Đắk Lắk là tỉnh biên giới có địa bàn rộng, dân cư đông đúc với 49 dân tộc cùng chung sống. Nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số cư dân còn lạc hậu, chưa nhiều người có cách tiêu dùng thông minh… là nơi nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và buôn lậu diễn biến phức tạp. Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Đắk Lắk đã quyết liệt đẩy mạnh các biện pháp chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.
Không để hình thành điểm nóng về hàng giả
Với địa bàn rộng, nạn buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp, trong khi đó đội ngũ cán bộ, nhân viên QLTT phải tinh giảm, công tác quản lý thị trường càng đặt lên vai lực lượng mang màu áo xanh dương ở Đắk Lắk nhiều nhiệm vụ nặng nề hơn.
Đắk Lắk xác định, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định và vận động các cơ sở kinh doanh, trung tâm thương mại, các chợ, siêu thị… ký cam kết không vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý thị trường là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu.
Ông Mai Mạnh Toàn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, tính từ đầu năm 2021 đến nay, Cục QLTT Đắk Lắk đã tuyên truyền, ký cam kết với gần 900 cơ sở kinh doanh. Đồng thời tiến hành kiểm tra, kiểm soát 395 vụ, xử phạt 192 vụ việc vi phạm, tổng số tiền sau xử phạt hơn 2 tỷ 800 triệu đồng.
Mục tiêu của toàn tỉnh Đắk Lắk phấn đấu trong năm 2022 là 100% các siêu thị, trung tâm thương mại không kinh doanh, bày bán công khai hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng hóa xâm phạm quyền; 80% các cơ sở kinh doanh tại các khu vực, tuyến phố du lịch trên địa bàn tỉnh không bày bán công khai hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền; 60% cơ sở kinh doanh được tuyên truyền vận động, phổ biến pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc…
Theo đánh giá của Cục QLTT Đắk Lắk, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và quyết liệt kiểm tra, xử lý nên hiện nay tình hình vi phạm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát. Nhận thức của các tổ chức, cá nhân kinh doanh về hàng giả cũng có nhiều chuyển biến. Nhiều hộ đã ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng hóa vi phạm.
Quyết liệt phòng chống vi phạm thương mại điện tử
Đắk Lắk thực hiện “đi tắt, đón đầu”, chủ động thành lập lực lượng chuyên trách phối hợp đấu tranh và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử. Từ tháng 11 năm 2020, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã chủ động thành lập Tổ công tác Thương mại điện tử - Truyền thông (gọi tắt là Tổ công tác 1169) gồm 10 thành viên - là những công chức trẻ, nhiệt huyết, nhạy bén và có sự am hiểu nhất định về lĩnh vực thương mại điện tử.
Sau gần 1 năm rưỡi hoạt động với nhiều nỗ lực và sáng tạo, Tổ công tác 1169 đã thu được nhiều kết quả tích cực trong đấu tranh với các vi phạm pháp luật về thương mại trong tình hình mới. Tính đến đầu năm 2022, thông qua việc khai thác thông tin trên các nền tảng thương mại điện tử, Tổ đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk kiểm tra 62 cơ sở, xử lý 60 vụ vi phạm với tổng số tiền thu được qua xử lý hơn 800 triệu đồng; hàng hóa tịch thu, buộc tiêu hủy gồm: 720 thiết bị điện, 720 sản phẩm quần áo và 2.743 sản phẩm mỹ phẩm các loại…
Vụ việc nổi bật, vào đầu tháng 6 năm 2021, Tổ công tác 1169 Đắk Lắk phối hợp với Đội Quản lý thị trường địa bàn kiểm tra địa điểm kinh doanh tại địa chỉ 81 Đỗ Nhuận, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột. Qua kiểm tra, Tổ công tác phát hiện chủ cơ sở này đang kinh doanh hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm (kem dưỡng da, sữa tắm, tinh dầu, thuốc nhuộm tóc, dầu gội đầu, son môi…). Tất cả những sản phẩm này đều là hàng trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ được chủ cơ sở nhập về bán kiếm lời trên các nền tảng thương mại điện tử… với doanh thu mỗi tháng lên đến hàng trăm triệu đồng. Tổ công tác thu thập được dữ liệu liên quan đến doanh số bán hàng trên các sàn thương mại điện tử của chủ cơ sở, từ đó phối hợp với cơ quan Thuế xử lý chủ cơ sở với hành vi không đăng ký, kê khai nộp thuế. Từ kết quả này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ cơ sở là ông Nguyễn Viết Lãm với tổng số tiền hơn 205 triệu đồng…
Mới đây, qua thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, Tổ công tác 1169 Đắk Lắk xác định chủ tài khoản Facebook có địa chỉ kinh doanh tại thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk của bà Đặng Hồng Lan Anh có dấu hiệu vi phạm. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện bà Đặng Hồng Lan Anh đang thực hiện livestream bán hàng trăm loại sản phẩm là thực phẩm đóng gói sẵn như muối chấm, bánh kẹo, hạt bí, hạt dưa, rong biển… không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, phát hiện cơ sở đang kinh doanh hơn 1.000 bộ quần áo các loại không ghi đủ nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa. Đoàn kiểm tra đã thiết lập hồ sơ và xử lý vụ việc theo đúng quy định pháp luật.
Những chiến công lặng thầm
Những người trồng vải, trồng dưa hấu ở Đắk Lắk vẫn còn nhớ mãi vụ thu hoạch mới đây, sản phẩm được mùa nhưng có nguy cơ không tiêu thụ được. Chính quyền, các cơ quan chức năng và nhiều tổ chức xã hội ở Đắk Lắk đã vào cuộc rốt ráo giúp bà con nông dân, nhờ vậy, hàng nghìn tấn hang hóa như dưa hấu, vải thiều của nông dân đã được tiêu thụ. Trong đó, sự sát cánh đồng hành nổi bật nhất là lực lượng khoác áo màu xanh dương đã giúp bà con trồng vải tiêu thụ gần 140 tấn sản phẩm vào tháng 7/2021. Ngoài ra, cán bộ, nhân viên quản lý thị trường đã kịp thời có mặt tại những điểm nóng nông sản, kiểm soát thị trường, chống phá giá, dầu cơ, kết nối sản phẩm với thị trường, giúp bà con tiêu thụ đảm bảo thu nhập.
Trong cao điểm dịch bệnh Covid-19 năm 2021, cùng với chính quyền và các cơ quan chức năng, lực lượng quản lý thị trường Đắk Lắk đã xung kích trên mặt trận kép: vừa kiểm soát thị trường, vừa tham gia tích cực phòng chống dịch bệnh, tiên phong hiến máu cứu người. Như tháng 7/2021, Cục QLTT Đắk Lắk đã phối hợp trao tặng vật tư y tế, nhu yếu phẩm cho Bệnh viện lao phổi Đắk Lắk; tháng 9/2021, trao tặng vật tư, nhu yếu phẩm cho Bộ đội biên phòng Đắk Lắk… Đây là sự đóng góp của cán bộ, nhân viên QLTT nhằm giúp tuyến đầu thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.
Mới đây, trong dịp chào mừng sinh nhật Bác Hồ và tiến tới kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống lực lượng quản lý thị trường, Cục QLTT Đắk Lắk đã phối hợp với Bộ đội biên phòng tỉnh trồng 1.000 cây xanh tại 2 huyện biên giới Ea Súp và Buôn Đôn…
Những thành quả trên lĩnh vực kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, hang kém chất lượng… cùng những chiến công lặng thầm của lực lượng QLTT Đắk Lắk trên nhiều lĩnh vực đã ngày càng tô đẹp thêm hình ảnh lực lượng khoác áo màu xanh dương trong lòng đồng bào các dân tộc Đắk Lắk.