Cưỡng chế xử phạt: Không thể tùy tiện như các tổ chức đòi nợ thuê!

Tú Anh 12/06/2020 09:20

Trong một Nhà nước pháp quyền, mọi vấn đề phát sinh đều phải xử lý theo pháp luật và mọi động thái của cơ quan công quyền phải tuân theo trình tự thủ tục do luật định. Không thể ép một doanh nghiệp ngưng thực hiện hợp đồng dân sự đối với một chủ thể chỉ vì chủ thể này không chịu thi hành quyết định xử phạt nào đó.

Quốc hội vừa thảo luận về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Một trong những nội dung của Dự án Luật là đề xuất ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…

Theo tờ trình của Chính phủ, cơ quan soạn thảo, việc cắt điện, nước là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Việc bổ sung biện pháp này sẽ góp phần tăng thêm công cụ mang tính mệnh lệnh, phục tùng thể hiện quyền lực nhà nước, áp dụng trực tiếp với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt.

Biện pháp này cũng được cho là giúp ngăn chặn tối đa việc tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm, thiết lập lại trật tự quản lý nhà nước đã bị xâm hại, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan và bảo đảm trật tự, kỷ cương quản lý hành chính nhà nước.

Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình với quy định cắt điện nước để cưỡng chế vi phạm hành chính. Lý do là việc cung cấp điện, nước được thực hiện bởi hợp đồng dân sự giữa nhà cung cấp và người sử dụng. Cơ quan hành chính không thể can thiệp vào giao dịch dân sự thông thường giữa 2 chủ thể. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc bổ sung quy định cắt điện, nước “là giải pháp không cần thiết”.

Theo Bộ trưởng Thể, ngừng cung cấp điện nước thì hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng. “Một xí nghiệp có hàng nghìn công nhân mà dừng cung cấp nước sẽ ảnh hưởng đến cả nghìn người này, tác động ghê gớm” - người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải phân tích.

Ngoài ra, bên cạnh một số ý kiến đồng tình với tờ trình thì cũng có đại biểu nêu ý kiến trung dung: Đối với nhà trên núi thì có thể cắt được, đối với các khu dân cư, hộ sản xuất bánh mỳ, nước đá... thì cân nhắc.

Những tranh luận của các đại biểu Quốc hội thể hiện sự dân chủ trong hoạt động nghị trường nhưng cũng thể hiện sự hạn chế trong việc tìm ra biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt là trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Người dân đóng thuế để xây dựng hệ thống cơ quan công quyền với các công chức, các biện pháp, công cụ hỗ trợ thực thi công vụ. Không thể vì việc một chủ thể không chịu thi hành quyết định xử phạt mà xử lý những nhu cầu thiết yếu khác của họ. Nhà nước quản lý nhiều hoạt động, lĩnh vực nhưng không phải là tất cả.

Trong một Nhà nước pháp quyền, mọi vấn đề phát sinh đều phải xử lý theo pháp luật và mọi động thái của cơ quan công quyền phải tuân theo trình tự thủ tục do luật định. Không thể ép một doanh nghiệp ngưng thực hiện hợp đồng dân sự đối với một chủ thể chỉ vì chủ thể này không chịu thi hành quyết định xử phạt nào đó.

Yêu cầu các chủ thể chịu trách nhiệm thực thi quyết định xử phạt là nghĩa vụ của chính quyền. Có nhiều biện pháp cưỡng chế thực hiện nhưng phải theo luật và không thể tùy tiện như các tổ chức đòi nợ thuê!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cưỡng chế xử phạt: Không thể tùy tiện như các tổ chức đòi nợ thuê!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO