Đắk Nông du ký

TỪ KHÔI 27/03/2022 15:18

Quầng sáng đỉnh đồi phía tượng đài N’Trang Lơng dần hiện rõ. Gia Nghĩa thức dậy rồi. Cuối tháng 3 thời tiết chuyển từ mùa khô sang mùa mưa nên có chút sương mờ. Trời se se lạnh. Không khí cao nguyên khoáng đạt, nhịp thở căng tràn. Tinh thần khoan khoái làm con người ta thấy khỏe hơn, bắt đầu cho ngày làm việc mới…

Tượng đài Anh hùng N'Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên.

Thành phố trẻ

May mắn cho tôi tháng 3 này được đến Đắk Nông trong đoàn nhà văn tham dự trại sáng tác về hình tượng người chiến sĩ cảnh sát do PX03 - Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam và Công an tỉnh Đắk Nông tổ chức. Đến với vùng đất mới, khác với thường ngày sinh sống, làm việc khiến cho tôi và một số anh chị em thật nhiều cảm xúc.

Gia Nghĩa khi mới thành lập tỉnh Đắk Nông (1/1/2004) chỉ là một thị trấn. Năm sau, thị trấn vụt trở thành thị xã. Đến ngày 1/1/2020, Gia Nghĩa được công nhận lên thành phố trực thuộc tỉnh. Như vậy, Gia Nghĩa là thành phố trẻ nhất Việt Nam hiện nay.

TP Gia Nghĩa thời điểm này như chàng trai M’nông mới trưởng thành. Thành phố ôm trọn hàng trăm ngọn đồi lớn nhỏ khác nhau chạy dài theo Quốc lộ 14. Có những tuyến phố chính chạy dài 4-5km dọc theo thành phố như Tôn Đức Thắng, Hai Bà Trưng. Nhiều tuyến đường, phố mới được mở chưa kịp làm đường, đặt tên và cũng chưa có người đến xây dựng nhà cửa. Những con đường đất đỏ bazan tung bụi khi xe đi qua.

Đến Gia Nghĩa, nếu bạn hỏi về tên phố thì chưa chắc người dân đã chỉ được. Nhưng nếu hỏi về nơi gần công trình hay cơ quan nào thì người dân sẽ chỉ được. Ví như hồ con vịt, hồ sơn mã, UBND tỉnh, Công an tỉnh, khối các sở ngành, tòa án, viện kiểm sát…

Gia Nghĩa có điểm lợi thế hơn nhiều thành phố là nhiều hồ. Hồ đẹp lắm. Vì vậy mới có tên Đắk Nông. Theo giải thích của mấy chiến sĩ dẫn chúng tôi đi thì Đắk có nghĩa là đầu, còn Nông có nghĩa là Nước. Những quả đồi đất đỏ bazan màu mỡ nếu chỉ cần đắp ngăn lại một phần thì thung lũng nhỏ phía dưới sẽ tạo thành một hồ nước lớn. Với hàng chục hồ nước lớn nhỏ trong thành phố, cảnh quan sẽ đẹp vô cùng nếu được quy hoạch tốt.

Nhưng hồ nước lớn nhất và đẹp nhất trong một trung tâm hành chính phải kể đến Đắk Mil tại thị trấn Đắk Mil. Hồ nước rộng với chu vi hơn 10 km trong một không gian tương đối bằng phẳng, đồi thấp. Hồ được người Pháp xây dựng thêm nên còn có tên gọi là Hồ Tây. Hồ thoáng rộng với bán đảo rộng hơn 120 ha. Đây là lá phổi của thị trấn Đắk Mil.

Vì có nhiều hồ rộng, nên các quán café ở Gia Nghĩa hay thu hút người dân địa phương và du khách đến nhâm nhi và thưởng ngoạn.

Thác Dray Sap.

Tượng đài N’Trang Lơng

Đến Gia Nghĩa, bạn nên đến thăm tượng đài anh hùng N’trang Lơng. Công trình này kéo dài nhiều năm giờ mới hoàn thành giai đoạn 1. Tháng 8/2010, UBND tỉnh Đắk Nông đã thành lập Ban Vận động xây dựng tượng đài Anh hùng N'Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên.

Ngay từ đầu, không gian để xây dựng tượng đài đã được chọn tại đồi Đắk Nur, phường Nghĩa Đức. Đây là ngọn đồi cao 653 m so với mặt nước biển, nằm trong quần thể các công trình văn hóa với diện tích 5,9 ha. Ngày 25/7/2012, nhân kỷ niệm 100 năm phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng (1912-2012), lễ đặt đá xây dựng tượng đài đã được diễn ra.

Tượng đài Anh hùng N'Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên cao hơn 18 m, sừng sững bằng đá trên đỉnh đồi cao, là một tác phẩm điêu khắc đẹp. Khuôn mặt vuông vức, môi dày, hàm lớn, mắt sáng. Vóc dáng vị anh hùng khỏe khoắn, mặc trang phục M’nông, tay phải cầm rìu, tay trái cầm tẩu thuốc, lưng đeo nỏ. Bệ tượng là những mảnh khối phù điêu thể hiện cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, các lễ hội ăn trâu, trồng trọt, săn bắn giàu truyền thống văn hóa. Bên cạnh đó là mảng phù điêu thể hiện sự vùng lên của người M’nông và các dân tộc chống lại sự cai trị hà khắc của người Pháp…

Anh hùng N’Trang Lơng (1870-1935) là người M’nông, một dân tộc chính của vùng đất cao nguyên M’nông này. Ông sinh ra tại làng Bu par, dưới chân núi Drônh, thuộc khu vực suối Đăk Nha phía tây bắc cao nguyên M’nông, lớn lên ông cư trú và là tù trưởng của làng Bu N’Trang, nay thuộc địa bàn xã Đắk R’tíh, huyện Tuy Đức.

Cuộc khởi nghĩa của N’Trang Lơng bắt đầu từ năm 1890 ngay khi quân Pháp lên cao nguyên. Căn cứ địa kháng chiến được xây dựng tại thung lũng rừng già Bu Siết giáp ranh với Bu N’Drung thượng nguồn suối Bu Ksô thuộc núi Nâm Nung. Năm 1935, cuộc khởi nghĩa thất bại khi N’Trang Lơng bị bắt và sát hại.

Tượng đài Anh hùng N'Trang Lơng nhìn ra hồ nước rộng. dưới chân đồi đang xây dựng đường giao thông quanh hồ nước và những khu dân cư mới.

Phía Đông của thành phố trẻ sẽ được phát triển bởi những quy hoạch mới. Như thế thành phố sẽ cân đối hơn trong trục giao thông của Quốc lộ 14.

Tiềm năng du lịch

Đắk Nông được thiên nhiên ban tặng những cảnh đẹp như mơ. Thế nhưng cảnh đẹp ấy vẫn như nàng thiếu nữ Ê Đê, M’nông, ngủ trong rừng. Để đến được những cảnh đẹp đó của Đắk Nông, du khách ở xa phải bay đến Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), sân bay Liên Khương (Đà Lạt, Lâm Đồng), sân bay Pleiku (Gia Lai) sau đó đi ô tô về Đắk Nông. Di chuyển ít nhất gần 3 giờ đồng hồ mới đến TP Gia Nghĩa (nếu du khách đến sân bay Buôn Ma Thuột).

Đoàn nhà văn chúng tôi đến tham quan thác Dray Sap, nằm trên dòng sông Sêrêpôk thuộc địa phận xã Đăk Sôr, huyện Krông Nô. Người dân địa phương nói đây là thác Chồng. Còn thác Vợ là thác Dray Nur thì ở Đăk Lăk. Từ khi chia tách tỉnh, thác Chồng thác Vợ chia đôi và do hai tỉnh quản lý. Ngoài ra trên dòng Sêrêpôk còn có thác Gia Long - mang tên vị vua đầu triều Nguyễn.

Sở dĩ có cảnh đẹp ba thác nước là do hai con sông Krông Ana (sông cái) và sông Krông Nô (sông đực) tạo thành sông Sêrêpôk huyền thoại.

Thác Dray Sap còn gọi là thác khói. Thác có hai dòng riêng biệt gần nhau. Dòng nước dội xuống mạnh tạo thành màn khói mà có tên như vậy. Bên bờ thác, có những gềnh đá được du khách ngồi thưởng ngoạn và chụp ảnh rất đẹp. Tuy nhiên ngành du lịch mới chỉ xây dựng được một bên bờ thác để ngắm cảnh.

Phong cảnh hồ Tà Đùng.

Đăk Nông - Đầu Nước, nên không thể kể tới hồ. Hồ Tà Đùng mới là hồ to lớn rộng mênh mông trên vùng đất núi lửa cao nguyên. Hồ Tà Đùng nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng thuộc hai xã Đắk Plao và xã Đắk Som huyện Đăk G’Long. Diện tích hồ rộng ước chừng 5.000 ha với hơn 40 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau.

Vì vậy, hồ Tà Đùng được ví như Hạ Long của Tây Nguyên. Hồ Tà Đùng là nơi cư trú của nhiều loài sinh vật đặc biệt và rất quý hiếm. Tiếc rằng, hồ rộng lớn như vậy nhưng thuyền du lịch vẫn do người dân tự phát hoạt động, chưa có một doanh nghiệp đủ pháp nhân để đăng ký đảm bảo an toàn. Sau vụ việc lật thuyền vừa xảy ra ở Cửa Đại (Quảng Nam), chính quyền địa phương huyện Đăk G’Long đã chỉ đạo cấp xã quản lý tốt, hạn chế du lịch trên thuyền.

Những người kinh doanh du lịch ở Tà Đùng đa số không phải là người của địa phương mà lại là nơi khác đến như của TPHCM hoặc Hà Nội. Giá cả cho thuê nhà nghỉ ở thác Dray Sap hay hồ Tà Đùng đều rẻ, thấp nhất từ 350 ngàn/phòng/ngày cho cả gia đình.

Tiềm năng giao thương

Đăk Nông có đường biên giới với nước bạn Campuchia với độ dài khoảng 121 km. Tính đến nay, hai nước đã tiến hành đo đạc, phân giới được 117 km. Những km cuối cùng đang được tiếp tục đàm phán, thống nhất để cắm mốc. Hai tỉnh Đắk Nông và Mundulkiri của Campuchia đã xây dựng hoàn thành tám vị trí với 16 mốc chính (từ mốc 48 đến mốc 55).

Đoàn nhà văn chúng tôi được Công an huyện Tuy Đức dẫn đi thăm cột mốc số 55. Tuy đường biên dài, nhưng quan hệ giao thương giữa Đắk Nông với tỉnh Mundulkiri chủ yếu vẫn là buôn bán hàng nông sản.

Một thoáng đến với Đắk Nông, ngoài trải nghiệm vùng đất trù phú với những trái xoài ngọt, hạt tiêu, cà phê, đoàn chúng tôi còn thấy thích thú với món rau bép, đọt may, cà đắng nấu ruột heo của đồng bào nơi đây…

Chia tay Đắk Nông, dư âm về vùng đất trù phú, thoáng đãng, cảnh quan đẹp, con người hiền hậu có lẽ sẽ khiến nhiều người mong muốn sớm được trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đắk Nông du ký

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO