Cuộc sống và bổn phận

TRẦN HỮU THĂNG 07/12/2021 07:00

George Noel Byron (1788 - 1824) là triết gia người Anh, ông rất nổi tiếng vì những tổng kết, những định nghĩa, những nhận xét dưới góc nhìn triết học về việc ở đời.

Ảnh: St.

Có lần các nhà báo Mỹ hỏi ông về cuộc sống với nội dung là: “Từ trước đến nay, có nhiều người ca ngợi cuộc sống tươi đẹp, có người lại than thở là cuộc sống vất vả, cực khổ mới kiếm được miếng ăn, vậy theo ngài hiểu thế nào là đúng nhất về cuộc sống mà chúng ta, ngài và chúng tôi đang tồn tại?”. Chẳng cần suy nghĩ gì lâu, George Noel Byron thủng thẳng trả lời: “Tôi ngủ và mơ thấy cuộc sống rất đẹp, nhưng khi tỉnh dậy tôi lại thấy cuộc sống là một bổn phận”. Câu trả lời này của George Noel Byron đã được đưa vào Từ điển Danh ngôn thế giới.

Trong nhiều lớp dạy về văn chương, về triết học, người ta phân tích câu danh ngôn này như sau: Con người sống trong một xã hội ổn định được hưởng rất nhiều lợi ích: Được cung cấp thức ăn, cung cấp nhà ở, được học hành, được làm việc để mưu cầu hạnh phúc. Vậy muốn được hưởng thụ những phúc lợi xã hội ấy lâu dài phải có sự đóng góp của nhiều người, mà ta gọi là bổn phận. Bổn phận ấy sinh ra của cải vật chất, sinh ra trí tuệ, sinh ra kỹ năng sống ngày càng cao hơn, xa hơn. Nghĩa là mỗi một công dân phải có một giá trị để đóng góp cho cộng đồng.

Triết gia người Anh là William Penn (1644 - 1715) đã có một ví dụ rất cụ thể: “Con người cũng giống như chiếc đồng hồ ở chỗ được đánh giá có chạy đúng giờ hay không”. Con người hoàn thành tốt công việc của mình, như chiếc đồng hồ chạy đều đặn, đúng giờ là được. Người nấu ăn đảm bảo cơm dẻo canh ngọt cho hàng trăm công nhân ngon miệng, để họ tiếp tục sản xuất tốt là hoàn thành bổn phận. Ông tiến sĩ có nhiều cải tiến trong công tác giảng dạy cốt sao sinh viên hiểu được bài, làm theo được, ứng dụng tốt trong công việc hàng ngày là hoàn thành bổn phận. Em học sinh lớp 12 thi đỗ trung học loại giỏi, thi đỗ vào một trường đại học mà em yêu thích là hoàn thành bổn phận. Ba thí dụ vừa nêu đã chứng tỏ việc hoàn thành bổn phận không phân biệt nghề nghiệp cao thấp, sang hèn, tuổi ít hay nhiều, cốt yếu là làm tốt cái công việc mà xã hội, mà cộng đồng đã phân công cho mình.

Văn hóa phương Tây Cổ đại đã từng dạy: “Không có nghề nghiệp xấu mà chỉ có con người xấu làm nghề nào đó”. Câu này rất chính xác vì khi nhu cầu xã hội đã sinh ra các nghề nghiệp như: luật sư, kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, nông dân, công nhân... thì đều là những nghề nghiệp cao quý thúc đẩy xã hội tiến đến ấm no hạnh phúc. Chỉ có cá nhân những con người cụ thể làm trong nghề đó bị thoái hóa biến chất, trở nên xấu xa, có khi phạm tội dân sự, tội hình sự mới đáng lên án, đáng phê phán. Thí dụ: Ông bộ trưởng tham nhũng làm thất thoát tiền của người dân, người kỹ sư vô trách nhiệm làm gẫy cầu, người bác sĩ tắc trách làm bệnh nhân tử vong... chính là họ đã không hoàn thành bổn phận đối với đất nước, đối với nhân dân, họ không xứng đáng được coi là những con người bình thường, lương thiện.

Văn hóa phương Đông cổ đại đã dạy: “Việc to lớn ngoài xã hội chính là công việc mà mình đang làm, việc mà mình đang làm chính là việc to lớn ngoài xã hội”. Câu này rất đúng, rất chính xác, vì như ông bà ta đã dạy: “Góp gió thành bão”, hay “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, hoặc “Đoàn kết là sống”... Trong cuộc chiến chống Covid-19 ta càng thấy rõ: Nếu ai ai cũng hoàn thành bổn phận dù nhỏ, dù to mà mình được giao thì cuộc chiến sẽ giành thắng lợi. Cả nước ta đã bước vào giai đoạn mới, chung sống an toàn chống dịch và phục hồi kinh doanh, sản xuất. Như thế chả đã quá rõ cái khẩu hiệu: “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” đã được đẩy lên cao thành cao trào, thành chiến dịch, thành những suy nghĩ mới về cuộc sống và về con người mới sao!

Cũng trong một thời gian không dài lắm, từ cuối năm 2019 đến gần hết năm 2021, nhân loại trải qua đại dịch Covid-19 kinh hoàng. Trí tuệ con người lập tức được huy động. Bổn phận con người lập tức được huy động. Từ sự hoảng sợ, hoang mang, thất vọng lúc đầu, các nhà khoa học và chính phủ tất cả các nước đã biết đoàn kết cùng nhau trao đổi, chia sẻ, bàn bạc. Và con người, với bổn phận vĩ đại đã chiến thắng. Nhiều phương án đối phó đại dịch đã hình thành như cách ly, như giãn cách xã hội. Nhiều quy định mới được ban hành như: Bắt buộc đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi, kể cả trong Hội nghị, nơi công sở, trong nhà máy sản xuất, trong các lớp học. Rồi quy định về khoảng cách tiếp xúc cần thiết, xuất hiện các sáng kiến quan trọng như: Hội nghị trực tuyến, lớp học trực tuyến, buôn bán trực tuyến... đã giúp xã hội dần dần có những thói quen mới trong sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất. Tất cả được gọi là “bình thường mới”.

“Bình thường mới” càng được bảo đảm, càng được an tâm khi các loại vaccine chống Covid-19 ngày càng phong phú về chủng loại, hiệu lực mạnh, phòng bệnh tốt. Các nước giúp nhau vaccine để đạt được 1 mũi, 2 mũi tiêm cho người dân, tỷ lệ bao phủ số người dân được tiêm càng cao càng tốt. Các loại thuốc điều trị Covid-19 cũng được phát minh và ngày càng chứng tỏ hiệu lực điều trị cao giúp làm giảm số người mắc và giảm tỷ lệ tử vong. Điều này đã giúp con người vững tâm bước vào năm mới 2022 trong tình hình mới. Tất cả những điều tóm tắt về phòng và chống Covid-19 vừa nêu đã cho thấy trong 2 năm vừa qua nhân loại đã có bước tiến dài trong các phát minh khoa học để phòng, chống dịch bệnh. Quy luật này chứng tỏ một sức sống mới của bổn phận con người mà triết gia danh tiếng người Pháp, ông Michel de Montaigne (1833 - 1892) đã tổng kết rất đáng nể: “Giá trị của cuộc sống con người không nằm ở chiều dài của thời gian mà ở cách ta sử dụng chúng”.

Chính bổn phận của con người đã thúc đẩy những công trình khoa học đáng lẽ phải mất hàng chục năm, nay đã nhanh chóng thành công trong 1 - 2 năm. Đó là nhờ ánh sáng đoàn kết và quan tâm lẫn nhau giữa các quốc gia trong thế kỷ XXI và trong thời đại khoa học 4.0. Nếu không biết nâng cao sức mạnh của các cộng đồng toàn cầu trong cộng đồng thế giới phẳng thì không ai được an toàn khi còn có nước nghèo, còn có người nghèo không được tiêm vaccine, không được sử dụng các thuốc đặc hiệu chống Covid-19.

Nói về cuộc sống của con người và bổn phận của con người đối với cuộc sống ấy cần nhớ tham khảo những danh ngôn mãi mãi đúng đắn sau đây: Nhà văn người Nga, ông Ivan Tourguenev (1818 - 1883) đã khẳng định: “Chúng ta luôn có một cái neo rất bền vững để bám vào, không ai có thể bẻ gãy được, đó là bổn phận của chúng ta đối với xã hội”. Đây là ánh sáng, là kim chỉ nam cho mọi cuộc đời, muốn ấm no, muốn hạnh phúc, muốn bền vững thì phải xác định rõ bổn phận của mình đối với xã hội, đối với cộng đồng. Dựa vào cái neo bền vững của bổn phận ấy, con người dễ dàng xác định được: Phải bắt đầu từ những việc nhỏ, việc dễ, xem có làm được tốt hay không rồi hãy giao phó, rồi hãy xin đảm nhận những việc khó hơn, phức tạp hơn. Đúng như triết gia Charles Kinsley (1815 – 1875) đã hướng dẫn rất chi tiết: “Chỉ những ai làm đầy đủ các bổn phận trong các việc nhỏ hàng ngày mới có thể làm tốt được những trách vụ lớn lao hơn”.

Triết gia cổ đại Seneca (Thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên) đã xác định rất rõ cái “phải làm” và cái “có thể làm” trong “bổn phận làm người”. Seneca viết: “Người đáng được ca ngợi là người làm cái gì mà bổn phận bắt họ phải làm chứ không phải làm cái gì mà họ có thể làm”. Cái “phải làm” cao hơn, gian khổ hơn, phức tạp hơn, nặng nề hơn cái “có thể làm”. Cái “có thể làm” thấp hơn, ít gian khổ hơn, ít phức tạp hơn, ít nặng nề hơn. Trong cuộc sống hàng ngày có biết bao thí dụ và tấm gương “người tốt, việc tốt”, đó là những người quyết tâm giành cái khó, cái khổ về mình, họ sẵn sàng nhận công tác ở vùng sâu, vùng xa để giúp những hoàn cảnh vất vả, neo đơn, kinh tế khó khăn. Đó là những thầy cô giáo đi gieo con chữ cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Đó là các thầy thuốc từ miền xuôi lên cắm bản, “ba cùng” với đồng bào dân tộc thiểu số miền ngược đang rất thiếu thốn về chăm sóc y tế và những nếp sống khoa học, văn minh.

Trong thời gian chống đại dịch Covid-19 đã có rất nhiều tấm gương sáng của các y bác sĩ, các cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an đã hết lòng vì sức khỏe của người dân mà sẵn sàng làm những công việc có nguy cơ cao là điều trị và chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19, là canh gác, tuần tra nơi biên giới, hải đảo, là canh gác, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân, thậm chí đã có nhiều người vì nhiệm vụ mà hy sinh cả tính mạng. Các thầy cô giáo, thầy thuốc, các cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an ấy đã tự nguyện nhận việc khó và họ phải vượt qua, phải hoàn thành bằng được các công việc đó. Họ thật xứng đáng được ca ngợi, được làm gương cho toàn xã hội học tập.

Khi đã xác định rõ được bổn phận mà ta buộc phải làm, phải thực hiện, thì hãy đón nhận một cách vui vẻ, bình tĩnh, chịu khó, chịu khổ mà thực hiện bằng được. Triết gia cổ đại Ovid (thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên) đã thiết tha căn dặn: “Cái gánh nặng bổn phận được mang trên vai một cách vui vẻ sẽ trở nên nhẹ nhàng”.

Xin chúc mọi bổn phận được thực hiện một cách vui vẻ, nhẹ nhàng!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc sống và bổn phận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO