Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa

Nguyễn Quang Tính 03/12/2019 07:00

Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 65/SL về bảo tồn cổ vật, di tích. Nội dung Sắc lệnh phản ánh những tư tưởng, quan điểm cơ bản, sâu sắc đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, khẳng định việc bảo tồn cổ tích “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”.

Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa

Cồng chiêng - linh hồn của đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ.

Với ý nghĩa đó, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23/11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam” nhằm động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Di sản văn hóa Việt Nam bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, là tài sản vô cùng quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong suốt bề dày lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc.

Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá đã được các địa phương rất quan tâm. Nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được bảo vệ và phát huy giá trị, nhiều di tích đã trở thành điểm tham quan thường xuyên của du khách, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh của từng địa phương. Di sản văn hóa Việt Nam đã thực sự khẳng định được vị trí, vai trò trong đời sống xã hội, có sức lan tỏa mạnh mẽ nhưng đồng thời cũng đang đối mặt với những thách thức to lớn, những tác động trực tiếp từ thiên nhiên, môi trường và con người. Chính vì thế, ngày 29/6/2001, Quốc hội khóa X đã ban hành Luật Di sản Văn hóa nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền và toàn dân trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Luật Di sản nêu rõ: Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ: Tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Thông báo kịp thời địa điểm phát hiện di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do mình tìm được cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất; Ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi phá hoại, chiếm đoạt, sử dụng trái phép di sản văn hóa.

Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa - 1

Xòe Thái Tây Bắc.

Tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản (năm 2009), đáng chú ý Điều 29 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (sau đây gọi chung là di tích) được xếp hạng như sau:

1. Di tích cấp tỉnh là di tích có giá trị tiêu biểu của địa phương, bao gồm:

a) Công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử quan trọng của địa phương hoặc gắn với nhân vật có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của địa phương trong các thời kỳ lịch sử;

b) Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị trong phạm vi địa phương;

c) Địa điểm khảo cổ có giá trị trong phạm vi địa phương;

d) Cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị trong phạm vi địa phương.

2. Di tích quốc gia là di tích có giá trị tiêu biểu của quốc gia, bao gồm:

a) Công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử quan trọng của dân tộc hoặc gắn với anh hùng dân tộc, danh nhân, nhà hoạt động chính trị, văn hóa, nghệ thuật, khoa học nổi tiếng có ảnh hưởng quan trọng đối với tiến trình lịch sử của dân tộc;

b) Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị tiêu biểu trong các giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật Việt Nam ;

c) Địa điểm khảo cổ có giá trị nổi bật đánh dấu các giai đoạn phát triển của văn hóa khảo cổ;

d) Cảnh quan thiên nhiên đẹp hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc, nghệ thuật hoặc khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù.

3. Di tích quốc gia đặc biệt là di tích có giá trị đặc biệt tiêu biểu của quốc gia, bao gồm:

a) Công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện đánh dấu bước chuyển biến đặc biệt quan trọng của lịch sử dân tộc hoặc gắn với anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu có ảnh hưởng to lớn đối với tiến trình lịch sử của dân tộc;

b) Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị đặc biệt đánh dấu các giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật Việt Nam ;

c) Địa điểm khảo cổ có giá trị nổi bật đánh dấu các giai đoạn phát triển văn hóa khảo cổ quan trọng của Việt Nam và thế giới;

d) Cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị đặc biệt của quốc gia hoặc khu vực thiên nhiên có giá trị về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc thù nổi tiếng của Việt Nam và thế giới”.

Trong những ngày này, kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, ngày 23/11, xin một lần nữa được nhắc lại những điểm then chốt để chúng ta cùng nhau gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản tổ tiên để lại. Nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc đều có tinh hoa riêng, bản sắc riêng cần phải được gìn giữ. Trong quá trình phát triển và hội nhập, những giá trị văn hóa ngàn đời đó đứng trước nhiều sức ép, nhiều thách thức vì vậy càng cần phải được cộng đồng chung tay gìn giữ. Không chỉ là với những di sản văn hóa đã được công nhận, mà còn là cả những tập tục đẹp trong cuộc sống hàng ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO