Đà Lạt chuyển mình

Hà Trọng Nghĩa 07/06/2016 09:10

Ngày 5/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố Quyết định 1528/QĐ-TTg cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt. Đây là tin vui không chỉ với Đà Lạt mà tin vui chung cho các địa phương, vì thời gian qua một trong những cái khó nhất níu chân sự phát triển chính là những bất cập về cơ chế. Trong tình thế hiện tại, muốn có sự bứt phá thì trước hết phải là cơ chế đủ mạnh. Như vậy, sau đúng 100 năm (1916-2016) Đà Lạt bước vào giai đoạn chuyển mình.  

Đà Lạt chuyển mình

Đà Lạt mộng mơ.

Để thực hiện tốt Quyết định 1528, Thủ tướng yêu cầu Đà Lạt cần có quy hoạch tốt, xây dựng Đà Lạt thành thành phố thông minh, trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm hội nghị, trung tâm nông nghiệp công nghệ cao; trong đó điểm rất đáng chú ý là Đà Lạt phải chú trọng phát triển du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng mô hình “làng du lịch xanh”. Như vậy, cơ chế tạo ra yếu tố bứt phá nhưng cũng đòi hỏi phải phát triển bền vững, không được tàn phá môi trường, không được làm mất đi những yếu tố thiên nhiên, cảnh quan, cũng như kiến trúc đã làm nên một diện mạo cho Đà Lạt mộng mơ.

Vào thời điểm từ năm 1893, trước khi bác sĩ Alexandre Yersin lần đầu đặt chân đến cao nguyên Lâm Viên thì cũng đã có không ít nhà thám hiểm đặt chân đến vùng đất này. Cho tới năm 1897, Toàn quyền Paul Doumer quyết định tìm kiếm một địa điểm để xây dựng trạm nghỉ dưỡng dành cho công chức và binh lính Pháp ở Đông Dương và bác sĩ Yersin chính là người đề nghị chọn cao nguyên Lâm Viên, nơi có khí hậu tương tự như vùng ôn đới châu Âu để xây dựng. Cuối tháng 3 năm 1899, Toàn quyền Paul Doumer đã đến tận nơi khảo sát và quyết định triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc xây dựng bị gián đoạn vào năm 1902 khi Toàn quyền Paul Doumer trở về Pháp, cho tới giữa những năm 1910, công cuộc kiến thiết thành phố mới thực sự bắt đầu, khi Hội đồng nhiếp chính triều đình Huế thông báo Dụ thành lập thị tứ Đà Lạt ngày 20-4-1916. Liên tục sau đó, người ta đã triển khai bản quy hoạch của các kiến trúc sư Ernest Hébrard và Jacques Lagisquet, tạo nên một thành phố xinh đẹp với những biệt thự, công sở, trường học, khách sạn... bên cạnh những rừng thông, những thác nước, những hồ nước trong xanh và những vạt hoa dã quỳ vàng rực...

Thời gian qua đi, thành phố cao nguyên trên độ cao 1.500 mét so với mực nước biển này dẫu có qua nhiều khúc thăng trầm nhưng vẫn là một đô thị đẹp, với những kiến trúc vượt thời gian, những cánh rừng thông vi vu, những con đường quanh co uốn lượn, nhà thờ và nhà chùa. Và mưa bụi, và sương mù..., một Đà Lạt thật nên thơ.

Nhưng, như thế chưa đủ, với tất cả lợi thế của mình, Đà Lạt cần có một cú hích mới, một cú hích đủ mạnh để phát triển. Thì đây, Quyết định 1528 được xem là dấu mốc quan trọng sau việc Đà Lạt được chính thức xây dựng thành đô thị từ trước đây đúng 100 năm. Trong quyết định 1528 của Chính phủ, có những điểm rất thông thoáng để thành phố phát triển một cách mạnh mẽ. Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng được phép cho các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản (trừ các dự án du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng) trong phạm vi thành phố Đà Lạt sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng được phép chuyển nhượng dự án cho các đối tượng khác xây dựng nhà ở, công trình kiến trúc theo quy hoạch chung và dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhà đầu tư tham gia đầu tư tại thành phố Đà Lạt được miễn thuế nhập khẩu vật tư, trang thiết bị để đầu tư xây dựng nhà kính, nhà lưới sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao mà trong nước chưa sản xuất được trong thời gian 5 năm đầu thực hiện Quyết định này.

Đây chính là sự “cởi trói”, “tháo rào cản” cho nhà đầu tư, để kêu gọi nguồn vốn, để nhà đầu tư yên tâm rót vốn vào Đà Lạt. Sự chủ động của chính quyền tỉnh sẽ là phù hợp bởi hơn ai hết họ hiểu thành phố cần gì, phải làm gì để Đà Lạt đẹp hơn, hiện đại hơn nhưng không mất đi những gì vốn đã làm nên thương hiệu của thành phố này. Như vậy, cả phía nhà đầu tư lẫn chính quyền địa phương đều chủ động, đều thấy được lợi ích của mình trong lợi ích chung của thành phố.

Quyết định 1528 của Chính phủ cũng cho phép tỉnh Lâm Đồng được thí điểm xây dựng mô hình “làng đô thị xanh” tại Đà Lạt. Đây cũng là một chính sách rất đặc thù. Những người yêu Đà Lạt bao giờ cũng muốn một Đà Lạt xanh, một thành phố của hoa và thông. Người ta đã rất buồn phiền khi nước hồ Xuân Hương bị nhiễm bẩn, thác Pren khô cạn, những vạt cúc quỳ ngoại thành ngày càng thưa thớt và ngay cả những rừng thông đôi khi cũng phải nhường chỗ cho các công trình xây dựng. Không do chỉ biến đổi khí hậu mà còn do sự xây dựng quá mãnh liệt của con người làm cho sương mù Đà Lạt thiếu vắng trong mỗi buổi sớm mai.

Do đó, mừng vì Đà Lạt có cơ chế đặc thù nhưng cũng lo về một sự mất bản sắc. Rồi đây những ngôi nhà cao tầng mọc lên, những khu sản xuất nhiều hơn thì liệu thành phố cao nguyên tuyệt đẹp này có còn mộng mơ? Thực tế ở nhiều đô thị cho thấy, việc xây dựng rất thiếu quy hoạch, phá vỡ tổng quan kiến trúc cũng như cảnh quan thiên nhiên, khiến đô thị bị biến dạng, lai căng, méo mó và không có bản sắc. Những gì đã tồn tại cả trăm năm đều có lí do của nó, vì thế cần phải được gìn giữ.

Bài toán giữa bảo tồn và phát triển luôn dằn vặt tất cả các đô thị. Nhưng nếu nó được đặt dưới góc độ văn hóa, góc độ tiếp nối thì sẽ hạn chế được bất cập. Mừng cùng Đà Lạt nhưng cũng lo cho Đà Lạt, dù nỗi lo ấy cũng chỉ là mơ hồ...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đà Lạt chuyển mình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO