Không chủ quan với viêm gan

Thanh Minh 08/08/2017 14:10

Mặc dù tỷ lệ mắc viêm gan B và viêm gan C có xu hướng giảm dần do tác động của công tác dự phòng, tuy nhiên số người mắc xơ gan, ung thư gan và tử vong do viêm gan B và viêm gan C vẫn tiếp tục tăng lên... Ước tính hiện có khoảng 8,7 triệu người bị viêm gan B mạn tính và 1 triệu người bị viêm gan C, gấp gần 40 lần số người nhiễm HIV ở Việt Nam.

Phòng bệnh gan, cần phải hạn chế rượu bia, thuốc lá.

Kẻ giết người thầm lặng

Viêm gan B là một loại bệnh viêm gan do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Người ta thường gọi HBV là “kẻ giết người thầm lặng” bởi nó có thể tồn tại rất lâu trong cơ thể con người mà không bị phát hiện. Các biểu hiện khi nhiễm bệnh (đặc biệt khi nhiễm HBV mãn tính) rất mờ nhạt, khó nhận biết và dễ gây nhầm lẫn như chán ăn, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa…Với những biểu hiện dễ nhầm lẫn đó nên đa số người nhiễm HBV không biết mình mắc bệnh, càng làm khả năng lây nhiễm sang người khác (khi quan hệ tình dục, mang thai, tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể người mắc).

Theo các bác sĩ, bệnh viêm gan B thường phát triển theo các giai đoạn: viêm gan B cấp, viêm gan B mạn và những người lành nhưng mang mầm bệnh trong cơ thể. Viêm gan B cấp thường có biểu hiện giống như cảm cúm, thỉnh thoảng có cảm giác buồn nôn, sụt cân, ăn kém ngon, ngứa khắp người. Người bị bệnh nặng hơn có thể gặp các triệu chứng sốt, vàng da, vàng mắt, đau bụng, đau khớp, đau cơ, nước tiểu có màu vàng sậm.

Khi chuyển sang giai đoạn viêm gan B mạn tính thì người bệnh hầu như không có triệu chứng và luôn cảm thấy sức khỏe bình thường hoặc đôi khi mệt mỏi, chán ăn. Hậu quả nghiêm trọng nhất của người bị viêm gan B mạn tính là xơ gan với các biến chứng như có dịch trong ổ bụng, chảy máu đường tiêu hóa, ung thư.

Cùng với virus viêm gan B, virus viêm gan C cũng rất nguy hiểm. Sau khi vi rút viêm gan C xâm nhập cơ thể khoảng 15 - 50 ngày, chỉ có khoảng 20% người nhiễm có biểu hiện nhiễm trùng cấp. Triệu chứng điển hình là vàng da - niêm mạc, men gan gia tăng (chỉ phát hiện ở 25% bệnh nhân), nghĩa là bệnh đang hoạt động. Nhiễm vi rút viêm gan C cấp có thể tự khỏi trong 10 - 25% trường hợp, như vậy là có khoảng 75% bệnh nhân trở thành người nhiễm mãn tính với sự hiện diện của vi rút viêm gan C.

So với viêm gan B thì viêm gan C nguy hiểm hơn vì gây đột biến gen và có tính chất liên tục (kết hợp với việc không ngừng phá hủy tế bào gan). Nguyên nhân chính theo các bác sĩ là do siêu vi C không tồn tại ở dạng ngủ (không hoạt động), trong khi đó siêu vi B lại có dạng tồn tại ở dạng ngủ (HbeAg âm tính). Có nghĩa là khi siêu vi C ở dạng hoạt động liên tục sẽ rất nguy hiểm nếu người bệnh không sinh hoạt lành mạnh (uống rượu bia), hoặc không được điều trị sớm. Ngoài ra, viêm gan B đã có vắcxin còn viêm gan C chưa có.

Tuy nhiên, viêm gan C lại có ưu điểm là có thể chữa hiệu quả, nhất là tiêm. Người bị viêm gan siêu vi C khi tiêm một thời gian có thể đi kiểm tra thấy hết siêu vi C trong cơ thể, trong khi đó người bị viêm gan siêu vi B thì không thể diệt hết siêu vi B bằng cách tiêm.

Khi dùng thuốc tiêm thì người bị viêm gan siêu vi C thường sau 6 tháng đến 1 năm là hết siêu vi (khỏi bệnh), tuy nhiên với điều kiện là người bệnh có thể trạng tốt và không điều trị gián đoạn. Còn ở trường hợp viêm gan siêu vi B thì phải tiêm 1 năm trở lên nhưng không bao giờ hết sạch siêu vi B trong cơ thể.

Ung thư do chủ quan

Mặc dù số ca viêm gan B, C có giảm do làm tốt công tác dự phòng, tuy nhiên theo ông Đỗ Hữu Tuấn- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), các trường hợp bệnh nhân bị viêm gan B hay viêm gan C thường không được phát hiện kịp thời và chỉ nhập viện điều trị khi bệnh đã có những biến chứng nguy hiểm là khá phổ biến. Nguyên nhân, theo ông, do bệnh viêm gan thường có những tiến triển chậm, không điển hình, nên người mắc bệnh thường chủ quan.

Mặt khác, nhiều người không biết mình mang mầm bệnh nên không có ý thức chăm sóc, bảo vệ sức khỏe lá gan. Uống nhiều rượu bia, ăn đồ ăn nhanh, làm việc căng thẳng, lối sống không lành mạnh,… là điều kiện để virus HBV âm thầm tấn công gan trong một thời gian dài, hủy hoại các tế bào gan, gây nên xơ gan, ung thư gan. Khoảng 10-20% bệnh nhân xơ gan có thể biến thành ung thư gan.

Bệnh nhân bị nhiễm virus B có xác suất ung thư gan cao nhiều lần người bình thường. Tại Việt Nam 60-70% ca ung thư gan có nhiễm virus B, 20% nhiễm virus C. Số trường hợp tử vong do viêm gan B ở nước ta nhiều năm qua là hơn 23.000 người và tử vong do virus viêm gan C là xấp xỉ 7.000. Bởi vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo, với viêm gan C, người bệnh càng phát hiện bệnh sớm bao nhiêu thì cơ hội khỏi bệnh càng cao bấy nhiêu (sau mỗi năm hiệu quả điều trị sẽ giảm đi 10%).

Còn với những trường hợp bị nhiễm viêm gan siêu vi B, các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân ngoài việc điều trị theo đúng phác đồ của các thầy thuốc chuyên khoa thì cần chú tâm đến chế độ ăn uống. Người bị viêm gan siêu vi B nếu ở giai đoạn ổn định thì chế độ ăn như người bình thường, tức là cần ăn đa dạng và cân đối đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng: đường (cơm, mì, bắp, khoai…), béo, đạm, khoáng chất: rau củ quả.

Khó khăn và hạn chế trong điều trị

“Việt Nam là một trong số ba quốc gia ở khu vực Tây Thái Bình Dương có số người nhiễm virus viêm gan B và C mạn tính cao nhất. Hiện nay, việc tiếp cận điều trị viêm gan còn có những khó khăn và hạn chế, nhất là ở y tế tuyến huyện, xã. Các cơ sở khám, chữa bệnh có đủ năng lực điều trị viêm gan virus chủ yếu ở các bệnh viện tuyến cuối ở thành phố lớn, một số bệnh viện tuyến tỉnh” – Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã nhấn mạnh như vậy tại lễ mít tinh Ngày Thế giới phòng chống viêm gan (29/7) vừa qua.

Theo thứ trưởng Tiến, bên cạnh đó, việc tiếp cận điều trị viêm gan virus C cũng còn gặp khó khăn, nhất là đối với các thuốc kháng virus mới do các thuốc mới hầu hết là thuốc đắt tiền, chưa được bảo hiểm y tế chi trả hoặc chưa được cấp phép lưu hành ở Việt Nam.

Viêm gan virus B hiện đã có vắcxin phòng bệnh và đã có thuốc điều trị hiệu quả. Việc điều trị viêm gan B bằng thuốc kháng virus sẽ làm chậm quá trình tiến triển đến xơ gan và giảm tỷ lệ mắc ung thư gan và cải thiện tỷ lệ sống lâu dài.

Còn viêm gan virus C hiện chưa có vắcxin để dự phòng, tuy nhiên việc điều trị đã có những tiến bộ vượt bậc. Đó là sự ra đời của các thuốc kháng virus trực tiếp nên trên 90% người mắc viêm gan C được điều trị khỏi trong vòng 3-6 tháng.

GS.TS Đặng Đức Anh- Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khuyến cáo, tiêm vaccine viêm gan B sơ sinh là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất để ngăn ngừa lây nhiễm virus viêm gan B và phòng ung thư gan. Ngoài ra, để dự phòng viêm gan, mỗi người cần hạn chế rượu bia, thuốc lá, cẩn trọng khi dùng thuốc, lựa chọn thực phẩm an toàn và khám sức khỏe định kỳ để phòng những biến chứng của bệnh viêm gan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không chủ quan với viêm gan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO