Độc đáo tranh của đồng bào Dao

Bàn Văn Vinh 30/03/2020 08:00

Bất cứ ai một lần được xem tranh của đồng bào Dao sẽ đều có ấn tượng rất mạnh. Đặc biệt là những bức tranh trong nghi lễ thờ cúng. Trong tranh của đồng bào Dao, nổi bật nhất và phổ biến là bộ tranh Tam Tượng và bộ Đại Đường Quân.

Hai bộ tranh này nhiều dòng họ có, bởi vì không có thì không thể tiến hành các lễ cúng. Tranh theo lối tả thực, các vị thần có vẻ mặt khác nhau nhưng đều rất oai nghiêm, quyền lực.

Độc đáo tranh của đồng bào Dao

1. Theo các cụ cao tuổi ở xã Thổ Bình (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) trước hết tranh của đồng bào thể hiện quan niệm của con người vũ trụ. Trong đó, thần tiên chính là thế lực vô cùng quan trọng bảo trợ cho cuộc sống của con người. Có 3 vị thần cai quản ở 3 nơi là Ngọc Thanh (thần cai quản trên trời), Thượng Thanh (thần cai quản trần gian), Thái Thanh (thần cai quản âm phủ). Trong 3 vị thần linh này thì Ngọc Thanh có vị trí cao hơn cả.

Trong trí tưởng tượng của người xưa, các vị thần dù trên trời, dưới đất hay ở chốn nhân gian thì cũng đều là những vị thần uy nghiêm song cũng rất gắn bó với con người, kể cả khi sống hay khi đã qua đời. Nét vẽ trong tranh khá đơn giản, đơn giản đến độ tiết chế không thể đơn giản hơn. Thực chất, muốn có được sự đơn giản đó phải đạt đến chuẩn mực, chuẩn xác của tư duy và một trình độ kỹ thuật cao. Nhưng, thật độc đáo khi đường nét của tranh giản lược bao nhiêu thì màu sắc lại càng rực rỡ bấy nhiêu, với các màu xanh, đỏ, tím, vàng, đen, trắng cùng “bung nở” trên một bức tranh, không khác nào một bó hoa thiên nhiên đầy màu sắc.

Tuy nhiên, trong từng thể loại cụ thể thì màu sắc của mỗi bức cũng thiên về một màu chủ đạo. Ví dụ, trang phục của nhân vật trong bộ tranh “Ngọc Thanh”- thần cai quản trên trời là màu xanh da trời, màu xanh lá cây, màu trắng. Trong tranh “Thượng Thanh”- thần cai quản trần gian thì chủ đạo là màu xanh lá cây, xanh da trời, nâu sẫm. Còn trong tranh “Thái Thanh”- thần cai quản âm phủ thì chủ yếu là màu đỏ, đen, vàng, nâu.

Một điểm rất đáng chú ý nữa là tranh thờ của đồng bào Dao rất coi trọng đến chất liệu giấy; cùng đó phải là màu bền và vẽ đẹp. Đồng bào cũng kiêng thờ cúng tranh cũ, cho nên có thể nói theo thời gian số lượng tranh rất nhiều. Thông thường, loại tranh này được vẽ trước Tết Nguyên đán vài tháng. Khi cúng xong, bà con gói tranh rất kỹ treo lên xà nhà tránh ẩm mốc, hư hỏng.

Về ý nghĩa tín ngưỡng dân gian, theo các cụ cao niên xã Tân Thành (huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) thì người Dao cho rằng các vị thần linh luôn nhìn thấu mọi việc của con người và sẵn sàng phạt người nào làm việc ác. Như bức Tứ đại Nguyên Soái Tam Thanh, nhìn vào bao giờ cũng có cảm giác quyền uy, thông tuệ, có khả năng đẩy lùi những ý nghĩ xấu xa, ngăn người ta không làm điều ác, điều xấu. Cũng chính vì thế, tranh thờ của đồng bào Dao chứa đựng giá trị giáo dục tính nhân văn cho con người rất cao.

Độc đáo tranh của đồng bào Dao - 1

2. Người Dao ở Tuyên Quang có 9 ngành: Dao Đại Bản, Dao Tiền, Thanh Y, Quần Trắng, Lô Gang, Coóc Mùn, Quần Chẹt, Áo Dài và Dao Đỏ. Bà con vẫn giữ gìn được nhiều nét đẹp truyền thống về phong tục tập quán, văn hóa, trong đó có hệ thống tranh thờ.

Theo các cụ ở thôn Khuôn Đào (xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang), bà con quan niệm, trên trời có vị thần nào và làm gì thì ở dưới trần gian có tất cả những vị thần ấy và việc như thế. Chính từ quan niệm đó mà người ta không dám làm điều xấu, mọi hành động đều hướng tới chân - thiện - mỹ. Cùng với hệ thống tranh thờ các vị thần trên trời, dưới đất, âm phủ thì còn có bộ tranh “Tứ đại Nguyên soái” về 4 vị thần: Thần Sấm, Thần Mưa, Thần Gió và Thần Mây. Theo bà con, với một dân tộc rất trọng đạo lý như dân tộc Dao thì những bức tranh ấy không chỉ là tín ngưỡng, mà còn là niềm tin. Thông điệp trên những bức tranh ấy rất rõ ràng và có tính giáo dục cao. Người Dao cho rằng, các vị thần linh luôn nhìn thấu mọi việc của con người và sẵn sàng phạt người nào làm việc ác, việc giả dối...

Cũng cần biết rằng, theo phong tục, tranh thờ của đồng bào Dao không phải ai xem vào lúc nào cũng được, mà phải vào đúng ngày hành lễ, người ta làm lễ báo cáo xin phép tổ tiên mới được mở ra. Còn thì vào những ngày Tết, các dòng họ lại đem tranh thờ ra để con cháu đến học lễ nghi phép tắc.

Tới nay, số những nghệ nhân vẽ đẹp dòng tranh này cũng đã ít dần; tuy nhiên đồng bào Dao vẫn rất trân trọng giá trị di sản truyền thống. Ở nhiều thôn bản, tục treo tranh thờ và tranh ngày Tết vẫn được lưu giữ.

Thời gian qua, nhiều họa sĩ đương đại trong nước; kể cả họa sĩ, nhà sưu tập mỹ thuật nước ngoài khi đến Việt Nam- thì cũng đều đánh giá rất cao tranh dân gian của đồng bào Dao. Nhiều ý kiến của giới chuyên môn còn cho rằng, là tranh dân gian “nhưng yếu tố hiện đại” trong tranh thờ của đồng bào Dao cũng lại rất rõ rệt. Đó là điều rất đặc biệt so với nhiều dòng tranh dân gian khác. Một điểm đáng chú ý nữa là những nghệ nhân sau này còn đưa những yếu tố sinh hoạt đương đại vào tranh, tạo nên một dòng chảy không đứt đoạn giữa quá khứ và hiện tại của dòng tranh này.

Cùng với tranh thờ, mặt nạ gỗ là vật gắn liền với đời sống tâm linh, tín ngưỡng, thể hiện sức mạnh huyền bí, có thể xua đuổi được tà ma ác xấu, đem lại sự bình yên cho mọi nhà của đồng bào Dao. Mặt nạ gỗ của bà con được làm từ gỗ cây sung hoặc cây thố bởi loại gỗ này mềm nên dễ tạo hình và nhẹ, không làm người sử dụng bị vướng và mỏi khi đeo lên mặt trong thời gian dài. Người ta khoét rỗng bên trong mỏng khoảng 1 cm để úp vào mặt rồi mới đục mắt mũi, miệng và dán râu lên. Người chế tác sử dụng kỹ thuật đục, đẽo, làm bóng gỗ… tạo cho chiếc mặt nạ có khuôn mặt giống một vị thần theo quan niệm dân gian. Mặt nạ thường được dùng trong các nghi lễ cấp sắc của người Dao. Mặt nạ còn là đạo cụ để múa nhảy trong lễ hội.

(Kỳ sau: Độc đáo điêu khắc gỗ của người Cơ Tu)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc đáo tranh của đồng bào Dao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO