Cúm mùa khác Covid-19 ở triệu chứng nào?

Đức Trân 28/07/2022 08:15

Thời gian qua, Covid-19 và cúm mùa (đặc biệt cúm A) đều đang có xu hướng gia tăng trên địa bàn cả nước. Điều này khiến không ít người hoang mang lo lắng, không biết mình nhiễm cúm mùa hay mắc Covid-19. Trong khi đó, đây là 2 bệnh do virus gây ra và có một vài triệu chứng tương tự, dễ gây nhầm lẫn.

Chăm sóc trẻ em mắc cúm A tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: TL

Các bác sĩ cho biết, không thể phân biệt cúm A và Covid-19 hay các bệnh hô hấp khác nếu chỉ dựa trên dấu hiệu. Để xác định, phải căn cứ trên kết quả xét nghiệm. Việc thực hiện test nhanh Covid-19 hay cúm A hiện nay khá đơn giản.

Gia tăng bệnh nhi mắc cúm A

Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân hoặc khi chuyển mùa. Thống kê của WHO cho thấy, dịch cúm ở Việt Nam thường bắt đầu sau tháng 4, đỉnh dịch thường rơi vào tháng 6 đến tháng 8.

Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, từ đầu tháng 6 đến nay, tỷ lệ trẻ em mắc cúm mùa nhập viện tại Khoa Nhi của bệnh viện ngày càng gia tăng và có nhiều trẻ có diễn biến nặng.

Cúm mùa có khả năng lây nhiễm rất cao, lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (trên 65 tuổi), trẻ em (dưới 5 tuổi) và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại Bệnh viện Nhi trung ương với số trẻ tới khám vì các triệu chứng cúm mùa tăng cao trong thời gian gần đây. Thời gian qua, bệnh viện này đã tiếp nhận điều trị cho hàng trăm bệnh nhi mắc cúm, tăng nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Trong đó có nhiều trẻ bị viêm phổi, suy hô hấp, 45% trẻ mắc cúm A vào viện có hiện tượng co giật, 6% biểu hiện viêm não.

Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết từ đầu năm tới nay đã tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân mắc cúm A phải nhập viện, ngày cao điểm có tới 30-40 bệnh nhân đến thăm khám. Các đối tượng có độ tuổi từ 15-70, thường gặp nhất là độ tuổi 20-40, độ tuổi lao động, giao tiếp với nhiều người. Đáng lưu ý có nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, suy hô hấp, tổn thương phổi phải điều trị dài ngày, thậm chí bị bội nhiễm phải lọc máu, thở máy.

Nguy cơ nhiễm cả cúm A và Covid-19

TS. BS Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, cả Covid-19 và bệnh cúm mùa đều có thể biểu hiện các mức độ triệu chứng khác nhau, từ không triệu chứng đến các triệu chứng nghiêm trọng. Các triệu chứng phổ biến mà Covid-19 và bệnh cúm đều có bao gồm: Sốt hoặc cảm thấy nóng/ớn lạnh, ho, khó thở, mệt mỏi, viêm họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau cơ hoặc đau nhức cơ thể, đau đầu, nôn mửa và tiêu chảy, thay đổi hoặc mất vị giác/khứu giác. Điều quan trọng cần lưu ý là không phải ai bị cúm cũng sẽ bị sốt.

Vì một số triệu chứng của bệnh cúm, Covid-19 và các bệnh đường hô hấp nói chung là tương tự nhau, nên không thể phân biệt cúm thường và Covid-19 nếu chỉ dựa trên các triệu chứng. Chỉ có xét nghiệm sinh học mới có giá trị chẩn đoán chính xác tác nhân gây bệnh. “Thậm chí một người có thể bị nhiễm cả bệnh cúm và Covid-19 cùng một lúc, do đó có các triệu chứng của cả hai” - bác sĩ Hải cảnh báo.

Theo chuyên gia, trong 3 triệu chứng phổ biến và rõ ràng nhất của Covid-19 là sốt, ho khan và khó thở, chỉ có khó thở là không liên quan đến cảm lạnh hay cúm. Nhưng theo nghiên cứu, những người tiêm vaccine phòng Covid-19 đủ liều nếu nhiễm bệnh sẽ không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và càng ngày càng giống như cảm cúm. Do đó, nếu muốn phân biệt cúm và Covid-19 cũng cần phải xem xét đến yếu tố dịch tễ.

Ngoài ra, mất khứu giác là dấu hiệu được báo cáo sớm nhất và phổ biến liên quan đến SARS-CoV-2, đồng thời là dấu hiệu để phát hiện người mắc Covid-19 hiệu quả hơn so với các triệu chứng như sốt và ho. Không giống như trong các trường hợp cúm mà nguyên nhân mất khứu giác có xu hướng liên quan đến nghẹt mũi, trong Covid-19 mất khứu giác đột ngột có thể liên quan trực tiếp đến nhiễm trùng SARS-CoV-2 trong biểu mô mũi và các tế bào thần kinh khứu giác mà không có bất kì tắc nghẽn nào. Do đó, những người bị mất khứu giác đột ngột nên được nghi ngờ là mắc Covid-19 và cần làm xét nghiệm để xác nhận ngay lập tức.

Không được chủ quan khi mắc cúm A

Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đôi khi các triệu chứng cúm A tự khỏi, hoặc nhẹ có thể điều trị tại nhà. Nhưng nếu các triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần, người bệnh không được chủ quan mà nên đến cơ sở khám chữa bệnh uy tín để điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nghiêm trọng do cúm gây ra. Đặc biệt, biến chứng nguy hiểm nhất của cúm A là gây phù não và tổn thương gan trầm trọng, tỷ lệ tử vong rất cao. Cần lưu ý thêm với phụ nữ đang mang thai nếu mắc cúm A cũng có thể gây ra biến chứng viêm phổi hoặc sẩy thai…

Chính vì vậy, người dân nên đề cao cảnh giác, chủ động phòng bệnh. Khi mắc bệnh nếu thấy có các biểu hiện bất thường cần đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế tin cậy, tốt nhất là cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để xảy ra các biến chứng đáng tiếc.

Chuyên gia y tế khuyến cáo, cách tốt nhất để phòng ngừa cúm A là tiêm vaccine cúm hàng năm. Mỗi 1 mũi tiêm có thể chống lại 3-4 loại virus cúm khác nhau trong mùa cúm năm đó. Đặc biệt là gia đình có trẻ em, tiêm đủ, đúng lịch, tiêm nhắc lại để chủ động phòng tránh dịch bệnh. Đối với Covid-19 cũng tương tự, cách tốt nhất để phòng bệnh và giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng là tiêm vaccine phòng Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cúm mùa khác Covid-19 ở triệu chứng nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO