị ngập lụt, nước uống bị ô nhiễm, sinh kế bị phá hủy. Mối đe dọa về lũ lụt luôn hiện hữu trong tâm trí người dân nơi đây.

Đó là một lời nhắc nhở liên tục về mối đe dọa hiện hữu mà quốc gia này đang phải đối mặt từ biến đổi khí hậu và rằng họ cần những công cụ mới để thích ứng với thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cú rơi giữa đại dương: Iceland và câu chuyện mực nước đảo ngược

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO