Cuộc chiến chống Covid-19: Gấp rút tiêm chủng

Thế Tuấn (tổng hợp) 11/12/2020 07:30

Thông tin 4 tình nguyện viên Mỹ liệt một bên mặt sau khi tiêm vaccine Covid-19 Pfizer/BioNTech, đã nhận được nhiều quan tâm khi mà một số quốc gia bắt đầu tiêm loại vaccine này. Mặc dù tờ Daily Mail (Anh) dẫn lời các quan chức Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho rằng chưa có dấu hiệu cho thấy vaccine phòng Covid-19 của Pfizer/BioNTech gây ra tình trạng trên. Tuy nhiên, FDA vẫn cảnh báo các bác sĩ cần theo dõi các tác dụng phụ sau khi tiêm.

Tình nguyện viên tiêm vaccine Covid-19 tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ. Ảnh: AFP.

Theo tờ Daily Mail, trong 4 tình nguyện viên sau khi tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech thì 1 người có triệu chứng liệt cơ một bên mặt chỉ 3 ngày sau khi tiêm. Những người còn lại xuất hiện triệu chứng lần lượt là 9 ngày, 37 ngày và 48 ngày sau khi tiêm. Tuy nhiên, 4 tình nguyện viên kể trên đã trở lại trạng thái bình thường sau vài ngày.

1. Đến nay các bác sĩ chưa tìm được nguyên nhân dẫn đến liệt cơ một bên mặt và tình trạng này cũng như sự tự biến mất sau một thời gian. Còn 4 tình nguyện viên đó cho biết “có cảm giác như liệt cơ một bên mặt”, và bỗng dưng nhạy cảm hơn với âm thanh, mất vị giác, đau đầu và đau hàm.

Tuy nhiên, liệt cơ mặt một bên có nhiều nguyên nhân. Mỗi năm nước Mỹ có khoảng 40.000 người mắc chứng này. Điều đặc biệt là chứng liệt cơ một bên mặt thường xuất hiện ở thai phụ, đặc biệt trong tuần thứ 28 hoặc không lâu sau khi sinh con. Bệnh nhân tiểu đường cũng dễ mắc chứng liệt cơ một bên mặt. Mà cũng không chỉ ở Mỹ, tại Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ… người ta cũng phát hiện bệnh nhân bị liệt cơ mặt một bên.

Nhưng cũng cần nhắc lại, khoảng năm 2003, giới khoa học từng ghi nhận 1 trường hợp liệt cơ một bên mặt liên quan đến vaccine phòng cúm được bán trong giai đoạn 2001-2002 tại Thụy Sĩ. Loại vaccine này đã bị rút khỏi thị trường.

Dù rằng giống như một dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, nhưng Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác vẫn tiếp tục đẩy nhanh việc tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ngày 10/12, Giám đốc điều hành Dự án Chiến dịch thần tốc, ông Gustave Perna, cho biết Chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu phân phối 2,9 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 nếu được cấp phép sử dụng khẩn cấp. Theo đó, sớm nhất là cuối tuần này, Chính phủ liên bang sẽ có kế hoạch bắt đầu phân phối vaccine ngừa Covid-19 của Tập đoàn dược phẩm Pfizer (Mỹ) và Công ty BioNTech (Đức) phối hợp sản xuất.

Ông Perna cho biết thêm, các quan chức liên bang cũng đang xây dựng một kho dự trữ 500.000 liều vaccine để đảm bảo có thể phản ứng kịp thời trong các trường hợp khẩn cấp.

Còn Bộ Quốc phòng Mỹ, ngày 9/12, đã công bố kế hoạch phân phối vaccine cho các thành viên cao cấp trong quân đội, và rằng đợt tiêm chủng ban đầu cho nhân viên trong các lực lượng vũ trang sẽ diễn ra tại một số căn cứ quân sự trên khắp đất nước.

Trong khi đó, tiến sỹ Moncef Slaoui cho biết người dân Mỹ có thể tiếp cận với vaccine vào giữa tháng 1 hoặc đầu tháng 2/2021 và “mọi thứ đang diễn ra thuận lợi”.

2. Với nước Anh, việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đã chính thức bắt đầu từ ngày 8/12 (vaccine của Pfizer/BioNTech). Theo Bộ trưởng Bộ Y tế nước Anh, ông Matt Hancock, thì đây là một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19 của Anh nói riêng và toàn cầu nói chung. Ông Hancock đã gọi ngày 8/12/2020 là “V-Day” (dựa theo tên gọi Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai).

Mấy ngày qua, các liều vaccine Covid-19 cũng đã đến với người dân tại 50 bệnh viện trên khắp đất nước. Người già trên 80 tuổi là đối tượng được ưu tiên sử dụng. Mỗi người được tiêm 2 liều, mỗi liều cách nhàu 14 ngày. Tuy chiến dịch tiêm chủng diễn ra rộng khắp nhưng giới chức y tế Anh vẫn đưa ra khuyến cáo rằng việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine không có nghĩa là nước này đã đánh bại được Covid-19, mà cuộc chiến vẫn sẽ còn rất dài.

Theo truyền thông Anh, công tác hậu cần của chiến dịch tiêm chủng lần này giống như một “cơn ác mộng”. Những lô vaccine đầu tiên rời nhà máy của Pfizer tại Bỉ từ hôm 6/12 và được vận chuyển bằng container đông lạnh đến Anh. Giới chức Anh đã chuẩn bị sẵn các máy bay quân sự để vận chuyển vaccine, trong trường hợp có ách tắc nào đó.

Số vaccine này sau đó được cất giữ tại nhiều địa điểm an toàn tại nhiều nơi cách xa nhau. Các hộp vaccine được mở và kiểm tra kỹ lưỡng tại những địa điểm đặc biệt được chỉ định trước. Mỗi hộp vaccine chứa 975 liều, được lưu trữ trong điều kiện nhiệt độ cực thấp (khoảng âm 70 độ C) và chỉ có thể giữ được trong 5 ngày đối với tủ lạnh chứa vaccine thông thường (khoảng 2đến 8 độ C). Sau khi lấy ra khỏi tủ đông, vaccine sẽ phải trải qua quá trình rã đông trong vài giờ đồng hồ mới có thể sử dụng.

Truyền thông Anh đưa tin, Nữ hoàng Anh Elizabeth II (94 tuổi) và Hoàng thân Philip (99 tuổi) cũng đang chuẩn bị để tiêm vaccinei. Nữ hoàng và Hoàng thân được tiêm chủng sớm do thuộc nhóm ưu tiên vì tuổi cao.

3. Tuy Canada không quá “nóng” vì Covid-19 nhưng Chính phủ nước này vẫn đặt quyết tâm rất cao trong việc sớm tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân.

Ngày 10/12, Bộ Y tế nước này đã phê duyệt vaccine ngừa Covid-19 Pfizer/BioNTech. Đây là loại vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên được cấp phép lưu hành tại Canada và hiện nước này đang triển khai một cơ chế mới tạm thời, cho phép đẩy nhanh tiến trình phê duyệt.

Quyết định trên của Bộ Y tế Canada đã “khởi động” cho một chiến dịch tiêm chủng phức tạp và tham vọng nhất trong lịch sử đất nước này. Những liều vaccine đầu tiên của Pfizer/BioNTech sẽ được tiêm cho người dân Canada vào tuần tới, dự kiến dành cho những người ở tuyến đầu trong cuộc chiến với Covid-19 là nhân viên y tế ở các cơ sở chăm sóc người cao tuổi và các bệnh viện. “Cư dân” ở các nhà dưỡng lão và những người trên 80 tuổi là đối tượng tiếp theo được tiêm chủng.

Thủ tướng Justin Trudeau từng cho biết mục tiêu của ông là đến tháng 9/2021, hầu hết người Canada được tiêm vaccine phòng Covid-19. Nhưng đạt được mục tiêu này là điều không dễ dàng do có vô số chướng ngại vật, như việc phân phối vaccine tới các vùng sâu, vùng xa; phải đảm bảo để người dân tiêm đủ hai liều và xóa bỏ tâm lý lo ngại của một số người về việc sử dụng vaccine được sản xuất bằng công nghệ mới.

Trong tháng 12 này, 249.000 liều vaccine phòng Covid-19 của Pfizer/BioNTech sẽ được chuyển tới Canada và hàng triệu liều vaccine sẽ tiếp tục được chuyển tới vào năm sau. Pfizer/BioNTech và Moderna cam kết sẽ chuyển tới Canada đủ vaccine để tiêm cho 3 triệu người vào cuối tháng 3/2021.

Theo đại diện của Pfizer/BioNTech, vaccine của họ sản xuất bảo đảm độ an toàn và hiệu quả hơn 95%. Nó được bảo quản trong điều kiện tối ưu của phòng thí nghiệm (âm 70 độ C). Tuy nhiên, mức độ sản xuất là có giới hạn và nhất là việc vận chuyển, bảo quản vaccine sau khi xuất xưởng là vấn đề khó khăn cho bất cứ quốc gia nào được hãng cung cấp. “Nhưng dẫu thế thì nhân loại vẫn phải tiến về phía trước và chúng tôi tự hào mình là người tiên phong”- đại diện Tập đoàn dược phẩm Pfizer/BioNTech nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc chiến chống Covid-19: Gấp rút tiêm chủng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO