Đại lễ tưởng niệm 713 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn

Nhóm PV 05/12/2021 06:27

Sáng 4/12, tại Việt Nam Quốc tự (Quận 10, TP HCM), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM long trọng tổ chức Đại lễ tưởng niệm lần thứ 713 ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1/11 năm Mậu Thân - 1/11 năm Tân Sửu).

Quang lâm chứng minh buổi lễ có Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Quyền Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP HCM; Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; các chư tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tăng ni, phật tử tại TP HCM.

Tại buổi lễ, chư tôn đức thành kính dâng hương trước hương án, di ảnh Đức Phật hoàng, tưởng niệm, tri ân những công lao cao dày của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông đối với Đạo pháp và Dân tộc; cầu nguyện quốc thái dân an.

Đức vua Trần Nhân Tông, tên húy là Trần Khâm, sinh năm Mậu Ngọ 1258. Năm Mậu Dần 1278, khi vừa tròn 20 tuổi, Hoàng Thái tử Trần Khâm được vua Trần Thánh Tông truyền ngôi xưng Hoàng đế, hiệu là Hiếu Hoàng. Kế tục sự nghiệp của các Tiên đế nhà Trần, Đức vua Trần Nhân Tông đã thi hành nhiều chính sách khoan hòa, thân dân, lấy đức mà trị vì Đại Việt, chăm lo cho dân chúng, xây dựng quốc gia hòa bình, thịnh trị.

Năm 1293, Đức vua Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông để lên làm Thái Thượng Hoàng. Năm 1299, Ngài rời kinh đô, chọn núi Yên Tử (nay thuộc Uông Bí, Quảng Ninh) dựng chùa, giảng pháp, độ tăng. Người thống nhất ba dòng thiền Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường thành lập dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử với tư tưởng nhập thế “Cư trần lạc đạo”, “Hòa quang đồng trần”. Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử là dòng thiền mang bản sắc riêng của Đại Việt, được gìn giữ và lưu truyền qua các thời đại, các thế hệ Phật giáo Việt Nam mà ngày nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chủ thể kế thừa tinh hoa nhập thế đồng hành cùng dân tộc.

Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị hoàng đế anh minh. Ngài là nhà văn hóa lớn, nhà tư tưởng lớn, đồng thời là nhà tu hành giác ngộ đã để lại hệ thống tư tưởng đặc sắc về Phật giáo. Người sáng lập Phật giáo Trúc Lâm và dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, được các thế hệ sau tôn xưng là Vua Phật Việt Nam.

Cùng ngày, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) tổ chức lễ tưởng niệm 713 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn và khánh thành am, chùa Ngọa Vân. Sự kiện được tổ chức để tưởng nhớ, tri ân công lao và sự nghiệp vĩ đại của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, đồng thời nâng cao nhận thức cho nhân dân về những giá trị cần bảo tồn tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần ở Đông Triều, Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, nghi lễ dâng hương tưởng niệm và cầu quốc thái dân an cũng được diễn ra trong không khí trang nghiêm và thành kính. Buổi lễ kết thúc bằng hoạt động cắt băng khánh thành am, chùa Ngọa Vân sau thời gian được trùng tu, tôn tạo. Lễ cắt băng khánh thành am, chùa Ngọa Vân đánh dấu cột mốc hoàn thiện của công trình, góp phần quảng bá hình ảnh Ngọa Vân cùng các di tích quần thể nhà Trần ở Đông Triều, tạo điểm đến tâm linh cho tăng ni, phật tử và du khách thập phương.

Lễ tưởng niệm 713 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn và khánh thành am, chùa Ngọa Vân cũng góp phần quảng bá văn hoá, hình ảnh con người Quảng Ninh tới du khách thập phương.

Sự kiện đồng thời cho thấy nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh nói chung và thị xã Đông Triều nói riêng trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, vừa tổ chức các hoạt động văn hoá, xã hội duy trì bản sắc dân tộc, vừa đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại lễ tưởng niệm 713 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO