Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phủ nhận trách nhiệm quản lý Sabeco

Hoàng Sa 23/04/2021 05:41

Sau 2 lần tạm hoãn, sáng ngày 22/4, TAND TP Hà Nội mở lại phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng (68 tuổi) và các đồng phạm trong vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Bộ Công thương và TP Hồ Chí Minh.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng (ngồi) trong phiên xét xử ngày 22/4.

Theo đó, bị cáo Vũ Huy Hoàng và bị cáo Phan Chí Dũng (64 tuổi, cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương) bị truy tố về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại Điều 219 BLHS năm 2015.

Các bị cáo Nguyễn Hữu Tín (64 tuổi, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh), Lâm Nguyên Khôi (66 tuổi, cựu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh), Đào Anh Kiệt (64 tuổi, cựu Giám đốc Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh), Lê Văn Thanh (59 tuổi, cựu Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh), Lê Quang Minh (64 tuổi, cựu Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Thanh Chương (47 tuổi, cựu Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh), Trương Văn Út (51 tuổi, cựu Phó Trưởng phòng Quản lý đất, Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Lan Châu (46 tuổi, cựu chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh) bị truy tố về tội “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” theo quy định tại Điều 229 BLHS năm 2015.

Bị cáo Nguyễn Hữu Tín (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh) tiếp tục xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe yếu, không thể di chuyển xa, có xác nhận của cơ quan y tế. Bị cáo Tín hiện đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam Thủ Đức (Bộ Công an) theo quyết định tại Bản án hình sự sơ thẩm số 522/2019/HSST ngày 31/12/2019 của TAND TP Hồ Chí Minh xử phạt 7 năm tù về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” trong vụ án liên quan tới Phan Văn Anh Vũ. HĐXX chấp nhận đơn và xét xử theo diện vắng mặt của bị cáo Tín.

Trong phiên xét xử ngày 22/4, HĐXX cũng triệu tập đại diện các đơn vị liên quan đến vụ án: Bộ Công thương, UBND TP Hồ Chí Minh, Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), đại diện Công ty Quảng Trường Mê Linh, Giám định viên Bộ Tài chính, Giám định viên Bộ Kế hoạch và Đầu tư… và ông Nguyễn Nam Hải (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) đến phiên toà với tư cách người liên quan vì ký Công văn số 10194 gửi UBND TP Hồ Chí Minh để “đề nghị gia hạn thời hạn nộp tiền sử dụng đất cho Sabeco.

Tuy nhiên, đại diện Sabeco xin vắng mặt với lý do, doanh nghiệp này đang chuẩn bị đại hội cổ đông nên không thể sắp xếp thời gian tới tòa. Cựu Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải cũng vắng mặt mà không có lý do.

Trong buổi đầu xét xử, bị cáo Hoàng cho biết, bản thân đang mắc nhiều bệnh, thậm chí có bệnh hiểm nghèo, xin chấp hành các quy định về quyền và nghĩa vụ theo đúng quy định của pháp luật đến tham dự phiên tòa. Xin phép HĐXX cho phép ngồi và được phép dùng thuốc, hỗ trợ y tế nếu cần. HĐXX ghi nhận ý kiến của bị cáo Hoàng, sẽ xem xét trong quá trình xét xử.

Phủ nhận trách nhiệm quản lý Sabeco

Tại Tòa, trả lời thẩm vấn, bị cáo Vũ Huy Hoàng cho hay ông làm Bộ trưởng Bộ Công thương từ tháng 7/2007 đến năm 2016, chịu trách nhiệm chung về hoạt động của Bộ. Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm về mảng công nghiệp nhẹ, quản lý Sabeco.

Bị cáo Hoàng khai, không trực tiếp quản lý Sabeco nên chỉ nắm được thông tin khi được cấp dưới báo cáo xin ý kiến. Năm 2013 ông tiếp nhận thông tin liên quan Sabeco khi bộ phận quản lý vốn ở đơn vị này gửi văn bản xin thay thế nhà đầu tư.

“Tôi có duy nhất một ý kiến vào văn bản này là Sabeco phải báo cáo Bộ trước khi lựa chọn nhà đầu tư. Tôi làm thế vì muốn doanh nghiệp thay thế phải đảm bảo năng lực triển khai dự án chứ không như lần đầu để rồi bị dang dở”, bị cáo Hoàng nói.

Bị cáo Hoàng khai khoảng năm 2016, căn cứ vào đề xuất của Sabeco, ông đã chủ trì cuộc họp để bàn các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, ông chỉ điều hành thay do Thứ trưởng quản lý đi vắng. Cuộc họp này bàn về nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có chủ trương xây dựng trụ sở mới chứ không phải chỉ bàn về thoái vốn như cáo buộc.

“Tôi rất đau xót khi hằng năm Sabeco phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để thuê văn phòng nên tôi thấy việc đề xuất xây trụ sở làm việc là đúng đắn. Điều này không chỉ có lợi cho đơn vị mà còn tiết kiệm cho ngân sách nhà nước”, bị cáo Hoàng phân trần.

Trước đó, HĐXX xác định vì bị can Hồ Thị Kim Thoa đã bỏ trốn nên Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra các quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can và quyết định truy nã đối với bị can Hồ Thị Kim Thoa. Khi nào bắt được, Cơ quan công an xem xét, xử lý sau.

Cáo trạng của VKS tối cao xác định: Từ năm 2012 - 2016, Vũ Huy Hoàng đã chỉ đạo cấp dưới là bà Hồ Thị Kim Thoa cùng Phan Chí Dũng có các văn bản chỉ đạo cán bộ tại Sabeco dùng quyền sử dụng đất tại số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) và tiền của Sabeco góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản. Sau khi góp vốn và Sabeco thực hiện xong các thủ tục cho dự án, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng chỉ đạo đơn vị này thoái toàn bộ vốn góp tại Sabeco Pearl, cho doanh nghiệp tư nhân liên doanh để hoàn tất việc chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất hơn 6.000 m2 - là tài sản nhà nước, sang tài sản tư nhân trái pháp luật. Hành vi của Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm đã vi phạm quy định pháp luật về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, gây thiệt hại, thất thoát hơn 2.723 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phủ nhận trách nhiệm quản lý Sabeco

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO