Cuộc sống có tổ chức

Trần Hữu Thăng 22/10/2020 14:00

“Sống tức là phải hành động, hành động tức là phải có sản phẩm, sản phẩm tức là cái cống hiến dựa vào chính mình và ngang với tài sức của mình”

Thế nào là “Cuộc sống có tổ chức”?

Theo cuốn “Từ điển tiếng Việt”: “Cuộc đời là: 1/ Qúa trình sống của một người, một cá thể sinh vật, nhìn một cách toàn bộ từ lúc sinh ra cho đến lúc chết. Thí dụ: Suốt cả cuộc đời. Cuộc đời ngắn ngủi của con tằm. 2/ Toàn bộ đời sống xã hội với những hoạt động, những sự kiện xẩy ra trong đó. Thí dụ: Sống giữa cuộc đời. Tìm cách xa lánh cuộc đời”. “Cuộc sống là: Tổng thể nói chung những hoạt động trong đời sống của một con người hay một xã hội, hiện thực đời sống. Thí dụ: Trở về với cuộc sống đời thường. Bảo vệ cuộc sống hòa bình trên trái đất”.

Với những gợi ý trên của Từ điển, ta tạm chia những người ta đã gặp, những người ta đã quen làm hai nhóm: 1/ Những người biết tổ chức tốt cuộc sống. 2/ Những người chưa biết tổ chức tốt cuộc sống.

Theo lời dạy rất bình dân của các cụ ta để lại thì: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Câu ca dao này tưởng là dễ hiểu, dễ biết, nhưng thực ra rất không đơn giản. Thế nào là “khéo ăn”, thế nào là “khéo co” cũng đã tốn nhiều giấy, nhiều mực lắm rồi đấy.

Ai đã từng học qua Triết học hiện sinh thì hẳn không bao giờ quên cái định nghĩa thiên tài của nhà triết học vĩ đại người Đức, ông Immanuel Kant (Sinh: 22/4/1724, mất: 12/2/1804). Kant đã viết: “Khoa học là kiến thức được sắp xếp. Trí tuệ là cuộc sống có tổ chức”. Nên chú ý rằng: organized khi thì được dịch là “sắp xếp”, khi thì được dịch là “tổ chức” là rất tài tình, rất sáng tạo, rất đúng với văn cảnh.

Để giải thích cho sâu hơn, cho kỹ hơn cái ý “kiến thức được sắp xếp, cuộc sống có tổ chức” thì còn mất nhiều công sức, nhiều ý kiến tranh luận, nhưng nếu biết dựa vào những ca dao tục ngữ Việt Nam sau đây thì cũng vỡ vạc dần dần. Đó là “Liệu cơm gắp mắm”. Đó là “Mèo nhỏ bắt chuột con”. Đó là “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Đó là “Đói lòng ăn trái cây sung/ Chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng”.

Tạm cắt nghĩa như sau:

- Bát cơm sắp hết, gắp miếng thịt to và mặn hoặc chấm đẫm nước mắm quá thì nuốt làm sao được, mặn quá! Vậy phải liệu sức, liệu khả năng mình có, gia đình mình có mà đảm nhận công việc gì, việc làm ăn gì dù “mèo nhỏ bắt chuột con” cũng được, nếu không thì mất tất cả, xôi cũng hỏng mà bỏng cũng không, tay trắng lại hoàn trắng tay, lại trở về số không tròn trĩnh và khủng khiếp.

- Đã ở đâu thì bắt buộc phải quen đấy, bắt buộc phải thích nghi ở đấy, nhập gia phải tùy tục, ở bầu thì phải tròn, ở ống thì phải dài, chớ có làm sai, chớ có làm trái mà sẽ bị loại bỏ, bị đẩy ra ngoài cuộc chơi. Chớ vì một chút tự ái, một chút sĩ diện mà hỏng việc. Phải biết lấy chữ “nhẫn”, chữ “nhịn” làm “slogan” (khẩu hiệu) trong mọi suy nghĩ, mọi hành động của người biết tiến, biết lùi.

- Các cô con gái mới lớn, có tí nhan sắc, không chịu khổ công học hành, quyết tâm tranh vợ cướp chồng với các đại gia giầu có đã có con, có cháu, tình nguyện làm “người thứ ba”, dân xã hội gọi là “tiểu tam” thì hậu quả trước sau của cảnh “chồng chung” sẽ là bi kịch, thảm kịch, tan nát, có khi phải đánh đổi cả tính mạng.

Chỉ mới kể sơ sơ mấy thí dụ về cuộc sống không được tổ chức tốt đã thấy rùng mình, sởn da gà rồi còn gì nữa. Một cầu thủ bóng đá rất giỏi, vào vị trí nào trên sân cỏ cũng tốt, có rất nhiều người hâm mộ, nhưng chớ quên rằng cầu thủ tài nghệ đó phải được cấu tạo vào một đội bóng nào đó, dù hạng gì cũng được, phải là một thành viên được tổ chức bóng đá chấp nhận. Nói cách khác, từng cầu thủ phải được thu nhận, phải được sắp xếp vào một tổ chức nào đó mới có giá trị. Còn nếu cầu thủ giỏi đó không được tổ chức nào thu nhận thì quả thực uổng phí cho mọi phía.

Ngạn ngữ Pháp có một câu dễ hiểu mà ai cũng phải khen đúng, đó là: “Một con chim én không bao giờ làm nổi được cả mùa xuân”. Câu này nhắn nhủ chúng ta bao giờ cũng phải dựa vào anh em, bè bạn, cộng đồng thì mới mong có tương lai, sự nghiệp. Việt Nam ta cũng có câu ca dao để nhắc nhở, tương tự cái ý đoàn kết, hợp tác, chung tay mới tạo ra sức mạnh, đó là: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Nhìn theo một góc độ khác, sự đoàn kết, sự hợp tác chính là một cuộc sống có tổ chức, một cuộc sống được sắp xếp chứ không phải điều gì mới lạ cả, Cũng với cái mạch suy tư này ta mới thấy tâm phục khẩu phục triết gia Martin Fischer khi ông tìm ra mối quan hệ giữa kiến thức và sự thông thái. Martin Fischer đã viết: “Kiến thức là quá trình chồng chất những dữ liệu. Đơn giản hóa được nhũng dữ liệu ấy mới gọi là sự thông thái”. Chao ôi chí lý quá, thực tế quá !

Nhiều người học ít mà thực hành nhiều nên thành chuyên gia giỏi, giúp ích được cho đời. Trái lại, có người học nhiều quá, học xong Đại học không kiếm được việc làm lại học tiếp Thạc sỹ. Học Thạc sỹ xong không có việc làm lại học tiếp Tiến sỹ. Rút cuộc, ông Tiến sỹ ôm một mớ lý thuyết hỗn độn phải đi làm công, làm thuê cho ông bạn quê chỉ tốt nghiệp phổ thông, bám trụ quê hương, nay đã là giám đốc một trang trại tư nhân chuyên xuất khẩu các loại hoa quả hữu cơ cao cấp. Rút cuộc, vẫn cần rút ra kết luận: Cuộc sống phải có tổ chức, cuộc sống phải có sắp xếp mới hy vọng có ngày mai tươi sáng được.

Đến đây cần mở rộng khái niệm an toàn trong đời sống hàng ngày.

Một nước nông nghiệp phải có an toàn lương thực trong nước đã rồi mới dám mơ đến xuất khẩu lúa gạo.

Một con người phải có an toàn về cơm áo gạo tiền rồi hãy mơ ước đến học cao, học xa.

Chỉ khi nào có công ăn việc làm ổn định, no dủ, con người mới có được tâm bình an (Inner peace – theo cách gọi của ngài Đạt Lai Lạt Ma).

Chả thế mà, ở thế kỷ trước, triết gia danh tiếng Helen Keller (1880 – 1968) đã từng có tổng kết tuyệt vời: “Tôi không muốn sự bình an vượt quá sự hiểu biết của bản thân. Tôi muốn sự hiểu biết đem lại sự bình an cho mình”.

Có thể lấy một thí dụ sống động về sự an toàn trong đời sống để có được tâm bình an. Đó là vấn đề “Dân số và kế hoạch hóa gia đình”. Bao giờ cũng phải đặt lên trên, lên hàng đầu là “Dân số” đã. Trong một nước, nếu dân số ít quá, không ai chịu đẻ vì sợ khổ thì phải có kế hoạch khuyến khích sinh đẻ, khuyến khích có con trước 30 tuổi để cân bằng dân số. Lại có nước dân số già quá do tuổi thọ ngày càng cao thì chính sách dân số và phúc lợi xã hội trở nên vô cùng quan trọng, phức tạp, phải thuê lao động nhập cư từ nước ngoài vào kèm theo bao hệ lụy không lường trước được. Trong một gia đình trẻ hiện đại, chỉ mong đẻ 1 đến 2 con, thì muốn cho an toàn phải có con trước đã rồi mới tính đến việc kế hoạch hóa gia đình, như vậy sẽ an toàn và tâm mới được bình an. Nếu làm ngược lại, cứ sử dụng mãi thuốc tránh thai đến khi muốn có con thì lại là lúc người vợ vô sinh thứ phát, thật quá mạo hiểm, quá đau xót!

Khép lại bài viết về “Cuộc sống có tổ chức” cần nhớ lời dặn quá đỗi thiết thực của triết gia La Cordaire (1802 – 1861): “Sống tức là phải hành động, hành động tức là phải có sản phẩm, sản phẩm tức là cái cống hiến dựa vào chính mình và ngang với tài sức của mình”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc sống có tổ chức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO