Xây dựng nền kinh tế Việt Nam tự cường, tự lực

Tuệ PhươngẢnh: Quang Vinh 19/09/2019 17:42

Chiều ngày 19/9, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì trung tâm thảo luận số 2 với chủ đề “Vận động nhân dân thi đua lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước”.

Xây dựng nền kinh tế Việt Nam tự cường, tự lực

Hình ảnh tại trung tâm thảo luận số 2.

Tại tổ thảo luận,bà Triệu Thị Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Bà Triệu Thị Lệ Khánh cho biết, TP HCM là đô thị đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế của cả nước. Thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng là cơ hội để phát huy truyền thống yêu nước của người dân thành phố, tạo động lực để các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, giảm giá thành và tạo ra các sản phẩm có chất lượng.

Qua 10 năm triển khai CVĐ đã thực sự đem lại nhiều kết quả thiết thực, tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng hàng Việt ngày càng tăng cao, các trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng, các chợ bán sản phẩm hàng Việt ngày một nhiều. Trong đó, điểm nhấn của CVĐ chính là chương trình bình ổn thị trường được duy trì liên tục từ năm 2010 đến nay, trong đó ưu tiên tập trung đảm bảo nguồn cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ lễ, tết như thịt gia súc, gia cầm, rau, củ quả và sách, balo, đồng phục học sinh dịp khai trương.

Kết quả rõ nét 10 năm của CVĐ đã khẳng định khi một chủ trương đúng đắn được triển khai với một tinh thần trách nhiệm sẽ mang đến sự dồng thuận cao, hiệu quả thiết thực đối với sự phát triển kinh tế của thành phố.

GS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới cho rằng: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được doanh nghiệp Việt Nam làm tốt, chất lượng tốt, giá cả tốt nên không cần phải vận động bà con vẫn tin, vẫn nghe theo. Chúng ta vẫn nói chủ thể thực hiện CVĐ này là nhân dân nhưng nếu chỉ hiểu nhân dân là người lao động, công nhân, nông dân thì không có ý nghĩa cho nên nhân dân ở đây nên hiểu là doanh nghiệp. CVĐ này thực chất liên quan đến nhiều chủ thể, trong đó doanh nghiệp là một chủ thể quan trọng. Tuy nhiên, thực tế lại thấy rằng nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong đó có doanh nghiệp tư nhân lại đang đối đầu với nhiều thách thức như muốn xin đất để làm cơ sở kinh doanh khó khăn, vay vốn lãi suất cao….

Hiện Chính phủ đã có nhiều đổi thay trong chính sách và đã xem doanh nghiệp là chủ thể phát triển kinh tế, nền tảng của nền kinh tế nhưng chưa đủ. Do đó, thời gian tới, Đảng, Nhà nước, các cơ quan quản lý cần tiếp tục tạo cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lại cho rằng, để người Việt Nam dùng hàng Việt Nam phải được thực hiện 2 chiều.

Chiều thứ nhất là doanh nghiệp phải làm tốt vai trò của mình. Chúng ta đang xây dựng văn hóa người Việt Nam phải dùng hàng Việt Nam, nhiều hàng hóa đã gắn mác “Made in Việt Nam” nhưng mới chỉ thực hiện ở có một số ngành. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỷ trọng hàng Việt Nam xuất sang nước ngoài tăng lên, kể cả hàng ăn uống cho nên Mặt trận cần tiếp tục thực hiện phong trào thi đua để người dân tiếp tục hưởng ứng CVĐ này.

Xây dựng nền kinh tế Việt Nam tự cường, tự lực - 1

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Trương Thị Ngọc Ánh tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Mặc dù hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều bước đột phá đáng kể nhưng vẫn còn tồn tại nhiều nhược điểm và khiếm quyết. Đặc biệt, đối với những tập đoàn lớn của Nhà nước mà làm ăn thua lỗ chúng ta thà cắt bỏ chứ nhất định không nên cứu chữa mà thay vào đó phải tập trung tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế nhỏ và vừa.

Ở góc độ khác, theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, từ nhiều năm nay Hội nghề cá Việt Nam là một thành viên tích cực của Mặt trận nhưng ở cấp tỉnh, cấp địa phương cũng nên đưa các hội viên Nghề cá là thành viên của mình, trở thành lực lượng đóng góp cho Mặt trận. Đặc biệt, trong những năm gần đây ngư dân Việt Nam đã trở thành lực lượng được Đảng, Nhà nước quan tâm trong đó có bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngư dân là lực lượng quan trọng xua đuổi tàu lạ ra khỏi đặc quyền lãnh hải của Việt Nam. Vận động nhân dân thi đua lao động sáng tạo chính là vận động nhân dân yêu nước.

Trong vấn đề yêu nước người dân luôn tin tưởng vào đường lối của Đảng, Nhà nước cho nên vào năm 2014 ngư dân đã cùng lực lượng chấp pháp trên biển, được Chính phủ tin tưởng để tham gia bảo vệ an ninh quốc phòng. Đây là lực lượng hiện diện trên biển đông, hiển diện trên hàng nghìn km bờ biển, là những cột mốc sống, bảo vệ chủ quyền lãnh hải cũng như khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên biển đông.

Phát biểu tại trung tâm thảo luận số 2, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Trương Thị Ngọc Ánh tiếp thu các ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu. Những ý kiến đóng góp đều bám sát vào nôi dung của chương trình. Các ý kiến đều thống nhất và đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường hơn nữa hiệu quả vận động nhân dân, phát huy nội lực, sức sáng tạo, tích cực lao động sản xuất để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh.

Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn các nhiệm vụ của từng nội dung cụ thể; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để phối hợp với Ban Thường trực MTTQ Việt Nam để xây dựng tiêu chí nông thôn mới, đô thị văn minh. Đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tiếp tục nghiên cứu nội dung, đề ra nhiệm vụ cụ thể hơn để đáp ứng được sự tin tưởng của nhân dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam; tiếp tục đề xuất nội dung để phát huy tính gương mẫu của cán bộ Đảng viên trong việc ưu tiên dùng hàng hóa xuất xứ của doanh nghiệp Việt Nam cũng như tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động sáng tạo, nâng cao đời sống nhân dân góp phần giảm nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng nền kinh tế Việt Nam tự cường, tự lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO