Đặc sắc vòng Xòe

Vi Kiến Trung 13/05/2020 08:00

Trong kho tàng văn hóa vô giá của đồng bào Thái, thì Xòe là điệu múa dân gian có sức sống mãnh liệt, mang tính cộng đồng rất cao. Theo thời gian, Xòe không mai một mà ngày càng phát triển. Từ những nhóm Xòe nhỏ, ít người, chỉ trong phạm vi bản làng; thì nay có những cuộc Xòe thu hút cả vài trăm người, “nối vòng tay lớn”. Và vòng tay cộng đồng cứ mở rộng thêm mãi.

Đồng bào Thái ở Sơn La có điều hát: Không Xòe cây lúa không thành bông/Không Xòe cây ngô không ra bắp/Không Xòe trai gái không thành đôi... Điều đó cho thấy Xòe chính là “món ăn tinh thần” không thể thiếu của bà con. Xòe mang đậm bản sắc dân tộc nhưng cũng là tiếng nói của những người dân trong lao động, sản xuất. Cũng không chỉ đồng bào Thái mới có Xòe, mà nhìn chung tại nhiều địa phương vùng Tây Bắc, Việt Bắc, nhiều nơi cũng có Xòe.

Đặc sắc vòng Xòe

Vũ điệu Xòe khăn.

Những điệu Xòe tiêu biểu

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, có thể có những thể điệu Xòe tiêu biểu như sau:

1. Nắm tay xòe vòng: Đây là điệu Xòe cổ nhất, đơn giản trong bước vũ, số người không hạn chế, tạo vòng tròn quanh đống lửa. Vòng xòe không phân biệt giới tính, độ tuổi, dân tộc, cao thấp... thể hiện tính cộng đồng cao. Vào vòng Xòe, mọi người cầm tay nhau vung lên phía trước, hạ về phía sau; Thế chân: Tiến lùi theo nhịp 2/4, chân phải bước lên một bước rồi lùi lại một bước. Chân trái hơi nhún sau đó bước lên một bước lùi lại một bước, chân phải hơi nhún và dịch chuyển theo vòng ngược kim đồng hồ (bên phải), hết vòng dịch chuyển theo chiều kim đồng hồ (bên trái).

Điệu xòe này đơn giản, dễ tham gia và không có hồi kết. Mệt thì nghỉ, khỏe lại tham gia, có thể múa thâu đêm suốt sáng.

2. Xòe vòng tròn vỗ tay: Xòe vỗ tay cũng không hạn chế số lượng người tham gia. Điệu Xòe này thế chân rộn ràng theo nhịp 2/4 và nhịp vỗ tay. Vỗ xong xòe hai cánh tay ra hai phía, từng đôi một nhìn nhau vừa múa vừa tiến theo vòng chiều kim đồng hồ hết vòng đảo ngược lại. Về động tác chân: Điệu Xòe này cũng lần lượt đưa chân phải, trái như điệu xòe vòng; nhưng chân đưa cao hơn và thẳng về phía trước (cao không quá đầu gối).

3. Xòe múa nón: Thường do từ 8 đến 12 người nữ thể hiện; chia làm hai hàng dọc sau đó biến đổi thành hai hàng ngang rồi vòng tròn... Mỗi người dùng hai chiếc nón còn mới không quai, múa theo các động tác: che đầu, quạt mát, che mặt, cuối cùng là khoe nón (ngửa nón ra quay lưng lại với nhau dịch chuyển theo vòng tròn). Nón ở đây thể hiện công dụng trong cuộc sống hàng ngày như che nắng che mưa, quạt mát, thay rổ rá khi hái rau, hái nấm, che mặt khi e thẹn, làm duyên...

4. Xòe khăn: Khăn là một tấm vải màu, thường rộng 30 cm, dài 1,8 m quàng qua cổ, hai đầu buông xuống trước ngực. Hai tay cầm lấy hai đầu khăn (cách đầu khăn khoảng 30 cm) rồi múa theo các động tác. Thế tay: Cầm hai đầu khăn vung lên hạ xuống, sang phải, sang trái, đưa lên đầu, qua vai, cầm hai đầu khăn căng ra. Thế chân: Nhún nhảy theo nhịp tay múa, chân bước thấp nhịp nhàng, uyển chuyển.

5. Múa chá- hay còn gọi là “hái hoa xuân”: Cũng là một điệu Xòe, người tham gia sẽ đi vòng quanh cây hoa. Chân theo nhịp tay đưa khăn mà nhún, đưa chéo chân vừa bước đi về phía trước đều nhau. Chân phải bước trước, chân trái bước sau ngược chiều với tay khăn. Những người không có khăn cũng có thể tham gia và theo điệu múa của người cầm khăn mà đưa tay, vung tay bước chân cho đều.

Múa chá (Xòe chá) thường chỉ tổ chức trong mùa xuân, khi trăm hoa đua nở, nhà nhà tươi vui.

Đặc sắc vòng Xòe - 1

Hình ảnh đẹp trong điệu Xòe quạt.

Sức sống mãnh liệt của Xòe Thái

Xòe Thái là kết quả sáng tạo nghệ thuật xuất phát từ đời sống lao động của các dân tộc vùng núi cao Tây Bắc. Đây là một hình thức múa dân gian, mang tính gắn kết cộng đồng. Theo thời gian, từ chỗ xòe Thái ra đời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần, giao tiếp, kết nối cộng đồng… thì đến nay qua sự sàng lọc, sáng tạo nên Xòe đã nâng lên thành nghệ thuật; là nguồn cảm hứng cho nhiều biên đạo múa sáng tác.

Xòe không chỉ là vũ điệu dân gian mà còn là âm nhạc với âm thanh của khèn, tính tẩu, chiêng, trống, mõ… âm thanh rất rộn ràng. Xòe không dành riêng cho nữ, mà có cả nam tham gia. Tuy nhiên, nữ giới trong các vòng Xòe là rất nổi bật. Những người phụ nữ tóc búi cao lộ ngấn cổ trắng ngần, dải khăn đỏ dài quàng vai, uyển chuyển trong áo cóm váy nhung, xà tích bạc buông bên hông, đã tạo nên những hình ảnh rất đẹp, rất quyến rũ. Vì thế, có thể nói Xòe là một hình thức văn nghệ dân gian tổng hợp. Nó không chỉ là Xòe vòng, Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp… mà chính là một hình thức văn nghệ dân gian hết sức độc đáo.

Một trong những giá trị cộng đồng nổi bật của Xòe chính là vòng Xòe có thể mở rộng thêm mãi (theo hình tròn) nếu như có thêm người tham gia. Xòe cũng không biệt tuổi tác, nam nữ. Một em bé, một cụ bà… cũng có thể vào vòng Xòe một cách vui tươi.

Xòe Thái đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2014. Kể từ đó, Xòe lại càng lan tỏa. Đặc biệt, trong lĩnh vực du lịch ở vùng núi cao phía Bắc, Xòe luôn góp mặt và được đón nhận một cách nhiệt tình. Không chỉ có các đội Xòe được địa phương thành lập , những năm qua Xòe còn được tích hợp, lồng ghép trong các hoạt động của nhà trường. Điều đó càng là điều kiện để Xòe bám rễ sâu vào cuộc sống, ngày càng phát triển, thăng hoa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đặc sắc vòng Xòe

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO