Dại, khôn

NGUYỄN MINH HOA 28/05/2022 07:35

Sự khôn dại ở đời thường được nhắc đến mỗi ngày, sự khôn có khi không được nhắc đến nhiều bằng sự dại mà con người ta đã gặp phải. Dại, khôn có khi phân biệt được lại có khi không, trong con mắt nhìn nhận của mỗi người là khôn đấy mà cũng là dại đấy, dẫu cùng một sự việc. Đôi khi biết là dại mà không thể làm khác được, bởi lực bất tòng tâm, bởi những lý do đặc biệt, bởi cả trái tim không cho làm khác.

Dại có thể là thua thiệt đấy mà phải tự an ủi hoặc an ủi nhau “Khôn ngoan chẳng lại với giời”, dại là bài học rồi mới khôn ra.

Đời phải thế người ta mới trưởng thành, nên người.

Các cụ ta nói “Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”. Khôn ấy không phải tự đến, khôn được tích lũy cùng thời gian trải nghiệm, vốn sống mà có khi trở về già con người ta mới dám nói là biết chứ cũng chưa chắc dám nhận tỏ tường mọi lẽ khôn. Để xếp chồng lên vốn liếng này nhiều khi con người ta phải trả giá bằng những thất bại, mất mát, bầm dập, đắng cay. Khôn sau những bước thận trọng, nhọc nhằn, miệng tiếng sau những kiên quyết, kiếm tìm, lựa chọn, dấn thân.

Có thể những người trẻ ngựa non háu đá sẽ không thích sự khôn đã từng được trả giá này mà nghĩ nó lạc hậu. Lời khuyên không được chấp nhận, người già có thể phải thả, để con cháu vấp ngã rồi đứng dậy và tự khôn ra. Không thiếu ân hận muộn màng sau hành trình liên tiếp của những dại - khôn; khôn - dại.

Cũng các cụ ta nói “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Sàng khôn có được không dễ, là kết quả của hành trình, ứng xử, với người, với đời, với thiên nhiên tạo vật, có sự khắc nghiệt của số phận, nụ cười của may mắn.

Nhiều khi nghĩ rằng khôn mà hóa ra lại là dại, dại vì có kẻ khôn hơn. Dại là mình đã không nhìn ra nước ấy, nên thất bại. Biết đấy, để mà cất đi cho mình kinh nghiệm lần sau. Nhưng rồi cái dại vẫn đeo bám, muôn hình vạn trạng để người đời lại phải nói “Trên đời này chẳng cái dại nào giống cái dại nào”. Xem ra, dại ở đời luôn sẵn, sau mọi sự việc lớn nhỏ, người sâu sắc thường suy xét, ngẫm lại để biết mình khôn dại thế nào mà bước tiếp.

Người kiên trì không bỏ cuộc, người không đủ kiên nhẫn khuynh gia bại sản và không ít người trở thành kẻ bất đắc chí sau những lần dại. Người ngoài trông vào phải chép miệng mà rằng “Ai cũng phải gánh số, số không được hưởng thì khôn mấy rồi chỉ dại một đôi lần cũng hết sạch”. Nhưng rồi, người dại lại có khi may mắn, thế nên mới có câu “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”. Mà nói thế thôi ngàn vạn người may ra có một kẻ khù khờ hưởng lợi, khôn ngoan còn chẳng ăn ai nữa là. Thế nên người đời mới nói ai đó xảo quyệt là có khôn mà chẳng có ngoan nên thành ra thế.

Nói thế nào thì nói thôi, chứ dại thì phải chịu chứ hay ho gì. Người dại lệ thuộc, yếm thế, người dại bị khinh miệt đâu dễ chấp nhận: “Thà rằng làm lẽ thứ 10, còn hơn chính thất những người đần ngu”.

Không biết câu ca này có từ bao giờ, nhưng phải nói là cánh đàn bà con gái cũng quyết liệt, dám nói thẳng nói thật suy nghĩ của mình. Và cho đến tận bây giờ câu này vẫn đúng. Dễ gì người ta chấp nhận, chỉ để được tiếng là có tấm chồng cho bằng chị, bằng em.

Chưa hết, người khôn ngoan còn biết giá trị của mình, nói lên cho bõ tức hay nói lên thật to, truyền khẩu để những kẻ bước sau biết đường. hay hớm gì đám người dại, người ngu. Thật là mạnh mồm.

“Rồng vàng tắm nước ao tù, người khôn ở với người ngu bực mình”.

Ở đời nhiều lẽ khôn lường, có những khi chuyện dại không sờ sờ trước mặt mà phải tinh tế, tinh khôn mới nhận ra. Nói với người dại không dễ, có khi còn bị chửi lại rằng “Dạy đĩ vén váy”. Những dại khôn, những ngụ ý đan xen, lẩn khuất trong nhau. Tưởng là dại mà hóa ra khôn, khôn thế mới được việc hơn người. Hoặc là dại mà không biết mình dại, dương dương tự đắc rằng mình khôn, mình hay. Thế nên mới có câu này: “Người dại cởi truồng, người khôn giấu mặt”. (Có dị bản: “Người dại cởi truồng người khôn xấu mặt”).

Thô lỗ, tồng ngồng ra đấy mà tưởng hay, khôn đã không thế. Có khi, áo quần đắp điếm đẹp đấy, nhưng lại là câu nói, nói mà cứ như xé áo, xé váy ra để minh chứng, thì xem ra cả dại, cả khôn đều khó tin. Nhưng ở đời người ta theo nhau, nên vẫn phải nói dại đấy mà là khôn, khôn đấy mà là dại. Và câu: “Người khôn ăn nói nửa chừng, để cho người dại nửa mừng nửa lo”.

Hay: “Người khôn đón trước rào sau. Để cho kẻ dại biết đâu mà dò”.

Vẫn hữu dụng chứ đến mức không kiểm soát được suy nghĩ, hành động, không bình tâm suy xét, bị kích động lại thành: “Hết khôn dồn đến dại”.

Vẫn là chuyện dại khôn, cho đến bây giờ nhân gian cũng có khi không biết thế nào cho phải: “Thế gian còn dại chửa khôn. Sống mặc áo rách chết chôn áo lành”.

Nói thế thôi, chẳng cứ chuyện quần áo mà là chuyện chi dung, chi tiêu ở đời, ở ngay đời này, kiếp này hưởng thụ hay dành dụm thế nào cho phải. Để kiếp này vui và nếu có kiếp sau cũng chẳng phải ân hận.

Lại nói thêm về chuyện dại, thường thì dại để lại những hậu quả khôn lường, không cứ việc nọ dắt dây việc kia thành chuỗi, mà cái dại nhiều khi rất ngắn, tính chỉ khoảng canh giờ. Đó là câu “Khôn ba năm dại một giờ”. Nhà có con gái lớn, người lớn vẫn nói chuyện với con như thế. Có cô gái nhớ, cô mang máng, có cô ra đến hội làng là quên khuấy... Thế nên mới có người lỡ thì, ở vậy. Có hạt mưa sa may mà được người bên sông bao dung đón.

Người làng bên này bảo dại gì đổ vỏ, người làng bên ấy lại bảo: “Cá vào ao ta, ta được”… Ván đóng thuyền, có lẽ người phải hối tiếc mới là người dại, tiếng xấu cũng để đời, con mình mang họ nhà người, khôn ngoan chẳng lọ thật thà, nói dại khôn mà làm gì.

Chuyện nhà người, chuyện trong làng, trong tổng, biết để mà ngẫm hẳn không thừa. Tưởng rằng rồi đến chuyện nhà mình sẽ bớt dại. Chẳng ngờ. Đời không có ai cầm dùi đục đi hỏi vợ. Nhà có con gái thấy cậu chàng nhã nhặn, yêu con mình môn đăng hộ đối và quan trọng là con gái nhà mình yêu cậu chàng. Cả làng bảo đẹp đôi, đợi ngày nên duyên. Trầu cau cưới hỏi, xính lễ dềnh dang, mà cưới xong, mặn nồng không được mấy ngày mới thấy đúng là giao trứng cho ác. Nhà bên ấy coi con nhà mình phận tôi tớ, chồng lười biếng, mẹ chồng loại “cắn tiền vỡ tư”.

Nước mắt đàn bà con gái rơi, chẳng dám nói to lên rằng mình tủi nhục, chỉ dám nói mình đã dại, bước vào cửa không quý người. Cái câu “hồng nhan bạc phận” còn đeo bám người đời, khiến những dại khôn vô nghĩa cả.

Phận thế đành một nhẽ, không biết trụ được đến bao giờ. Ai dám chắc là không đứt gánh.

Nhẽ này cũng còn mệt.

“Bắc thang lên hỏi ông trời

Có tiền cho gái hỏi đòi được không?”.

Dẫu có thuộc làu đấy nhưng mấy người vập vào mà thoát được. Người đau cứ đau, người đay nghiến cứ đay nghiến. Sự đã rồi, người tiếc của có khi lại chẳng dám mở mồm. Đàn bà nhiều khi thêm việc, nặng gánh hay của nả đổ ra sông ra biển không xót bằng chồng có sự này. Giữ hay buông, khôn hay dại nhiều khi cũng chẳng biết để làm gì. Người ta nói, rồi mình cũng tặc lưỡi nói theo rằng đó là số phận.

Dại hay khôn ở đời nhiều khi cùng bước qua nước mắt.

Xin được lấy câu thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm thay cho lời kết:

“Khôn mà hiểm độc là khôn dại

Dại ấy hiền lành dại hóa khôn”…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dại, khôn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO