Cúc Phương

Miên Thảo (Giới thiệu) 23/08/2016 19:10

Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương nằm trong một thung lũng lớn dài 25km, là ranh giới 3 tỉnh Hoà Bình, Thanh Hoá và Ninh Bình. Cúc Phương là rừng 5 tầng, tầng cao nhất tới 60 mét. Cúc Phương là VQG độc đáo, đây là nơi có hệ sinh thái cũng như những dấu vết người xưa độc nhất vô nhị.

Một con đường rợp bóng cây trong VQG Cúc Phương.

Đỉnh Mây Bạc cao 650m so với mực nước biển là nơi có thể quan sát đầy đủ rộng dài của VQG Cúc Phương. Từ đây phóng tầm mắt ra xa, bao quát bốn bề, Cúc Phương hiện ra thật lộng lẫy và bí ẩn. Xa xa, kinh đô cổ Hoa Lư gợi nhớ đến Đinh Tiên Hoàng đế và thật đẹp khi “vịnh Hạ Long trên cạn” hiện ra trước mắt trong một màn sương huyền ảo. Cũng ít có nơi nào lại có nền khí hậu đẹp như VQG Cúc Phương, khi mà nhiệt độ luôn ở khoảng 23 độ C với lượng mưa hàng năm 1.800mm.

Nơi đây trong quá khứ là tiểu vùng địa lý hiểm trở, người xưa đã chọn làm nơi dừng chân, ẩn náu. Cũng không ai có thể hình dung được cảnh sinh hoạt của người xưa trong hang động, trong rừng xanh núi đỏ, người ngày nay chỉ biết rằng với những dấu vết còn lại chứng tỏ đã có một thời gian dài con người đã định canh định cư ở đây.

Cây sấu cổ thụ khó xác định niên đại.

VQG Cúc Phương có hệ thực vật vô cùng phong phú với gần 2.000 loài thực vật, trong đó có quá nhiều loài cây quý: từ cây lấy gỗ, cây làm thuốc, cây cảnh..., trong đó không thể không nói tới những loài cây to khổng lồ còn sót lại cho đến ngày nay như chò xanh, chò chỉ, sấu cổ thụ… Đó là những loài cây bản địa, nhưng cũng thật ngạc nhiên khi ở đây còn xuất hiện một số loài cây có nguồn gốc từ Ấn Độ, Myanmar, Malaysia... Ai đã mang chúng tới đây và bằng cách nào chúng đã làm quen được với thổ nhưỡng xa lạ để tồn tại và phát triển? Đó là những câu hỏi khó có được sự trả lời thuyết phục.

Trong một lần tới VQG Cúc Phương, chúng tôi được giới thiệu về loài Kim giao- từng dùng làm đũa tiến Vua bởi nó có thể “phát hiện” chất độc trong thức ăn. Kim giao có ở nhiều vùng, nhưng loài cây này ở VQG Cúc Phương có nhiều khác biệt, nếu không được giới thiệu hẳn không mấy người biết đó là Kim giao. Lạ nỗi, Kim giao ở Cúc Phương khi đem đi nơi khác trồng thì rất mau tàn lụi và cũng không giữ được tính chất đặc biệt của mình.

Hang Con Moong.

Về động vật, VQG Cúc Phương có 1.800 loài, trong đó đặc biệt có 64 có xương sống, 137 loài chim, 33 loài bò sát, 17 loài lưỡng cư, cùng đó là nhiều loài chưa được phát hiện, ghi nhận. Ở đây, giới sinh vật học không khỏi ngạc nhiên khi thấy nhiều loài đặc hữu như sóc bụng đỏ, voọc quần đùi trắng, nhất là bướm Kê Ly-ma không nơi nào có.

Cùng với cây cỏ, chim muông, thú hoang..., VQG Cúc Phương còn nổi bật là hệ thống hang động, như động Người xưa, động Trăng khuyết, hang Con Moong, nơi cách đây gần 15.000 người Việt cổ đã định cư.

Động Người xưa được nhiều nhà khảo cổ học cho rằng, đó là nơi cư trú đồng thời là mộ táng của người tiền sử. Động có chiều dài hơn 100m, 3 ngăn, với cửa quay về hướng Tây Nam. Ngăn ngoài cùng rộng, sáng và thoáng, nơi có dấu tích của người tiền sử. cách đây 50 năm, cùng với sự giúp đỡ của chuyên gia Đức, giới khảo cổ học Việt Nam mới khai quật hang động này. Cùng với các loại rìu đá, mũi nhọn xương, dao cắt bằng đá, vỏ ốc và nhiều xương thú, răng thú... giới khoa học đã vô cùng kinh ngạc khi thấy 3 ngôi mộ cổ với các bộ xương người đã hoá thạch còn khá nguyên vẹn. Đó là những bộ xương có tuổi đời hơn 7.500 năm. Thi hài người chết được chôn trong tư thế nằm co, xung quanh kè đá hộc, đáy lót đá dăm, có rắc thổ hoàng. Sau này, có tới 19 loài dơi kéo về đây sinh sống, càng làm cho động người xưa trở nên kỳ bí.

Ngũ sắc - loài chim đẹp của Cúc Phương.

Còn hang Con Moong lại nằm gần sông suối, khu vực có hệ động vật, thực vật phong phú, đa dạng. Vì thế, giới nghiên cứu sau này cho rằng đây là nơi cư trú (không có mộ táng) của người xưa. Hang Con Moong rộng và dài, 2 cửa thông nhau. Theo tiếng địa phương, “Con Moong” có nghĩa là “hang con thú”, như vậy rất có thể ở đây trên 15.000 năm trước, người Việt cổ đã thuần dưỡng được muông thú, thành gia súc, gia cầm.

Tới VQG Cúc Phương cũng không thể không kinh ngạc trước những cây cổ thụ khó xác định niên đại. Ví dụ như cây sấu cổ thụ cao tới 45m với bộ rễ nổi hết sức đặc biệt. Trên cây sấu cổ thụ, có nhiều chùm phong lan, những loài cây tầm gửi, tổ diều, tổ của những loài chim và cũng là nơi sinh sống của những loài thú chuyền cành...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cúc Phương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO