Đại tướng Văn Tiến Dũng: Vị tướng thực hành chiến lược xuất sắc

Phùng Văn Khai 13/01/2021 09:00

Trong câu chuyện giữa Trung tướng Khuất Duy Tiến với tôi, ông nhiều lần nhắc tới Đại tướng Văn Tiến Dũng, một trong những tướng lĩnh xuất sắc nhất của quân đội ta, vị tướng được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương phân công làm Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh - Chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng gặp lại nhau sau giải phóng Sài Gòn, ngày 5/5/1975.

Nói đến Đại tướng Văn Tiến Dũng, Trung tướng Khuất Duy Tiến sôi nổi hẳn. Ông như ngược trở về cái thời còn là Trưởng phòng Tác chiến mặt trận Tây Nguyên cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh xây dựng phương án báo cáo Đại tướng kế hoạch đánh đòn điểm huyệt Buôn Mê Thuột. Đại tướng với tầm nhìn chiến lược sâu sắc nhưng luôn thận trọng, tỉ mỉ, chắc thắng chính là người đã phê duyệt kế hoạch tiến công Buôn Mê Thuột làm rung chuyển Tây Nguyên. Những vị tướng trận xuất sắc đã nhanh chóng gặp nhau trong từng suy nghĩ, hành động để đất nước sớm có ngày toàn thắng.

Trung tướng Khuất Duy Tiến nói nhiều tới tầm vóc và công lao của Đại tướng Văn Tiến Dũng khi ông làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Đại đoàn 320 chiến đấu ở 12 tỉnh đồng bắc Bắc bộ trong kháng chiến chống Pháp, cầm chân, vu hồi, đánh liên hoàn khắp các tỉnh thành Bắc bộ để đại quân của ta có đủ thời gian và lực lượng đánh thắng địch ở Điện Biên Phủ. Đại tướng Văn Tiến Dũng không những có vai trò trong những chiến lược lớn, tầm nhìn sâu sắc mà còn là người tổ chức thực hành xuất sắc các chiến lược mà Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đề ra. Chiến đấu với giặc Pháp ở 12 tỉnh đồng bằng Bắc bộ trong điều kiện vô cùng khó khăn là cuộc chiến đấu trong vòng vây, cuộc đấu trí với các tướng lĩnh hàng đầu của Pháp. Đại đoàn 320 dưới sự chỉ huy của Tư lệnh kiêm Chính ủy Văn Tiến Dũng đã đảm đương hướng chiến lược ở đồng bằng, thực hiện thắng lợi chỉ thị của Hồ Chủ tịch về đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị luôn phải được tiến hành đồng thời mới dẫn đến thắng lợi. Đại đoàn 320 đã cùng với nhân dân 12 tỉnh đồng bằng Bắc bộ đánh bại chiến lược “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của thực dân Pháp, khiến chúng lâm vào thế bí, mở rộng không gian chiến trường, căng địch ra trên chiến tuyến rộng lớn để chúng không thể tiếp vận tốt nhất cho Điện Biên Phủ dẫn đến bại vong. Chính các tướng thất trận của Pháp sau này luôn đánh giá cao sự hoạt động hiệu quả của Đại đoàn 320 nơi đồng bằng, một trong những nguyên nhân làm sụp đổ sự thống trị của Pháp ở Việt Nam và Đông Dương.

Trung tướng Khuất Duy Tiến thời gian đó là lính chiến đấu trong đội hình Đại đội 737 - Tiểu đoàn 884 thuộc Trung đoàn 48 - Đại đoàn 320 đánh địch ở các vùng Thái Bình, Phủ Lý, Ninh Bình, Phát Diệm… phá hủy các trục lộ, phong tỏa giao thông đường bộ, đường sông để phân tán, xé nhỏ tiềm lực của địch. Trong trận chiến đấu tiêu diệt cứ điểm Chùa Ông, Khuất Duy Tiến bị thương vẫn tiếp tục chỉ huy bộ đội chiến đấu rất dũng cảm. Chính tấm gương người Đại đoàn trưởng Văn Tiến Dũng luôn khích lệ tinh thần quả cảm của người chiến sĩ trong mỗi trận đánh. Đại đoàn trưởng Văn Tiến Dũng là nỗi khiếp sợ của địch nhưng cũng là niềm tin sâu sắc với mỗi người chiến sĩ của ta. Sau này, Khuất Duy Tiến gắn bó mật thiết với Đại đoàn 320 - sau đổi thành Sư đoàn 320. Ông làm Tham mưu trưởng Trung đoàn 64, tiếp đó được bổ nhiệm cương vị Trung đoàn trưởng tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào với những trận đánh then chốt nổi tiếng. Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, Khuất Duy Tiến được bổ nhiệm Tham mưu trưởng, tiếp đó là Sư đoàn trưởng sư đoàn 320.

Là thế hệ kế tiếp đội ngũ lãnh đạo chỉ huy Sư đoàn 320 - Đại đoàn Đồng Bằng nổi danh từ thời Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh là một vinh dự đặc biệt với Khuất Duy Tiến. Biết bao xương máu của những người con đồng bằng đã đổ xuống khắp các chiến trường Bắc - Trung - Nam và nước bạn Campuchia. Là người trực tiếp chỉ huy bộ đội ở chiến trường, ngay trong từng chiến hào, từng trận đánh, hơn ai hết Khuất Duy Tiến càng thấm thía và hiểu sâu sắc rằng, việc giảm thiểu hi sinh, giảm thiểu máu xương cho bộ đội là điều đầu tiên mà người chỉ huy, vị tướng trận phải tính toán kỹ lưỡng. Chính ông học được điều này từ Đại tướng Văn Tiến Dũng. Khi Đại tướng Văn Tiến Dũng vào Tây Nguyên thông qua kế hoạch chiến dịch Tây Nguyên trong đó có trận đánh then chốt Buôn Mê Thuột, vị tướng vốn xuất thân là một nhà sư đã luôn cân nhắc rất kỹ lưỡng đánh thắng làm sao để tiết kiệm máu xương bộ đội nhất.

Đại tướng Văn Tiến Dũng là bậc thầy về bắt mạch chiến trường. Ông là người tổ chức thực hành chiến lược xuất sắc của quân đội ta. Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào và Thành cổ Quảng Trị, Văn Tiến Dũng đã cùng với các tướng lĩnh đấu trí, đấu lực với binh tướng nhà nghề Mỹ và những đơn vị thiện chiến nhất của ngụy quyền Sài Gòn và đã giành chiến thắng xuất sắc. Nắm bắt địch không chỉ đơn thuần ở quân số, trang bị kỹ thuật, bom đạn vật chất mà còn nắm chắc, biết trước tư tưởng địch, suy nghĩ của địch và điều động chúng theo chiến lược của ta. Đại tướng Văn Tiến Dũng là một trong những vị tướng chiến lược xuất sắc đã tham gia tổ chức chỉ đạo đánh thắng đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn trong một trận chiến kéo dài 30 năm. 30 năm ấy, biết bao người ra trận đã không trở về. Nếu Đảng ta, quân đội ta không có những vị tướng xuất sắc như Văn Tiến Dũng thì máu xương của bộ đội và nhân dân còn đổ xuống nhiều hơn nữa và cục diện cuộc chiến chắc chắn sẽ kéo dài.

Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong khoảng thời gian đất nước gặp vô cùng nhiều khó khăn gian khổ. Biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc hai đầu thọ địch. Nhân dân ta, những người dân vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh tưởng được yên hàn lại phải gồng mình đối diện với chiến tranh một lần nữa. Là vị tướng dày dạn chiến trường, Văn Tiến Dũng hiểu được tình thế hiểm nghèo của đất nước, hiểu nỗi lòng của những người lính vừa bước ra đã lập tức phải bước vào bom đạn. Khi đó, tháng 3 năm 1978, Khuất Duy Tiến vừa mới nhập học được 3 tháng, Tư lệnh Quân đoàn 3 Kim Tuấn từ biên giới Campuchia tìm thẳng xuống Học viện Quốc phòng rưng rưng nói với Khuất Duy Tiến: - Tiến ơi! Sư đoàn 320 sau khi cậu đi mới gần 2 tháng trời mà thương vong gần 2000 người. Tôi đã báo cáo Quân ủy, điều cậu về làm Sư trưởng, ý cậu thế nào? Khuất Duy Tiến sững người trước thương vong của đồng đội lập tức chấp hành mệnh lệnh ngược vào biên giới Campuchia đảm đương cương vị Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 cùng đồng đội đánh giặc. Với mỗi người chiến sĩ thường luôn coi mệnh lệnh của cấp trên, máu xương đồng đội là ý nghĩa sống còn của chính mình. Sau thời điểm đó, theo mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương, toàn bộ Quân đoàn 3 thần tốc di chuyển ra Bắc lên tuyến biên giới đánh giặc. Khuất Duy Tiến thời điểm này giữ cương vị Tham mưu trưởng Quân đoàn và tiếp đó, năm 1983 được bổ nhiệm Tư lệnh Quân đoàn 3 đánh địch trên tuyến đầu biên giới phía Bắc. Dù ở thời điểm nào và cương vị gì, Khuất Duy Tiến luôn tìm thấy sự chia sẻ, động viên, chỉ đạo hết sức sâu sắc của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Đời các vị tướng trận chưa một phút được thảnh thơi. Gia đình người lính vốn luôn phải chịu hi sinh, chia cắt, có gia đình mười người con có đến bảy tám người là liệt sĩ. Lá cờ đỏ sao vàng luôn in sắc máu bộ đội, nhân dân.

Đối với Trung tướng Khuất Duy Tiến, Đại tướng Văn Tiến Dũng như một người thầy, người anh lớn. Văn Tiến Dũng chính là một trong những học trò xuất sắc nhất của Hồ Chủ tịch. Kiên cường nhưng dung dị. Sâu sắc mà điềm đạm lạ thường. Hẳn không có chiến tranh, chắc chắn những người như ông sẽ là những bậc trí giả, nhà khoa học nổi tiếng. Năm tháng thời gian trôi qua, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã trở về thế giới của người hiền thì vẫn vẹn nguyên trong đó tấm lòng son với dân, với nước.

Nói về nguyên nhân làm nên những chiến thắng của quân đội ta trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Trung tướng Khuất Duy Tiến cho rằng, điều căn bản nhất là tinh thần chiến đấu dũng cảm, không ngại gian khổ, khó khăn, ý chí quyết chiến quyết thắng của các chiến sĩ bộ đội. Bên cạnh đó còn là nghệ thuật quân sự sáng tạo, linh hoạt của các cấp chỉ huy với cách bày trận sáng tạo, biết phân tích thế trận giữa ta và địch... Đó là sự kế thừa truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông ta, là sự sáng tạo của Quân đội nhân dân Việt Nam dưới ánh sáng soi đường của Đảng, Bác Hồ, giúp quân đội làm nên những chiến thắng vẻ vang, tô thắm thêm lịch sử hào hùng của dân tộc và mãi là niềm tự hào của các thế hệ đời sau.

Được chiến đấu dưới lá cờ vinh quang của Đảng, được chiến đấu trong đoàn quân Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng có những vị chỉ huy xuất sắc như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Khuất Duy Tiến cảm nhận thật rõ niềm tự hào, sự hữu ích của một đời làm trai thời chiến. Đại tướng Văn Tiến Dũng mãi mãi ở vị trí trang trọng nhất trong trái tim ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đại tướng Văn Tiến Dũng: Vị tướng thực hành chiến lược xuất sắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO