Phòng chống dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc

Văn Đức 26/09/2019 09:40

Bệnh lở mồm long móng trên đàn trâu, bò đã xuất hiện ở thôn Bắc Cáp và thôn Khe Xa, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) từ cuối tháng 8 vừa qua. Đầu tháng 9, UBND huyện Ba Chẽ đã chính thức công bố dịch này.

Phòng chống dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc

Tiêm vắc xin là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan của bệnh lở mồm long móng.

Theo ông Triệu Đức Phượng- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Chẽ, đến thời điểm hiện nay, địa phương có hơn 20 con trâu, bò của 2 thôn trên bị mắc dịch lở mồm long móng; huyện đang tích cực chữa trị cho số trâu, bò bị nhiễm bệnh. Toàn huyện Ba Chẽ hiện có khoảng 2.000 con trâu bò.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, để khống chế nhanh, ngăn chặn kịp thời các ổ dịch phát sinh, lây lan hoặc dây dưa, kéo dài, Quảng Ninh đã có chỉ đạo khẩn về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh lở mồm, long móng trên toàn tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ (nơi đang có ổ dịch) khẩn trương củng cố và thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cấp huyện và xã; tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định; tập trung mọi lực lượng cần thiết để nhanh chóng dập tắt dịch; cách ly triệt để và đánh dấu gia súc mắc bệnh để quản lý chặt chẽ; giao cho chính quyền xã, thôn quản lý chặt chẽ ổ dịch; vệ sinh tiêu độc, khử trùng ổ dịch; tổ chức ngay việc tiêm phòng vắc xin lở mồm, long móng bao vây ổ dịch cho đàn gia súc ở vùng có nguy cơ mắc bệnh, lựa chọn loại vắc xin lở mồm, long móng tiêm phòng theo khuyến cáo của cơ quan thú y.

Tỉnh yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật bị nhiễm bệnh, làm lây lan dịch bệnh; khoanh vùng và kiểm soát chặt chẽ vùng dịch bệnh, theo quy định và tiến hành hành tiêu độc, khử trùng các phương tiện giao thông qua lại…

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường giám sát việc phát hiện ổ dịch, đặc biệt tại khu vực có ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện bệnh dịch. Khi có bệnh dịch xảy ra phải thực hiện tiêu hủy triệt để gia súc mắc bệnh khi dịch còn ở diện hẹp và áp dụng các biện pháp chống dịch quyết liệt dập tắt nhanh ổ dịch; tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, không để động vật, sản phẩm động vật mang mầm bệnh vào địa phương làm lây lan dịch bệnh.

Các ngành chức năng và cơ quan chuyên môn có trách nhiệm kiểm tra, hỗ trợ huyện Ba Chẽ nhanh chóng dập tắt dịch, xác định cụ thể nguyên nhân phát sinh dịch bệnh...

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), đây là bệnh dịch xếp đầu tiên ở bảng A (gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất cho chăn nuôi và hạn chế thương mại đối với động vật, sản phẩm động vật).

Bệnh lở mồm, long móng gia súc là bệnh truyền nhiễm, lây lan nhanh, gây ra bởi 1 trong 7 type vi rút: Type A, O, C, Asia1, SAT1, SAT2, SAT3, với hơn 60 phân type. ở Việt Nam đã phát hiện bệnh gây ra bởi 3 type A, O và Asia1. Bệnh này lây lan qua đường tiếp xúc giữa động vật khoẻ với động vật, sản phẩm động vật, thức ăn, nước uống, không khí, chất thải, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, có măng mầm bệnh. Động vật mắc bệnh thường là các loài động vật có móng guốc chẵn như: trâu, bò, lợn, dê, cừu, nai,...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng chống dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO