Đặc sắc tinh hoa nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc ở Làng Văn hóa

Phạm Sỹ 02/01/2022 11:30

Ngày 1/1, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra chuỗi các hoạt động "Chào năm mới 2022".

Qua hàng trăm năm, nghề dệt thổ cẩm vẫn được đồng bào các dân tộc gìn giữ như báu vật thiêng liêng. Với đồng bào các dân tộc tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, nghề dệt thổ cẩm đã trở thành nét đẹp văn hóa cổ truyền không thể thiếu.

Thổ cẩm là một gia tài quý báu của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Được hình thành qua quá trình sinh hoạt, thay đổi và hoàn thiện dần theo tiến trình của xã hội, cho đến nay, thổ cẩm là điểm nhấn đặc sắc trong bản đồ văn hoá Việt. Đồng thời, là di sản độc đáo, có giá trị của đồng bào các dân tộc. Cùng là sản phẩm thổ cẩm nhưng mỗi dân tộc lại có nét hoa văn khác nhau tạo đặc trưng riêng về kiểu dáng, màu sắc.

Tái hiện nghi thức cúng vợt sợi bông của đồng bào dân tộc Ba Na, tỉnh Gia Lai.

Nghề dệt thổ cẩm dân tộc Ba Na nổi bật bởi những nét hoa văn tinh xảo, mang ý nghĩa nhân sinh quan sâu sắc. Phụ nữ dân tộc Ba Na, những người làm nên loại thổ cẩm giàu sức cuốn hút này, luôn mong muốn thổ cẩm của họ mở rộng được thị trường tiêu thụ, tạo nên được một tấm vải thổ cẩm có giá trị cả về ý nghĩa vật chất và tinh thần.

Đối với những đồng bào dân tộc Tà Ôi tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ lâu thương hiệu zèng đã nổi tiếng với những sản phẩm đa dạng và độc đáo. Để làm ra những tấm zèng theo cách truyền thống, người dệt phải thực hiện nhiều công đoạn như phân loại từng sợi vải có kích thước màu sắc đồng đều, phù hợp với mục đích sử dụng.

Ví như tấm zèng để may trang phục, cần chọn những sợi vải mỏng mịn. Loại sợi to và thô thì dùng để dệt thảm hay chăn. Để có một sản phẩm zèng hoàn chỉnh, những người phụ nữ Tà Ôi phải làm việc trong nhiều ngày liền, thậm chí phải mất cả tháng.

Đồng bào dân tộc Tà Ôi chuẩn bị cho nghi thức cúng dâng tấm Zèng.

Trong đời sống tinh thần của người Tà Ôi, zèng không thể thiếu trong các hoạt động tín ngưỡng, thờ cúng, là vật đính ước của các cô gái với ý trung nhân hoặc để thể hiện lòng hiếu thuận với ông bà, cha mẹ, với những người có công với buôn làng.

Nghệ nhân Hồ Thị Nhất người dân tộc Tà Ôi đến từ huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế cho biết, nghề dệt zèng là nghề truyền thống có từ lâu đời của người dân tộc Tà Ôi. Trải qua hàng trăm năm, được người dân địa phương gìn giữ và lưu truyền, họ tự tìm kiếm nguyên liệu và thiết kế mới để dệt nên những tấm zèng đa màu sắc với hoa văn, họa tiết độc đáo, đường nét tinh xảo.

Tái hiện nghi thức cúng dâng tấm Zèng của đồng bào dân tộc Tà Ôi tỉnh Thừa Thiên Huế.

Những sản phẩm dệt zèng trước đây được làm ra chủ yếu để phục vụ nhu cầu của người dân. Hiện nay, với nhiều sản phẩm phong phú như khăn, túi, khố... đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, đi kèm kỹ thuật gắn hạt cườm tạo nên vẻ đẹp độc đáo, được khách du lịch ưa chuộng.

Những cô gái dân tộc Tà Ôi đang dệt vải.

Người Tà Ôi rất tự hào về y phục truyền thống của dân tộc mình. Phụ nữ thường mặc hằng ngày trong sinh hoạt, lao động sản xuất. Đặc biệt là các dịp Tết cổ truyền, ngày lễ hội, ngày vui.

Không chỉ được chứng kiến những nghi thức, được trải nghiệm trực tiếp vào các bước để làm ra một sản phẩm thổ cẩm truyền thống. Khi đến với không gian tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, các du khách còn được thưởng hòa mình vào với những nét văn hóa đặc sắc của các đồng bào dân tộc đang sinh sống tại đây.

Vẻ đẹp của đồng bào dân tộc Mông (Hà Giang) bên khung dệt.
Nghề dệt thủ công của dân tộc Mường đến từ Hòa Bình.
Sau khi thực tái hiện những nghi lễ của các đồng bào dân tộc là những tiết mục văn nghệ mang hơi thở của hương rừng, sắc núi.
Mâm cơm cũng dâng tấm Zèng của dân tộc Tà Ôi.
Trang phục của người dân tộc Tà Ôi được chính tay những nghệ dân làm ra.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đặc sắc tinh hoa nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc ở Làng Văn hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO