Cuộc đua đề xuất sân bay: Lỗ nặng vẫn lao vào là sao?

PV 26/02/2021 16:06

Hàng loạt các tỉnh đều đề xuất địa phương mình có sân bay với nhiều lý do khác nhau, thậm chí có những tỉnh chỉ cách sân bay hiện có chỉ dưới 100 km cũng đề xuất có sân bay. Tuy nhiên có thông tin mà các tỉnh không đưa ra khi xin quy hoạch sân bay là, hầu hết các sân bay đang lỗ trừ một số sân bay lớn.

"Đồng thanh" đề xuất bổ sung sân bay

Trong văn bản góp ý về dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Sở GTVT Bắc Giang đề nghị Bộ GTVT, đơn vị tư vấn lập quy hoạch nghiên cứu bổ sung và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển sân bay kép là sân bay quân sự trở thành sân bay lưỡng dụng, sử dụng cho cả mục đích dân sự vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Lý do chuyển đổi sân bay quân sự phục vụ cả dân sự được Sở GTVT Bắc Giang đưa ra là mật độ sân bay tại khu vực này còn khá thưa (phía Bắc hiện mới chỉ có một số sân bay dân sự Nội Bài, Hải Phòng, Vân Đồn), đặc biệt là các tỉnh miền núi.

Cùng tham gia ý kiến về dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, tỉnh Hà Giang cũng đề nghị Bộ GTVT quy hoạch cảng hàng không Hà Giang vào hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021 -2030, định hướng đến năm 2050.

Vị trí mà UBND tỉnh Hà Giang muốn quy hoạch sân bay tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang theo tiêu chuẩn cảng hàng không quân sự cấp II và cấp 4C theo tiêu chuẩn hàng không dân dụng. Sân bay có diện tích khoảng 388 ha, trong đó phần dùng cho mục đích quân sự là 70 ha.

Ngoài các tỉnh trên thì Ninh Bình cũng đề xuất bổ sung một vị trí cảng hàng không vào Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.

Nhiều tỉnh đồng thanh đề xuất có cảng hàng không.

Nhiều cảng hàng không lỗ nặng

Theo tính toán của PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TP HCM, năm 2019 dân số cả nước là 96 triệu dân, thống kê lượng hành khách quốc nội là 70 triệu khách, bình quân 1 triệu dân có khoảng 730.000 khách quốc nội di chuyển bằng đường hàng không. Những vùng và tỉnh có mức thu nhập thấp thì có thể khoảng 500 ngàn lượt khách quốc nội ứng với 1 triệu dân.

Có một thông tin mà trong các kiến nghị đề xuất sân bay các địa phương không đưa vào. Đó là, trong tổng số 22 cảng hàng không mà Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang quản lý, khai thác thì ngoài một số ít cảng có lãi lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng… còn phần lớn đang lỗ.

Lãnh đạo ACV từng tiết lộ rằng, trước đây trong toàn hệ thống cảng hàng không, chỉ có Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng có lãi; gần đây có thêm 3 cảng: Cam Ranh, Liên Khương, Phú Bài có lãi, trong đó, Liên Khương và Phú Bài mới chỉ bắt đầu vượt qua mức cân đối thu chi và có lãi. 15 cảng hàng không còn lại của ACV đều đang đối mặt với tình trạng thua lỗ.

Trong đó, có những sân bay mỗi năm lỗ 80 - 90 tỷ đồng (Vinh, Tuy Hòa, Cần Thơ). Một số cảng khác lỗ ít hơn, dao động trong khoảng 40 - 60 tỷ đồng, như Đồng Hới, Phú Quốc, Phù Cát... Những cảng tưởng chừng như có lãi (Côn Đảo, Cát Bi), thực tế mỗi năm cũng lỗ gần 10 tỷ đồng. Ngay như sân bay Thọ Xuân mới đầu tư và lượng khách đã vượt công suất thiết kế song vẫn đang lỗ tới hơn 60 tỷ đồng/ năm.

Cảnh báo "sốt đất ảo" theo quy hoạch sân bay

Liên quan đến nguy cơ sốt đất ảo ăn theo quy hoạch sân bay lưỡng dụng (vừa phát triển kinh tế vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng) tại Bình Phước, lãnh đạo huyện Hớn Quản đã phải có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn và khuyến cáo người dân cảnh giác, cân nhắc kỹ trước khi giao dịch mua bán đất động sản.

Văn bản của UBND huyện Hớn Quản cho biết, hiện nay đang có nhiều đối tượng đầu cơ, môi giới đất đai trong và ngoài tỉnh Bình Phước tụ tập đông người, đẩy giá đất lên cao gấp nhiều lần so với giá thực tế dẫn đến nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Mặt khác, một số đối tượng lôi kéo, xúi giục người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số bán đất, dẫn đến nguy cơ không còn đất sản xuất nông nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ đói, nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc đua đề xuất sân bay: Lỗ nặng vẫn lao vào là sao?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO