Đổi thay ở vùng đồng bào Khmer Nam Bộ

Trung Kiên 19/05/2016 11:55

Đồng bào Khmer Nam Bộ có khoảng 1,3 triệu người, chiếm gần 8% dân số toàn vùng. Tuy đời sống vẫn còn khó khăn nhưng ý thức vươn lên của đồng bào đã làm thay đổi rõ nét quê hương.

Đổi thay ở vùng đồng bào Khmer Nam Bộ

Anh Sơn Thái Nghĩa lúc nào cũng chí thú làm ăn, hăng say lao động.

Nghị lực vươn lên làm giàu

Được cha mẹ để lại 2,5ha đất lúa, sau nhiều năm canh tác anh Sơn Thái Nghĩa ngụ ấp Phônô Camphôth, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên tỉnh Sóc Trăng quyết định chỉ sản xuất những giống lúa đặc sản. Anh cho biết, nhờ được tham gia các lớp tập huấn, IPM giúp nâng cao kiến thức sản xuất giống đặc sản. “Hiện nay tôi đang làm giống VĐ20 và có hợp đồng với công ty. Năng suất trung bình khi làm giống này khoảng 8 tấn/ha. Với diện tích của gia đình mỗi năm làm hai vụ lúa thì tôi có thể thu lợi nhuận hơn 200 triệu đồng”- anh Nghĩa chia sẻ.

Ngoài trồng lúa, gia đình anh còn nuôi 8 con bò sữa, trong đó có 7 con đang cho sữa. Mỗi ngày trung bình cho lợi nhuận khoảng 700.000 đồng. Theo anh Nghĩa, mỗi năm một con bò sữa có thể cho sữa khoảng 7 tháng, sau khi trừ chi phí thì mỗi năm anh thu lãi khoảng 150 triệu đồng từ bò sữa.

Không chỉ mạnh dạn đứng ra làm ăn phát triển kinh tế, anh Nghĩa còn vận động bà con xung quanh cùng sản xuất trong câu lạc bộ sản xuất lúa đặc sản. Đến nay, câu lạc bộ này đang hoạt động khá tốt với diện tích gần 100ha với 45 thành viên, chuyên sản xuất hai giống lúa đặc sản là RVT và VĐ20 và có hợp động với các công ty bao tiêu sản phẩm.

Vợ chồng ông Thạch Tư ở xã Phú Cần huyện Tiểu Cần, Trà Vinh, được cha mẹ cho 1ha đất trồng lúa, nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm nên làm ăn kém hiệu quả. Từ khi tham gia vào hội nông dân ấp Đại Trường và tham dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi trồng trọt do ngành chuyên môn tổ chức, ông Thạch Tư áp dụng vào sản xuất, từ đó hiệu quả trông thấy, gia đình ông Thạch Tư đã mua thêm được 1,1ha đất để sản xuất.

Với tổng diện tích 2,1ha đất hiện có, ông Thạch Tư trồng lúa 1,5 ha, còn lại 0,6 ha lên liếp trồng dừa. Hiện nay ngoài hai nguồn thu nhập từ lúa và dừa, gia đình ông còn chăn nuôi thêm 4 con bò nái, 5 heo nái, có tổng mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Gia đình ông Thạch Tư cũng đã xây dựng được căn nhà khá khang trang với đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt. Hiện nay gia đình ông Thạch Tư thuộc diện hộ khá, giàu ở ấp Đại Trường, nhiều năm liền ông được bình chọn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Đặc biệt trong năm 2015, ông Thạch Tư được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

Điều đáng ghi nhận nữa ở người nông dân Khmer thật thà chất phác này là ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình mình, ông Thạch Tư còn quan tâm tới nhiều hoạt động địa phương, sẵn sàng chia sẻ quyền lợi cùng với địa phương, cụ thể gia đình ông đã hiến gần 700m2 đất để mở rộng tuyến đường giao thông để đạt chuẩn nông thôn mới. Quan tâm tới các dịp lễ, Tết của đồng bào dân tộc Khmer, gia đình ông Thạch Tư còn tổ chức tặng quà cho bà con nghèo trong ấp, với tổng trị giá các phần quà hàng trăm triệu đồng.

Đổi thay ở vùng đồng bào Khmer Nam Bộ - 1

Mô hình trồng màu của anh Lâm Hoàng Chanh.

Thực hiện nhiều chính sách thiết thực

Những năm qua, thông qua các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc Khmer luôn được các cấp chính quyền và các ngành chức năng vùng Tây Nam Bộ quan tâm triển khai, thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Nhờ đó, đã góp phần làm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần ngày càng đổi thay đi lên. Trong đó, có các chính sách hỗ trợ đồng bào Khmer tiếp cận với các dịch vụ xã hội như về giáo dục - đào tạo, y tế, nhà ở, nước sạch và các dịch vụ pháp lý.

Về giáo dục - đào tạo, thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh là con hộ Khmer nghèo theo Chương trình 135 giai đoạn 2, đến nay đã có gần 76.300 học sinh được hỗ trợ; chính sách cử tuyển học sinh Khmer vào các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trung cấp theo Nghị định 134/2006 của Chính Phủ từ năm 2006-2010 đã cử tuyển được hơn 3.700 học sinh Khmer, chính sách dự bị đại học, mỗi năm có khoảng 1000 học sinh Khmer tham gia các lớp dự bị đại học.

Chính sách chăm sóc sức khỏe, đã cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người Khmer nghèo với tổng kinh phí là hơn 833,4 tỷ đồng theo Quyết định 139/2002/QĐ-TTg. Hỗ trợ nhà ở, đất ở cho người Khmer nghèo, thực hiện theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg hỗ trợ nhà ở; theo Quyết định 134/2004/QĐ-TTg hỗ trợ nhà ở; theo Quyết định 74/2008/QĐ- TTg đã hỗ trợ đất ở… Ngoài ra, còn thực hiện hỗ trợ nước sạch, điện thắp sáng, dầu hỏa… cho đồng bào Khmer nghèo.

Bên cạnh đó các chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho vùng đông đồng bào Khmer được thể hiện trong chương trình 135 giai đoạn II, qua đó đã thu được các kết quả như: tỉnh Trà Vinh đầu tư xây dựng mới 254 công trình (trường học, giao thông, thủy lợi, điện, chợ, trạm y tế) và duy tu 85 công trình; tỉnh Vĩnh Long đầu tư xây dựng 24 công trình về giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện, trường, trạm y tế, chợ; tỉnh Sóc Trăng xây dựng 500 km đường giao thông nông thôn; 51 công trình cầu, cống; 30 kênh mương thủy lợi; 2,8 km đường điện hạ thế; nâng cấp và xây mới 05 trạm y tế, 14 công trình chợ, 78 nhà sinh hoạt cộng đồng; duy tu 4 công trình trường học…

Theo báo cáo của Ban dân tộc tỉnh Bạc Liêu, thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ Khmer nghèo, từ năm 2009 đến 2015, tỉnh đã hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hơn 700 hộ với kinh phí trên 7 tỷ đồng. Về vốn ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh, hàng năm, tỉnh hỗ trợ cho hàng ngàn hộ nghèo Khmer vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh với số tiền hàng tỷ đồng.

Nhờ thực hiện các chính sách giảm nghèo trên mà đời sống của đồng bào Khmer không ngừng nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 tăng gấp 2,5 lần so với năm 2001. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào Khmer không ngừng giảm, tỷ lệ giảm hàng năm khoảng 2-3%. Nhiều hộ Khmer thoát nghèo đã vươn lên có cuộc sống khá giả, no đủ.

Anh Lâm Đol ở ấp 7 xã Tân Lộc huyện Thới Bình, Cà Mau tâm tình: “Có được cuộc sống sung túc như hôm nay chính là nhờ những chính sách về nhà ở, ngành nghề cho bà con dân tộc, nhờ vậy chúng tôi mới có cơ hội vươn lên thoát nghèo”. Anh Lâm Hoàng Chanh, ấp Giồng Giữa A, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu chia sẻ, trước đây, gia đình anh được vay 25 triệu đồng từ chương trình cho vay vốn ưu đãi dành cho hộ Khmer, đồng thời được tham gia các lớp học nghề miễn phí về nuôi gà, nuôi dê và trồng rau màu. Nhờ có vốn phát triển sản xuất và nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt nên những mô hình làm ăn của anh luôn đạt hiệu quả kinh tế…

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào Khmer cũng được các cấp chính quyền vùng Tây Nam Bộ quan tâm triển khai. Các giá trị văn hóa truyền thống được chính quyền các cấp tạo điều kiện phát huy tốt thông qua các lễ hội, Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc. Công tác phát triển giáo dục và đào tạo luôn được các địa phương quan tâm triển khai thực hiện.

Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết cho con em dân tộc; bồi dưỡng cho giáo viên dạy tiếng Khmer và cán bộ, chiến sĩ công tác ở vùng dân tộc, biên giới luôn được chú trọng. Việc học hành thi cử các lớp ngữ văn Khmer, Sơ-Trung cấp Phật học, Pali cho tăng sinh học tại các điểm chùa được thực hiện tốt. Chính sách y tế, cơ sở vật chất và trang thiết bị các trạm y tế vùng dân tộc được tăng cường, củng cố và phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu khám và chữa bệnh cho nhân dân.

Có thể nói, những chủ trương, chính sách và sự quan tâm của các cấp, ngành đối với công tác chăm lo cho đồng bào Khmer nói chung, hộ Khmer nghèo nói riêng đã đáp ứng đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân. Sự quan tâm đó đã tạo cơ hội để họ có điều kiện lao động, phát triển sản xuất, tạo ra của cải vật chất, nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi thay ở vùng đồng bào Khmer Nam Bộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO