An toàn hồ, đập vùng cao

M.Thảo (tổng hợp) 06/08/2019 08:00

Mùa mưa bão, ở các tỉnh miền núi, cùng với việc phòng chống sạt lở đất, đề phòng lũ… bảo đảm đời sống người dân, thì việc giữ gìn tốt các công trình hồ, đập thuỷ điện, thủy lợi là rất quan trọng. Vào thời điểm này, do lượng mưa lớn nên nước dồn về các hồ, đập tăng đột biến. Việc gia cố hồ, đập cũng như kế hoạch xả nước cần hết sức chú ý.

An toàn hồ, đập vùng cao

Đập thủy điện Sông Tranh 2.

Cả nước hiện có đến gần 7.000 hồ chứa lớn, nhỏ với tổng dung tích khoảng 63 tỷ m3. Những hồ, đập như vậy đều được xây dựng ở vùng cao vì thế nên tính an toàn càng phải là ưu tiên số 1, không để hồ đập bị vỡ vì lượng nước trút xuống vùng thấp sẽ rất lớn, nguy cơ gây hậu quả là không thể lường trước.

Cũng cần nhắc lại, chúng ta từng chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng do hồ, đập thiếu an toàn. Từ tháng 10/2012 đến 6/2013 đã có 3 vụ vỡ đập thủy điện nhỏ ở 3 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Đó là thủy điện Đăk Krông 3 (Quảng Trị), Đăk Mêk 3 (Kon Tum) và Ia Krel 2 (Gia Lai). Năm 2016, đã xảy ra sự cố đường hầm dẫn dòng thi công tại đập thủy điện Sông Bung 2… Những sự cố như vậy đều gây ra hậu quả rất đáng tiếc, không chỉ thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn tác hại xấu đến đời sông, sản xuất của người dân.

Nhìn chung, hệ thống hồ, đập thủy điện và thủy lợi ở nước ta được xây dựng chắc chắn, thường xuyên được kiểm tra, kiểm soát, gia cố. Theo Tiến sĩ Nguyễn Lan Châu- nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, thì Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong quản lý an toàn hồ đập. Hiện nay, hệ thống quy định, tiêu chuẩn về thiết kế, xây dựng, vận hành và quản lý an toàn hồ, đập ở Việt Nam khá đầy đủ. “Chúng ta có quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ và quy trình thông báo, cảnh báo toàn diện, thậm chí còn yêu cầu ghi âm đàm thoại giữa chủ đập và Ủy ban nhân dân địa phương”- Tiến sĩ Nguyễn Lan Châu cho biết.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với hệ thống hồ đập công suất lớn chúng ta quản lý, kiểm soát rất tốt, nhưng với những hồ đập nhỏ thì vẫn còn đó nhiều lo lắng. Điều lo lắng đó đến từ chủ các hồ đập trong quá trình xây dựng không bảo đảm chất lượng. Trong quá trình vận hành lại thiếu kiểm tra, giám sát, không đầu tư gia cố thường xuyên. Từ đó đẫn đến hiện tượng thấm, nứt… Nhiều hồ đập trong số này thời gian sử dụng đã lâu, sức chống chọi yếu dần. Thêm nữa, trong điều kiện biến đổi khí hậu, mưa lũ lớn bất thường, cực đoan như hiện nay cũng dẫn đến nhiều khả năng không đảm bảo chống lũ, cho dù thực hiện đúng theo thiết kế.

Nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại hệ thống hồ đập thủy điện nhỏ do doanh nghiệp tư nhân thực hiện. Việc phê duyệt các công trình thủy điện dưới 30MW thuộc thẩm quyền của tỉnh, bản thân các cán bộ thẩm định dự án cũng thiếu chuyên môn nên việc cấp phép còn dễ dãi. Theo Tiến sĩ Nguyễn Lan Châu, chính vì sự dễ dãi đó mà nhiều khi trên một suối nhỏ mà có 5,6 thủy điện. Tiến sĩ Châu cũng bày tỏ sự lo ngại khi chủ các công trình thủy điện nhỏ trong quá trình vận hành nhắm quá nhiều đến thu lợi nhuận mà bỏ quên rằng các thủy điện ngoài chức năng phát điện, còn phải điều tiết lũ. Một số các thủy điện nhỏ lại tích nước đầy trước mùa lũ nên khi lũ tràn về, sợ vỡ cửa đập, tràn nước qua nhà máy gây nguy hiểm, phải xả ồ ạt thay vì xả từ từ.

Tại khu vực miền Trung có mật độ thủy điện dày đặc. Riêng Quảng Nam, có đến 42 dự án thủy điện, tác động đến cuộc sống của hàng trăm nghìn dân ở hạ du.

Với tỉnh Quảng Nam, do địa hình độ dốc lớn, nhiều sông suối, khu vực miền núi của tỉnh này có tiềm năng rất lớn về thủy điện. Trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, có không dưới 40 dự án thủy điện đã được triển khai. Điều đó đem lại mối lợi lớn tuy nhiên cũng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những năm gần đây, Quảng Nam đã nhiều lần rà soát lại các thủy điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, xin phép giảm các dự án thủy điện lại và không phát triển thêm. Có khoảng 10 thủy điện bị loại khỏi quy hoạch vài năm gần đây.

An toàn hồ, đập vùng cao - 1

Thủy điện A Vương xả nước.

Theo lãnh đạo các địa phương trong khu vực, việc phát triển dày đặc các nhà máy thủy điện trong thời gian ngắn đã bộc lộ thiếu tính bền vững. Miền Trung địa hình dốc núi cao, muốn ngăn được hồ chứa có dung tích lớn thì phải xây đập cao. Tuy rằng các dự án này không có hồ chứa hoặc dung tích chứa nước không lớn, nhưng nếu có sự cố thì hậu quả cũng khó lường trước. Chính vì vậy, việc siết chặt quản lý, vận hành nghiêm ngặt các hồ đập phải là nhiệm vụ hàng đầu đặt ra đối với các nhà máy thủy điện, không chỉ với những nhà máy ở khu vực miền Trung.

Được biết, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên có tới 3.551 hồ chứa thủy lợi, chiếm 53,4% tỉnh, thành có hồ trên cả nước. Các địa phương có nhiều hồ chứa nhất cả nước đều nằm ở khu vực này, trong đó tỉnh Thanh Hóa có 610 hồ, Nghệ An 629 hồ, Đắc Lắc 543 hồ... Đây cũng là khu vực có 388 hồ chứa lớn (chiếm 55% cả nước), trong đó có 16 hồ chứa trên 100 triệu m3 (chiếm 73%) của cả nước. Cũng chính vì thế mà việc an toàn hồ đập ở khu vực này lại càng trở nên cấp thiết.

Tại Hội nghị phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung - Tây Nguyên tổ chức tại thành phố Đà Nẵng (cuối tháng 7/2018), ông Lê Văn Dương- Phó Vụ trưởng Vụ An toàn đập (Tổng cục Thủy lợi) đã lưu ý cần có đủ kinh phí sửa chữa nâng cấp hệ thống hồ đập; đặc biệt cần xây dựng mạng lưới khí tượng thủy văn chuyên dùng trên khu vực các hồ chứa lớn, lắp đặt hệ thống giám sát vận hành hồ chứa. Các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, nơi các con sông dốc, ngắn, thời gian lũ lên nhanh thì việc xây dựng mạng lưới các trạm quan trắc phục vụ dự báo vận hành hồ theo thời gian thực là rất cấp bách. Cùng với đó, cần đẩy mạnh đào tạo năng lực quản lý, vận hành cho cán bộ, công nhân quản lý hồ chứa; tăng cường tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về an toàn đập, nâng cao nhận thức, khả năng ứng phó của người dân...

Đó cũng là những điều rất cần thiết khi mùa mưa bão đã đến gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    An toàn hồ, đập vùng cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO