Cùng hiến kế xây dựng quê nhà

Nguyên Khánh 11/06/2017 08:30

Trong những ngày đầu tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến công du tới Hoa Kỳ và Nhật Bản. Với lịch trình dày đặc, nhưng Thủ tướng luôn dành ngày đầu tiên trong lịch làm việc của mình để gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của kiều bào, cũng như mong muốn kiểu bào hiến kế phát triển đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với cán bộ nhân viên Đại sứ quán và kiều bào tại Nhật Bản.

Mong kiều bào hiến kế

Tại Hoa Kỳ Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp tích cực của các doanh nhân, trí thức người Việt ở nước ngoài thời gian qua đã góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển toàn diện, nâng cao uy tín cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.

Thủ tướng cho biết Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị, coi đây là một trọng tâm về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới giai đoạn 2016-2020.

Thủ tướng cũng nêu quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển, đóng góp cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Sau những lời thăm hỏi động viên ân tình, Thủ tướng mong nhận được những kế sách của kiều bào giúp cho đất nước.

“Làm thế nào để trí thức, nhất là lớp trẻ người Việt ở Hoa Kỳ đóng góp được nhiều hơn cho tổ quốc, Thủ tướng đặt câu hỏi và hứa sẽ tiếp tục suy nghĩ, nghiên cứu về những ý kiến, đóng góp của họ trong các cuộc gặp. Thậm chí“các anh, chị có thể trực tiếp viết thư cho Thủ tướng để góp ý, hiến kế”- Thủ tướng bày tỏ.

Được lời như cởi tấm lòng, PGS Trần Ngọc Anh của ĐH Indiana bày tỏ, cá nhân ông đánh giá rất cao mong muốn của Thủ tướng về việc thu nhận trí thức nước ngoài. Vị Phó giáo sư này cũng đề nghị thành lập một diễn đàn dạng Davos để các chuyên gia và lãnh đạo hàng đầu có thể bàn về các vấn đề của Việt Nam.

Chỉ ra những điểm nghẽn đối với sự tăng trưởng của Việt Nam như chi phí tài chính, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, hiệu quả của bộ máy hành chính… ông Trần Ngọc Anh cho biết, nếu hiệu quả của chính quyền tăng 10% thì GDP tăng thêm được 3,6%.

“Cái gì không đánh giá được thì sẽ không cải thiện được”- PGS Trần Ngọc Anh khuyến nghị Chính phủ cần xây dựng một hệ thống đánh giá hiệu quả hoạt động của mình với các chỉ số đo lường chất lượng cụ thể.

GS Vũ Hà Văn của ĐH Yale góp ý rằng việc xây dựng đại học Việt Nam nên theo hướng cạnh tranh tự do. Điều đó sẽ tốt hơn cho Việt Nam về lâu dài. Ông Dương Cường Anh, một người làm trong lĩnh vực ngân hàng, chỉ ra vấn đề hiện kênh thông tin với nhà nước vẫn còn hạn chế. Số liệu đầu tư, đo lường còn rủi ro cao nên các ngân hàng lớn của Mỹ khi đứng trước cơ hội đầu tư ở Việt Nam thường chần chừ.

Vợ chồng GS Ngô Thanh Nhàn và bà Merle Ratner cặp vợ chồng có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, gia đình họ tiếp tục kêu gọi sự đóng góp sự chia sẻ của bạn bè thế giới khắc phục hậu quả chiến tranh của Việt Nam.

Chính phủ lắng nghe, hành động

Trước ý kiến đóng góp của doanh nhân, trí thức kiều bào, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Ngoại giao và Nhóm Sáng kiến Việt Nam xây dựng kênh huy động nguồn tri thức quốc tế kết hợp với nguồn tri thức trong nước để thường xuyên hỗ trợ Chính phủ trong tư vấn chính sách.

Về điểm nghẽn như PGS Trần Ngọc Anh phân tích, Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu các mô hình chấm điểm hành chính công một cách thấu đáo. “Cái gì cũng cần được lượng hóa chứ không thể nói nhiệt tình một cách chung chung”- Thủ tướng nhấn mạnh và giao Văn phòng Chính phủ cùng Bộ Nội vụ phối hợp với Nhóm Sáng kiến Việt Nam xây dựng hệ thống đánh giá quốc gia cho Chính phủ.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, Việt Nam luôn chào đón, cầu thị và mong muốn nhận được sự đóng góp, hỗ trợ của các nhà khoa học, các chuyên gia cả trong và ngoài nước. Thủ tướng mong nghe được ý kiến tâm huyết của kiều bào hơn nữa và cho biết Chính phủ sẽ tiếp thu, xây dựng, sửa chữa, bổ khuyết những vấn đề về thể chế, chính sách hiện nay, góp phần phát triển đất nước Việt Nam.

Đoàn kết, học tinh thần người Nhật

Tại Nhật Bản, ngay ngày đầu tiên đến Nhật, Thủ tướng đã gặp gỡ kiều bào sinh sống tại Nhật. Thông báo về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, Thủ tướng chia sẻ những cơ hội và thách thức của đất nước trong thời kỳ hội nhập. Hướng Đảng, Nhà nước ta là phải lo cho dân, phải lo phát triển doanh nghiệp để giải quyết việc làm. Nếu không giải quyết được việc làm thì không có tăng trưởng.

Bên cạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Chính phủ tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động vì lao động trong nông thôn, miền núi còn khá lớn. Muốn như vậy, tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải nhanh hơn, tốt hơn. Muốn làm được như thế chúng ta cần học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến, trong đó có Nhật Bản. Thủ tướng chia sẻ và cho rằng, cần tập hợp được nhân tài bốn phương, cả trong nước, quốc tế và bà con kiều bào cho đất nước.

Phát triển đất nước có thể tranh thủ các nguồn lực bên ngoài nhưng cốt lõi vẫn là phát huy nội lực của đất nước, Thủ tướng bày tỏ và cho biết: Không có ý chí tự lực, tự cường, vươn lên trong từng con người, gia đình, trong cả dân tộc thì khó có thể thành công và mong muốn bà con, nhất là các em học sinh, sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản nêu cao ý chí này. Thủ tướng mong muốn các em học sinh, sinh viên cố gắng học hỏi, rèn luyện, có ý chí, có kinh nghiệm, có học thức để tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc xây dựng đất nước.

Có thể nói, điều xuyên suốt trong các cuộc gặp mặt kiều bào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhắc nhở, động viên cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, Nhật Bản và với tất cả những người Việt sống xa Tổ quốc phải luôn giữ gìn truyền thống dân tộc, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, góp phần xây dựng cộng đồng lớn mạnh, để khi có điều kiện có thể chia sẻ, góp sức để xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cùng hiến kế xây dựng quê nhà

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO