Hướng tới Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, nhiệm kỳ 2019-2024: Nhân lên niềm tin cho người tiêu dùng

Quốc Trung (thực hiện) 06/05/2019 08:00

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”(gọi tắt là Cuộc vận động), đã tác động tích cực đến người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, sức mua hàng Việt tăng hơn so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp quan tâm cải tiến sản phẩm, giá cả hàng hóa cạnh tranh, tăng thêm niềm tin cho người tiêu dùng. Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Tuyết Loan- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang với PV báo Đại Đoàn Kết, sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động.

Hướng tới Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, nhiệm kỳ 2019-2024: Nhân lên niềm tin cho người tiêu dùng

Bà Nguyễn Thị Tuyết Loan.

PV: Thưa bà, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Mặt trận chủ trì thực hiện. Bà có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật trong thực hiện Cuộc vận động này qua 10 năm trên địa bàn tỉnh Hậu Giang?

Bà Nguyễn Thị Tuyết Loan: Qua 10 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về thói quen ưu tiên sử dụng hàng Việt trong sinh hoạt, sản xuất, tiêu dùng và các hoạt động khác. Sức mua hàng Việt tăng hơn so với cùng kỳ, hiện có hơn 75% sự lựa chọn của người tiêu dùng dành cho hàng Việt.

Tại các chợ, siêu thị hiện nay lượng hàng Việt được trưng bày chiếm đa số. Các khu chợ nông thôn có rất nhiều bảng hiệu có logo Cuộc vận động và dòng chữ “Tự hào hàng Việt, tôi bán hàng Việt” (hiện có 142 điểm tại các chợ nông thôn dán logo này), cộng với nhiều hình thức, nội dung tuyên truyền phong phú, đã góp phần hạn chế dần tâm lý sính ngoại. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã quan tâm cải tiến sản phẩm về chất lượng, mẫu mã, giá cả hàng hóa cạnh tranh, từ đó tăng thêm niềm tin nơi người tiêu dùng.

Tôi cho rằng triển khai bất cứ cuộc vận động, phong trào nào cũng cần sự quyết tâm, đồng thuận, đồng thuận từ cấp uỷ, hệ thống chính quyền đoàn thể đến từng người dân. Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp trong tỉnh nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ của mình, từ đó có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo để tuyên truyền, cổ vũ doanh nghiệp và hướng dẫn nhân dân tham gia thực hiện.

Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cuộc vận động, thời gian qua Mặt trận tỉnh Hậu Giang có những cách làm hay, mô hình hiệu quả nào trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động, thưa bà?

-Với vai trò là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo cuộc vận động, Mặt trận tỉnh đã quyết liệt đưa nội dung thực hiện Cuộc vận động vào thang điểm thi đua năm của MTTQ các cấp; ban hành kế hoạch xây dựng mô hình chung của toàn tỉnh - mô hình “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt”. Mô hình này là 1 trong 6 nội dung thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ các cấp và là mô hình được chọn đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang lần thứ IX nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Đặc biệt trong triển khai xây dựng các mô hình, Hậu Giang đã mạnh dạn chia ra các thành phần để thành lập các mô hình. Cụ thể như đối với cán bộ, công chức: xây dựng các tổ liên kết ưu tiên sử dụng hàng Việt khi mua sắm trang thiết bị, văn phòng phẩm.

Các hộ tiểu thương, người trực tiếp bán hàng: xây dựng mô hình “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt” và nhân rộng các “Điểm bán hàng Việt” ở các điểm chợ. Đến nay, Hậu Giang đã có 2 “Điểm bán hàng Việt chất lượng cao” quy mô lớn tại 02 chợ huyện, mỗi điểm đầu tư hơn 02 tỷ đồng tiền vốn, với trên 300 mặt hàng Việt trong mỗi cửa hàng và doanh thu rất ổn định. Có 142 điểm tại các chợ xã tham gia mô hình “Tự hào hàng Việt, sử dụng hàng Việt”; đặc biệt, khu chợ đêm TP Vị Thanh, có 33 hộ tiểu thương với 117 gian hàng tham gia.

Hiện tỉnh Hậu Giang đang tiến hành xây dựng khu chợ “Tự hào hàng Việt”; phấn đấu đến Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ IX, tỉnh Hậu Giang sẽ có ít nhất 50% xã, phường, thị trấn có điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt”. Điều đặc biệt, các cửa hàng này đều dán logo cuộc vận động, có bảng hiệu ghi tên mô hình do MTTQ phát động. Trong cửa hàng có bảng cam kết ít nhất 80% hàng hoá là hàng Việt được truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và niêm yết giá hợp lý... mỗi năm tổ chức lấy ý kiến người tiêu dùng 1 lần... kinh phí 50% do MTTQ vận động tài trợ, 50% do hộ tiểu thương đóng góp. Hộ tham gia được ngành công thương hỗ trợ thủ tục, pháp lý khi cần thiết trong kinh doanh, được MTTQ và báo - đài phối hợp tuyên truyền, quảng bá....

Đối với các hộ sản xuất nông nghiệp, Mặt trận các cấp hỗ trợ các điều kiện cần và đủ để thành lập các câu lạc bộ, các tổ liên kết chế biến sản phẩm từ nông sản và phối hợp với các ngành giới thiệu sản phẩm nhằm tăng giá trị sản xuất cho từng loại nông sản điển hình như Tổ hợp tác trồng và chế biến trà mãng cầu, Câu lạc bộ sản xuất những sản phẩm từ khóm...

Còn đối với từng hộ dân, Mặt trận đẩy mạnh thành lập các mô hình như, “Khu dân cư cam kết ưu tiên sử dụng hàng Việt”, với tiêu chí có ít nhất 80% hộ dân cam kết và hướng dẫn cách tiêu dùng hiệu quả trong sinh hoạt gia đình...

Để tiếp tục triển khai thực hiện thành công cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch kinh tế - xã hội tỉnh năm 2019, trong thời gian tới, MTTQ tỉnh Hậu Giang sẽ đặt ra những quyết tâm gì?

-Mới đây tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động, Thường trực Tỉnh uỷ đánh giá cao hoạt động của MTTQ trong vai trò chủ đạo thực hiện cuộc vận động, đồng thời có những chỉ đạo trong thời gian tới, cụ thể như: MTTQ cùng các tổ chức thành viên phối hợp tốt hơn, chặt chẽ hơn với ngành công thương và các ngành, các cấp trong tỉnh tiếp tục vận động người tiêu dùng trong tỉnh, nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam, coi việc sử dụng hàng Việt Nam là thể hiện lòng yêu nước, thể hiện nét đẹp văn hóa tiêu dùng của người Việt.

Các thành viên Ban Chỉ đạo cuộc vận động cần tăng cường phối hợp vận động các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong tỉnh nhận thức rõ trách nhiệm, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội có kế hoạch cụ thể ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công; kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.

UBND các cấp chỉ đạo các ngành liên quan tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp trong một số hoạt động như: Tổ chức điều tra khảo sát thị trường, điều tra thị hiếu, nhu cầu người tiêu dùng; tổ chức hội thảo, hội chợ triển lãm sản phẩm hàng hóa của Việt Nam; hỗ trợ đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu dân cư, siêu thị và chợ truyền thống…

Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, thuế; công bố thường xuyên, kịp thời các tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả sản phẩm, hàng hóa Việt sản xuất trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các loại sản phẩm, hàng hóa thiết yếu, liên quan trực tiếp đến đời sống người dân; giới thiệu tuyên truyền và minh bạch thông tin để người tiêu dùng nhận dạng hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhằm nâng cao trình độ để người tiêu dùng tự bảo vệ mình; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chất lượng, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, hàng gian, hàng giả, hàng nhái…

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng tới Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, nhiệm kỳ 2019-2024: Nhân lên niềm tin cho người tiêu dùng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO