Đã dừng một cuộc ‘rong chơi’

NGÔ PHƯƠNG ANH 04/11/2022 05:56

Học giả An Chi là một tấm gương về tự lập, tự học. Ông là tác giả của nhiều bộ sách cung cấp tri thức thu hút độc giả khắp cả nước. Tác phẩm mới nhất của ông “Rong chơi miền chữ nghĩa” (tập 5) vừa phát hành hồi tháng 9 vừa qua. Chưa đầy một tháng sau, học giả An Chi đã thanh thản ra đi, ở tuổi 88, để lại một khoảng trống trong giới nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Việt.

Học giả An Chi (1935-2022).

1.Học giả An Chi là một người mà tôi vô cùng ngưỡng mộ. Những bài viết của ông tôi đọc được trên nhiều tờ báo - mà nhiều nhất là trên chuyên mục “Chuyện Đông chuyện Tây” của tờ tạp chí Kiến thức Ngày nay - đã giác ngộ cho tôi nhiều điều, giúp tôi hiểu biết tường tận hơn về chữ và nghĩa tiếng Việt. Chữ nghĩa tiếng Việt những tưởng dễ, hóa ra không hẳn thế. Nhiều người, nhiều khi dùng chữ mà không hiểu nghĩa, dẫn đến có những điều sai quấy. Những sai quấy lâu dần hằn thành nếp.

Trong giới viết, còn tệ hơn, dùng sai mà không biết lại lan tỏa tới nhiều người, thành ra có lỗi reo rắc sự sai cho người khác. Từ hồi đọc An Chi trên báo, rồi sau đó, ông tập hợp thành bộ sách “Chuyện Đông chuyện Tây”, đọc lại càng thấm thía hơn. Mấy năm gần đây, không chỉ gặp học giả An Chi trên báo, còn “gặp” ông trên Facebook. Vẫn một cách chừng mực và uyên thâm, An Chi lan tỏa việc làm bền bỉ của mình trong việc giảng giải ngữ nghĩa tiếng Việt. Sự uyên bác của ông đã làm sáng rõ nhiều vấn đề, giác ngộ cho không ít độc giả bình dân lẫn những người làm nghề lao động chữ nghĩa.

Nhưng ngày 14/8/2022, khi vào mạng xã hội, tôi thấy trên trang cá nhân, học giả An Chi viết: “Lời xin lỗi

Cùng các bạn,

Do tình trạng sức khoẻ, tôi đã cố gắng gõ nhiều đợt cám ơn về những lời chúc sức khỏe nhưng lần nào cũng thấy mình đã bỏ sót bạn này bạn khác. Càng muốn kỹ càng thêm rối trí nên càng mệt. Vì vậy, tôi đăng Lời xin lỗi chung; mong những bạn bị tôi bỏ quên thương tình tha thứ cho tôi. Tôi xin thành thật biết ơn. Buồn quá vì không cám ơn được những người đã chúc sức khoẻ cho mình. Chỉ có Trời biết... Xin các bạn rộng lòng tha thứ. Một lần nữa, tôi xin chân thành biết ơn.

Bình Thạnh, ngày 14/8/2022,

An Chi”

Đọc những dòng chữ này, tôi hiểu vị học giả uyên thâm mà mình ngưỡng mộ bấy lâu đã không còn khỏe nữa. Cuộc chơi chữ nghĩa của ông có thể sắp dừng lại. Thực tế thì mấy năm nay, ông đã không còn khỏe, đã phải nằm viện điều trị nhiều lần. Ông sinh năm 1935, tuổi ta tính đến nay cũng đã 88. Tuổi ấy chuyện ốm đau cũng là lẽ thường. Vậy mà ở tuổi ấy, trí tuệ ông vẫn còn minh mẫn, vẫn lên mạng xã hội và đều đặn hàng tuần vẫn viết bài, giữ mục trên báo. Thật ngưỡng mộ lắm thay.

Thế nhưng, chiều 12/10/2022, lúc 13h05’, trái tim học giả An Chi đã ngừng đập. Ông đã dừng cuộc “rong chơi miền chữ nghĩa” khiến nhiều người tiếc thương, tưởng nhớ ông.

Học giả An Chi làm việc bền bỉ, trách nhiệm đến những năm tháng cuối đời.

2.Học giả An Chi tên thật là Võ Thiện Hoa, sinh ngày 27/11/1935 ở xã Bình Hòa, Gia Định, nay thuộc quận Bình Thạnh, TPHCM. Ông còn có một bút danh khác là Huệ Thiên. Dù không hề có học hàm hay học vị gì, nhưng quá trình tự học đã giúp ông có được trữ lượng kiến thức của một bậc thầy uyên bác.

Năm 20 tuổi, chàng trai Võ Thiện Hoa theo tiếng gọi cách mạng đã rời đô thị miền Nam để vượt tuyến ra Bắc. Sau một thời gian đi thanh niên xung phong, ông học Trường Trung cấp Sư phạm Trung ương rồi về dạy học ở Thái Bình từ năm 1959 đến năm 1965.

Sau đó, từ năm 1966 đến năm 1968, ông làm tạp vụ ở nhà ăn của Trường bồi dưỡng cán bộ giáo viên tỉnh Thái Bình. Từ năm 1969 đến năm 1972, ông học lớp chính trị ở Trường 20/7 của Bộ Nội vụ, sau đó học nghề thợ nguội và thợ tiện ở Nhà máy Xe đạp Thống Nhất, Hà Nội. Từ năm 1972, ông chuyển lên Tam Đảo phụ trách thư viện Trường học sinh miền Nam số 8, đến tháng 8/1975 thì trở lại Sài Gòn. Năm 49 tuổi (1984), ông về hưu non. Kể từ lúc nghỉ hưu, ông dành nhiều thời gian cho việc đọc sách, nghiên cứu và cộng tác đều đặn với báo chí.

Với mục “Chuyện Đông chuyện Tây” trên tạp chí Kiến thức Ngày nay, ông đã thu hút và giữ chân nhiều độc giả, trong đó có cả những độc giả thuộc giới trí thức. Đây cũng là chuyên mục ông giữ đều đặn và bền bỉ suốt 15 năm. Những giải đáp thắc mắc của An Chi về các từ nguyên (nguồn gốc của từ ngữ), về nghĩa của từ và cách dụng ngữ đã chuyển tải một lượng lớn kiến thức, giúp cho người đọc hiểu đúng và sâu sắc hơn về những câu từ thường dùng. Xin nhấn mạnh, thời điểm đó internet chưa phổ cập như bây giờ. Vì thế, nhiều bạn đọc có thể gửi các thắc mắc chưa biết hỏi ai của mình về chữ nghĩa đến nhờ ông giải đáp.

Sau này, khi được hỏi về quãng thời gian dài 15 năm giữ mục “Chuyện Đông chuyện Tây”, học giả An Chi chỉ nhẹ nhàng: “Tôi không nghĩ việc mình làm là to tát, chỉ nghĩ mỗi kỳ "Chuyện Đông chuyện Tây" chắc cũng giúp vui cho độc giả chốc lát. Từ thư của độc giả yêu cầu giải đáp, tôi thấy nhiều người có trình độ khá, ngược lại có nhiều người trình độ bình thường nhưng thích hỏi những cái hóc búa, lại có nhiều bạn đọc rất trân trọng những vốn xưa của nước nhà. Đối với những nhân vật, biểu tượng, khái niệm xưa người ta rất cung kính. Tôi cho đó là một điều hay vì cung kính, trân trọng vốn xưa thì dân tộc nào cũng nên dù rằng không nên sùng bái cá nhân, sùng bái cổ nhân, dựa hẳn vào những sự kiện lịch sử xa xưa mà biện hộ nếp sống thời nay. Tôn trọng vốn cổ, kính trọng tiền nhân, rất nhiều bạn đọc cho tôi thấy điều đó qua thư”.

Ở tuổi 80, học giả An Chi tiếp tục chứng tỏ sức làm việc bền bỉ, trách nhiệm của mình khi ra mắt bộ sách khá công phu “Rong chơi miền chữ nghĩa”. Cuối tháng 9 năm nay, tập 5 của “Rong chơi miền chữ nghĩa” vừa được phát hành. Và chỉ ít ngày sau, ông đã mãi mãi “rong chơi” ở một cảnh giới khác.

3.Sinh thời, GS - nhà ngôn ngữ Cao Xuân Hạo (1930-2007) nhận định: “Quả có nhiều người hình dung An Chi là một cụ già đầu bạc trán hói, thông kim bác cổ, suốt ngày vùi đầu trong những đống sách cũ kỹ. Trong trí tưởng tượng của họ, An Chi gần như là một nhân vật huyền thoại, khó lòng có thật trong cuộc sống còn nhiều hàng dỏm, sách dỏm và trí thức dỏm này”.

Khi học giả An Chi qua đời, nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc nhớ đến “một bản lĩnh rất đáng ghi nhận ở tư duy làm khoa học” của học giả An Chi, đó là “không có vùng cấm”, chính vì thế, cụ đã mạnh dạn “lật ngược vấn đề” một cách ngoạn mục và bất ngờ. Cụ đã có cái nhìn khác, phân tích khác, giải thích khác các học giả tiền bối mà cụ kính trọng như các cụ Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ... Điều này, có thể nhìn thấy qua bộ “Chuyện Đông chuyện Tây”, “Rong chơi miền chữ nghĩa”, “Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm”, “Truyện Kiều - bản Duy Minh Thị 1872”…

Để có được phẩm chất nghiên cứu ấy ngoài khả năng tự học hỏi, nghiên cứu còn phải xuất phát từ một bản lĩnh nghiên cứu khoa học vững vàng. Hay nói như GS Cao Xuân Hạo, "đó đều là kết quả của một quá trình tra cứu nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm đối với khoa học và đối với những người đã có lòng tin cậy mình. Thêm vào đó là lời văn trong sáng, đĩnh đạc, nhiều khi dí dỏm một cách nhã nhặn và tuệ minh, làm cho việc đọc trở thành một lạc thú thanh tao".

Tôi vốn học văn - sử - địa (Trường Sư phạm trung cấp Trung ương khóa 1956-1959), ra trường được phân công đi dạy văn. Hồi đó sách ngữ pháp rất ít, mà lúc dạy vướng nhiều điều khúc mắc. Tôi có viết một bài góp ý về ngữ pháp (trao đổi về khái niệm tân ngữ trực tiếp - gián tiếp) cho một tạp chí khoa học xã hội, thấy ngữ pháp là vấn đề rất cần được chú tâm và mình nên chú tâm.

Từ lúc ấy tôi bắt đầu ghi chép về ngữ pháp, nhất là về từ láy. Tôi còn nghĩ ra một định nghĩa riêng về từ láy. Nhưng lúc đi sâu vào lại tắc nên tôi thấy cần tạm dừng để đi vào từ nguyên trước. Sau này, đi sâu vào từ nguyên học thì thấy đúng như ông Cao Xuân Hạo nói, mỗi âm tiết là một hình vị, một từ, thành ra không còn từ láy nữa.

Tôi chịu ơn về tinh thần rất lớn đối với ông Lê Ngọc Trụ, tác giả cuốn “Chánh tả Việt ngữ” mà tôi bắt đầu đọc từ năm 15 tuổi. Tôi thích ngôn ngữ, yêu tiếng Việt từ thuở ấy. Đối với tôi, việc nghiên cứu từ nguyên vừa là sở thích vừa là sở nguyện. Tôi thích từ nguyên do muốn tìm căn nguyên của tiếng Việt.

Học giả An Chi

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đã dừng một cuộc ‘rong chơi’