Năm 2020 sẽ dự báo được các hiện tượng thời tiết cực đoan

Hồng Vũ 20/03/2018 10:03

Khoảng 21h30 ngày 3/3, trên địa bàn huyện Si Ma Cai (Lào Cai) xuất hiện mưa đá trên diện rộng. Trận mưa đá bất ngờ xảy ra và kéo dài khoảng 30 phút, bao phủ trên diện rộng, xuất hiện tại nhiều xã. Trong đó, xã Si Ma Cai có lượng rơi dày và lâu nhất.

Năm 2020 sẽ dự báo được các hiện tượng thời tiết cực đoan

Dự báo sớm được các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ giảm thiệt hại cho người dân.

Khó khăn trong việc dự báo, cảnh báo

Không chỉ ở Si Ma Cai, rạng sáng 4/3, trên địa bàn huyện Mèo Vạc (Hà Giang) cũng xuất hiện trận mưa đá trên diện rộng. Người dân địa phương cho biết mưa đá kèm theo gió lốc xuất hiện bất ngờ, thời điểm xảy ra vào lúc rạng sáng. Tại hầu hết các xã, thị trấn đều bị ảnh hưởng. Ngày 5/3, lốc xoáy ở thành phố Kon Tum làm tốc mái hàng trăm căn nhà, nhiều cây cối gãy đổ... Trước đó, vào cuối tháng 2, trên địa bàn một số xã của huyện Mường La (Sơn La) đã xảy ra mưa to, gió lốc, gây thiệt hại nhà cửa, tài sản, hoa màu của nhân dân các xã tạ Bú, Mường Trai, Chiềng Lao, Pi Toong và Hua Trai. Trong đó, làm hư hỏng 788 nhà, 104 lồng cá, 50 thuyền máy; hơn 4.000 cây ăn quả bị gãy đổ…

Biến đổi khí hậu dẫn tới nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan khiến người dân phải hứng chịu hậu quả khó lường. Hiện tượng thời tiết phức tạp như: mưa, rét kéo dài lịch sử trong 38 ngày, bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện sớm, hoạt động bất thường, mùa mưa ít mưa, hạn hán nghiêm trọng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất trên diện rộng… cũng xảy ra ở nhiều nơi, khiến cuộc sống bà con bị đảo lộn. Trước những diễn biến bất thường trên, việc dự báo những hiện tượng thời tiết cực đoan là rất cần thiết.

Tại cuộc tọa đàm “Vai trò của ngành khí tượng thủy văn trong phát triển bền vững” được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức mới đây ở Hà Nội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu hàng đầu của Việt Nam đều thừa nhận, các quy luật khí hậu bị phá vỡ khiến ngành khí tượng thủy văn ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc dự báo, cảnh báo. Do vậy, với sự phát triển của xã hội ngày nay, việc dự báo thời tiết đón đầu những vận động của thiên nhiên phục vụ cho đời sống cộng đồng khiến công tác khí tượng thủy văn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ con người và tài sản.

Nước ta là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng và tác động nặng nề nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt là bão lũ và hạn hán và xâm nhập mặn. Thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm thiên tai làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1-1,5% GDP (tương đương gần 1,3 tỷ USD). Năm 2017 chúng ta đã chứng kiến số lượng cơn bão và áp thấp nhiệt đới kỷ lục trong lịch sử: 20 cơn bão (trước đây, chưa bao giờ Việt Nam phải đặt tên cơn bão số 16).

Đối mặt nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan

Ông Trần Hồng Thái - Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia thừa nhận, những năm gần đây, xu thế diễn biến của thiên tai ngày càng khốc liệt, phức tạp, khó lường, khí hậu ngày càng nóng, khô, mưa bão nhiều... Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề liên quan đến thời tiết, khí hậu bất thường như băng giá xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc; hạn hán, ngập mặn và biển xâm thực sâu vào đất liền ở các tỉnh phía Nam..., đòi hỏi ngành khí tượng thủy văn cần phải đầu tư hơn nữa về công nghệ quan trắc, dự báo nhằm giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hiện tại, ngành khí tượng thủy văn của Việt Nam đang tiếp cận các công nghệ tiên tiến trên thế giới, đã và đang xây dựng mạng lưới ra đa, cảnh báo dông sét, tăng dầy mạng lưới quan trắc và tỷ lệ các trạm tự động, các mô hình dự báo tổ hợp giúp dự báo tốt hơn.

Tuy nhiên, theo ông Thái, khó khăn hiện nay đó là mạng lưới quan trắc còn thưa, chỉ đạt mật độ 20-30% so với các nước phát triển. Ông Thái cũng cho biết, theo Luật Phòng chống thiên tai, Việt Nam hiện có 21 loại hình thiên tai khác nhau. Nhưng đến nay, các loại hình thiên tai như giông lốc, vòi rồng và mưa đá vẫn chưa thể dự báo sớm được.

Hiện tại, các dự báo sớm mới chỉ giúp cảnh báo được trước khi các hiện tượng trên xảy ra từ 15 - 30 phút. Vì thế, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đang xúc tiến đầu tư thêm các mô hình tổ hợp công nghệ cao hơn, gồm các rađa, trạm quan trắc tự động.

“Theo dự kiến, khi tổ hợp công nghệ này đi vào vận hành, vài năm nữa (tức đến năm 2020), Việt Nam có thể sẽ dự báo được giông lốc, vòi rồng, mưa đá để cảnh báo sớm cho người dân phòng tránh, giảm thiểu được thiệt hại do các loại hình thiên tai cực đoan gây ra”- ông Thái nhấn mạnh.

Khẳng định việc đầu tư công nghệ cũng như nâng cao chất lượng dự báo là cấp thiết, song GS Trần Thụ - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu cũng kiến nghị, ngành khí tượng cần chú trọng cải thiện công tác truyền thông, làm sao đưa thông tin đến người dân một cách ngắn gọn, dễ hiểu và dễ sử dụng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năm 2020 sẽ dự báo được các hiện tượng thời tiết cực đoan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO