Cung thanh là tiếng Mẹ…

Ngọc Anh 17/10/2019 08:00

Nhạc sĩ, họa sĩ tài hoa Nguyễn Đình Phúc, người mà nhắc đến tên ông, công chúng sẽ nhớ ngay đến ca khúc “Cô lái đò” phổ thơ Nguyễn Bính hồi giai đoạn mở đầu của nền tân nhạc Việt Nam và “Tiếng đàn bầu” (phổ thơ Lữ Giang).

Cung thanh là tiếng Mẹ…

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc quê ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Ông sinh năm 1919 và qua đời năm 2001. Ca khúc “Cô lái đò” phổ thơ Nguyễn Bính là một trong những ca khúc tiểu biểu của giai đoạn mở đầu nền tân nhạc Việt Nam. Công chúng hâm mộ “Cô lái đò” tới mức như tài tử Ngọc Bảo có lần tâm sự: “Nhiều năm lưu lạc và kiếm sống bằng ca hát ở Pháp, bài hát “Cô lái đò” đã làm giàu cho tôi”. “Cô lái đò” được in trong tập thơ “Lỡ bước sang ngang” nổi tiếng của Nguyễn Bính, xuất bản lần đầu năm 1940. Đến năm 1942, chàng trai trẻ Nguyễn Đình Phúc có trong tay tập thơ này và ông đã hoàn toàn bị chinh phục (có giai thoại kể rằng ông đã sáng tác “Cô lái đò” và nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác “Cô hái mơ”- đều phổ thơ Nguyễn Bính, chỉ trong hai vòng quanh Hồ Gươm. Tình khúc lãng mạn ấy không chỉ vẫn được xem như một trong những cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của nền tân nhạc Việt Nam mà còn chứng tỏ sức sống lâu bền của nó trong lòng người yêu nhạc. Nhiều thế hệ ca sĩ trẻ ngày nay vẫn tiếp tục hát “Cô lái đò”…

Tuy nhiên, không chỉ có âm nhạc, Nguyễn Đình Phúc là một nghệ sĩ đa tài. Ngoài sáng tác nhạc, ông còn làm thơ, vẽ tranh, viết sách nghiên cứu dân gian và cả sách hướng dẫn xem… vân tay, đoán số. Ông khởi đầu sự nghiệp bằng hội họa chứ không phải âm nhạc. Ông từng theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1943, với bức tranh “Chú bé thổi sáo”, Nguyễn Đình Phúc giành được giải nhất tại cuộc triển lãm tranh Đông Dương tổ chức ở Hà Nội và dùng số tiền thưởng đi xuyên việt.

Trong chuyến đi ông đã sáng tác ca khúc “Lời du tử”, sau này cũng được tài tử Ngọc Bảo thể hiện rất thành công.

Sau Cách mạng tháng 8, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc đi theo Mặt trận Việt Minh. Thời kỳ này ông bắt đầu viết những sáng tác nổi tiếng như “Quân tiên phong”- bài hát chính thức của Đại đoàn quân Tiên phong, “Chiến sĩ Sông Lô”, “Bình Ca”...

Sau khi đi tu nghiệp sáng tác tại Bulgaria, trở về nước ông có nhiều ca khúc trong những năm tháng chống Mỹ, mà nổi bật là “Tiếng đàn bầu”, “Nhớ anh giải phóng quân”- với bút danh Nguyễn Thơ, “Gửi anh đi đầu quân”...

Ngoài sáng tác ca khúc, Nguyễn Đình Phúc còn sáng tác khí nhạc, nhạc phim. Ông là một trong những nhạc sĩ viết nhạc phim đầu tiên của Việt Nam. Ông đã sáng tác nhạc cho bộ phim tài liệu đầu tiên là “Nước về Bắc Hưng Hải” và bộ phim truyện đầu tiên “Chung một dòng sông”. Ngoài ra ông còn viết nhạc cho các phim Lửa trung tuyến, Nàng Ngà...

Lĩnh vực khí nhạc, ông có những sáng tác như bản giao hưởng “Việt Nam trên đường nở hoa”, Giao hưởng số 1, Concerto cho violon, Concerto cho cello, Giao hưởng số 2 cho dàn nhạc dân tộc Không có gì quý hơn độc lập tự do...

Nguyễn Đình Phúc còn là một họa sĩ chuyên vẽ chân dung các văn nghệ sĩ Việt Nam. Ông đã từng vẽ chân dung Văn Cao, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài, Xuân Diệu... tổng cộng khoảng 120 bức. Ông đã mở một triển lãm chân dung các văn nghệ sĩ và in một tuyển tập gồm 80 bức tranh... Những năm cuối đời, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc dồn hết tâm lực của mình vào việc vẽ. Ông vẽ nhiều, đa phần là tranh sơn dầu và giấy dó. Ông thích thú vẽ chân dung các văn nghệ sĩ, những người ông từng gặp và mến trọng về tài năng và nhân cách. Nhiều bức ông vẽ bằng trí nhớ. Bức chân dung danh họa Nguyễn Phan Chánh là bức vẽ cuối cùng trong cuộc đời ông, được ông hoàn thành 2 ngày trước khi mất.

Năm nay, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc, một tuyển tập nhạc gồm 13 ca khúc nổi tiếng nhất của ông đã được xuất bản. Nhìn vào đó có thể thấy từ “Cô lái đò”, “Lời du tử”... đến “Chiến sĩ Sông Lô”, “Tiếng đàn bầu”... hay các bản nhạc phim, nhạc giao hưởng sau này, là bước thay đổi về phong cách sáng tác nhưng vẹn nguyên sự tài hoa trong từng nốt nhạc, đa dạng, phong phú và tài năng. Âm hưởng dân gian vẫn thấm đẫm trong các sáng tác ở các thời kỳ khác nhau, các thể loại khác nhau. Trong chương trình nghệ thuật Tiếng đàn bầu tối 17/10 này, một lần nữa không gian âm nhạc Nguyễn Đình Phúc lại vang lên ở Nhà hát Lớn, dìu dặt “Cô lái đò”: “Bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng trong/ Cô lái đò kia đi lấy chồng/ Vắng bóng cô em từ dạo ấy/ Để buồn cho những khách sang sông” và thánh thót “Tiếng đàn bầu của ta/Cung thanh là tiếng mẹ/Cung trầm là giọng cha/Ngân nga em vẫn hát/Tích tịch tình tình tang/Tiếng đàn bầu Việt nam/Ngân tiếng vàng trong sáng/ Ơi cung thanh, cung trầm/Ru lòng người sâu thẳm”...

Hoạ sĩ Nguyễn Xuân Tiệp - con trai nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc cho biết: Hiện gia đình còn lưu giữ gần 500 bức tranh, 3 tập thơ, hàng chục vở kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn... Gia tài mà ông để lại cho cuộc đời thật lớn. Lại chợt nghĩ rằng có một thế hệ nghệ sĩ tài hoa đến vậy mà cũng giản dị khiêm nhường đến vậy. Hình như nhạc sĩ, hoạ sĩ Nguyễn Đình Phúc chưa nhận giải thưởng lớn nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cung thanh là tiếng Mẹ…

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO