Cứu Quốc số 1- Khởi đầu một trang sử vẻ vang

Thành Vĩnh 22/01/2017 09:10

* Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp viết bài và chỉ đạo nội dung tờ báo

Tờ Cứu Quốc số 1 ra ngày 25/1/1942.

Hạ tuần tháng 9/1941, bốn tháng sau ngày thành lập Mặt trận Việt Minh, Hội nghị cán bộ toàn xứ Bắc Kỳ họp trong 3 ngày 25, 26, 27 tại làng Dương Húc, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) để nghe đồng chí Trường Chinh- Tổng Bí thư của Đảng, phổ biến toàn bộ nội dung nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương tháng 5-1941. Hội nghị cán bộ toàn xứ Bắc Kỳ đã thảo luận và quyết nghị 14 vấn đề, trong đó có “vấn đề tuyên truyền và huấn luyện”.

Lúc đó, Trung ương Đảng chủ trương xuất bản một tờ báo làm cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, phát hành rộng rãi trong các tổ chức của Mặt trận. Vì vậy, về “Vấn đề tuyên truyền và huấn luyện”, Hội nghị cán bộ toàn xứ Bắc Kỳ quyết nghị: “Các cấp bộ phải giúp đỡ tờ báo của Việt Minh sắp xuất bản nay mai, phải vận động quần chúng ủng hộ về tài chính, phải tổ chức công tác lấy tin, phải viết bài và vận động quần chúng viết bài cho tờ báo và nhất là bài vở cần sát với trình độ quần chúng và phải phản chiếu đời sống của nhân dân”.

Ngày 25/1/1942, báo Cứu Quốc số 1- Cơ quan cổ động của Việt Nam Độc lập Đồng minh ra đời.

Báo Cứu Quốc số 1 gồm 4 trang, khổ 30x40cm, in litô. Trang 1, phía trên, suốt 4 cột bề ngang là chữ Cứu Quốc to đậm. Dưới chữ Cứu Quốc là dòng chữ: “Cơ quan cổ động của Việt Nam Độc lập Đồng Minh. Số 1. Giá: 3 xu”.

Tòa soạn báo Cứu Quốc khi ra số đầu tiên được đặt tại làng Xuân Kỳ nay thuộc xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn Hà Nội. Hồi ký của cố Chủ tịch Lê Quang Đạo do nhà văn Nguyệt Tú ghi lại đã viết rất rõ, toà soạn lúc ấy chỉ có 3 người: Tổng Bí thư Trường Chinh làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, Ban Biên tập có các đồng chí Lê Quang Đạo và Lê Toàn Thư, làm việc trong căn nhà lá nhỏ của một người nông dân nghèo, bàn làm việc là một chiếc phản gỗ gồm hai tấm ván cũ kỹ ghép lại, kê trên hai chiếc mễ.

Cứu Quốc số 1 ra đời trong điều kiện cực kỳ khó khăn thiếu thốn và đối mặt với hiểm nguy. Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp viết bài và chỉ đạo nội dung tờ báo. Hồi ký của cố Chủ tịch Lê Quang Đạo viết: “Sau khi soạn xong bài, anh Nhân (bí danh hoạt động thời kỳ đó của Tổng Bí thư Trường Chinh) trực tiếp trình bày trang báo. Anh Nhân làm “ma-ket” báo cẩn thận. Tự tay anh kẻ từng ô nhỏ, đề rõ bài nào ở vị trí nào, trên dưới ra sao, “tít” to hay “tít” nhỏ.”
Trên trang nhất số 1 báo Cứu Quốc có đăng lời kêu gọi:

“Hỡi các giới sỹ, nông, công, thương, binh!

Hỡi các đoàn thể Cứu Quốc!

Hỡi toàn thể đồng bào nước Việt Nam!

Đã 80 năm, Tổ quốc kính yêu mất quyền độc lập, sa vào vòng nô lệ của giặc Pháp tham tàn.

Đã 80 năm dân tộc Việt Nam phải mang trên trán vết quốc sỉ nhuốc nhơ mà máu đào của bao nghĩa sĩ anh hùng tới nay chưa rửa sạch...

Trước cảnh tượng nước mất, nhà tan thê thảm, Cứu Quốc - cơ quan cổ động của Tổng bộ Việt Minh - ra đời, thống thiết kêu gọi đồng bào mau hợp sức cùng lòng đánh đuổi Pháp, Nhật, rửa thù cho non sông, đưa Tổ quốc tới bến vinh quang, độc lập...

Hỡi quốc dân đồng bào!

Cứu Quốc nguyện làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng của mình. Mong đồng bào yêu nước hãy tận tâm ủng hộ Cứu Quốc về mọi phương diện. Hãy kiên quyết tiến lên dưới bóng cờ đỏ sao vàng.

Đánh đổ giặc cướp nước Pháp, Nhật!

Đánh đổ bọn bán nước thân Pháp, thân Nhật!

Việt Nam độc lập, tự do muôn năm!

C.Q”

Lời kêu gọi viết hùng hồn, thống thiết, chữ C.Q cuối bài in đậm. Sau này, tác giả Nguyễn Thành trong cuốn sách “Báo chí cách mạng Việt Nam” đã đánh giá về ý nghĩa của việc ra đời báo Cứu Quốc: “Tên tờ báo như một lời kêu gọi thiêng liêng, một nhiệm vụ cấp bách của cả dân tộc ta trước vận mệnh của đất nước. Cứu Quốc ra đời làm phấn chấn lòng dân và gây hoang mang, lo sợ cho kẻ thù”.

Cũng trên trang nhất, bên dưới lời kêu gọi là bài “Đội quân Cứu quốc muôn năm!”. Nửa bên phải của trang nhất đăng bài viết: “Hợp quần cứu quốc”. Cuối trang nhất là dòng khẩu hiệu được in đậm: ĐÁNH PHÁP, ĐUỔI NHẬT. Ở các trang trong còn có các bài “Sóng gió năm châu”, “Chiến tranh Thái Bình Dương và tình hình Việt Nam”, “Ngọn lửa đấu tranh”… Tiêu đề trang 3 của tờ Cứu Quốc số 1 là: Việt Nam độc lập; trang 4 là: Dân chủ, tự do.

Kể từ Cứu Quốc số 1 cho đến tháng 8/1945, báo Cứu Quốc ra được 30 số, không đều kỳ. Cả 2 năm 1942, 1943 ra được 9 số. Năm 1944 ra được 9 số, năm 1945 ra được 12 số.

Vẫn theo lời kể của cố Chủ tịch Lê Quang Đạo, tòa soạn chỉ tồn tại ở làng Xuân Kỳ khoảng 1 tháng, do địch vây ráp, Tổng Bí thư Trường Chinh được quần chúng bảo vệ, dẫn đường chạy thoát, đồng chí Lê Toàn Thư bị bắt. Sau đó trong suốt những năm hoạt động bí mật, tòa soạn Cứu Quốc phải di chuyển nhiều lần. Tới khoảng năm 1944, Tổng Bí thư Trường Chinh thôi không trực tiếp phụ trách báo Cứu Quốc nữa, Trung ương phân công đồng chí Nguyễn Khang, Lê Quang Đạo- Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách. Cho đến giữa năm 1944, khi nhà cách mạng Xuân Thủy ra khỏi nhà tù Sơn La, ông được giao làm Chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Cứu Quốc.

Sau Cách mạng tháng Tám, báo Cứu Quốc chuyển về Hà Nội, tòa soạn được đặt tại 114 Hàng Trống (tức 44 Lê Thái Tổ)- trụ sở báo Hà Nội Mới ngày nay. Đây cũng chính là trụ sở liên lạc của Tổng bộ Việt Minh. Ngày 24/8/1945, lần đầu tiên báo Cứu Quốc ra công khai tại Hà Nội. Lúc đầu 3 ngày ra một kỳ. Nhưng chỉ hơn một tuần sau, Cứu Quốc trở thành tờ nhật báo lớn nhất nước thời ấy dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh, là tờ báo hàng ngày của Đảng, Chính quyền, Mặt trận…

Năm 1950, ông Leo Figuère (người đeo kính, mặc sơ mi trắng, đứng giữa) đến thăm tòa soạn báo Cứu Quốc - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Cộng sản Pháp - ở Roòng Khoa (Điềm Mặc, Thái Nguyên). Người đứng bên phải ông Leo Figuère là Chủ nhiệm Xuân Thủy, người đứng bên trái ông Leo Figuère là Chủ bút Nguyễn Thành Lê.

Trong suốt những năm chống Pháp, Cứu Quốc vẫn được xuất bản đều đặn ở nhiều địa điểm, trên chiến khu kháng chiến. Sau này, phục vụ cho kháng chiến, Cứu Quốc chia thành Cứu Quốc trung ương và báo Cứu Quốc ở các khu, liên khu, có mối liên hệ với báo Cứu Quốc trung ương về mặt nghiệp vụ. Tờ báo có ảnh hưởng rất lớn trong lòng bạn đọc, phát hành vào vùng tạm chiếm. Tới mức từng có những tờ Cứu Quốc giả được thực dân Pháp phát hành nhằm đánh lừa người dân.

Sau năm 1954, Cứu Quốc từ tờ báo hàng ngày trở thành báo tuần, báo Nhân dân từ báo tuần trở thành báo hàng ngày. Các chi nhánh báo Cứu Quốc cũng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, chỉ còn duy nhất một tờ Cứu Quốc, đóng trụ sở tại 66 Bà Triệu, Hà Nội.

Cuối năm 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời, trước đòi hỏi của tình hình mới, Tổng biên tập Trần Phong và 2 cán bộ của báo Cứu Quốc đã vào Nam cùng lực lượng tại chỗ thành lập báo Giải Phóng- Cơ quan trung ương của MTDTGPMNVN.

Cuối tháng 1/1977, sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước được 2 năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, MTDTGPMNVN, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam thống nhất thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Báo Cứu Quốc cũng sáp nhập với báo Giải Phóng, lấy tên là báo Đại Đoàn Kết- Cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trụ sở tại 66 Bà Triệu cho tới nay.

Tờ báo cuối cùng mang tên Cứu Quốc xuất bản vào ngày 28/1/1977, sau 35 năm kể từ mùa xuân 1942. Đó là một chặng đường vẻ vang ghi dấu ấn đậm nét của tờ báo Mặt trận, từ những ngày xuất bản bí mật trước Cách mạng, cho tới khi ra công khai và trải qua 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, có chỗ đứng và công lao đặc biệt đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất và xây dựng đất nước.

Lãnh đạo báo Cứu Quốc qua các thời kỳ:

Từ 1942 đến 1944: Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách báo Cứu Quốc

Từ 1944 đến 1950: Chủ nhiệm kiêm Chủ bút: Xuân Thủy

Từ 1950 đến 1954: Chủ nhiệm: Xuân Thủy; Chủ bút: Nguyễn Thành Lê

Từ 1954 đến 1961: Chủ nhiệm: Xuân Thủy; Chủ bút: Nguyễn Ngọc Kha

Từ 1961 đến 1964: Tổng biên tập: Kỳ Phương (tức Trần Phong)

Từ 1964 đến 1977: Tổng biên tập: Nguyễn Tiêu

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cứu Quốc số 1- Khởi đầu một trang sử vẻ vang

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO