Phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em ở vùng sâu, vùng xa

P.Phương 11/03/2020 08:00

Dự án sẽ tập trung hỗ trợ 2 huyện có tỷ lệ người nghèo đặc biệt cao ở tỉnh Điện Biên là huyện Mường Chà và huyện Tuần Giáo với mong muốn xây dựng được khung hỗ trợ nhằm phòng chống nạn buôn người và bạo lực ở khu vực dự án cũng như hỗ trợ phụ nữ, các bé gái có kiến thức để tự bảo vệ bản thân.

Phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em ở vùng sâu, vùng xa

Tuyên truyền giúp người dân cảnh giác trước nạn mua bán người.

Ngày 26/2, lễ ký kết viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản cho dự án “Hỗ trợ phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em ở vùng sâu, vùng xa ở tỉnh Điện Biên” đã diễn ra tại Hà Nội. Dự án có số tiền viện trợ là hơn 482.000 đô la Mỹ và do Tổ chức World Vision Japan thực hiện.

Dự án sẽ tập trung hỗ trợ 2 huyện có tỷ lệ người nghèo đặc biệt cao ở tỉnh Điện Biên là huyện Mường Chà và huyện Tuần Giáo với mong muốn xây dựng được khung hỗ trợ nhằm phòng chống nạn buôn người và bạo lực ở khu vực dự án cũng như hỗ trợ phụ nữ, các bé gái có kiến thức để tự bảo vệ bản thân.

Cụ thể, dự án sẽ tập trung xây mới và tu sửa Trung tâm cộng đồng, nơi phụ nữ tập trung, chia sẻ thông tin…; mở lớp tập huấn kỹ năng tự bảo vệ cho phụ nữ, trẻ em; kỹ năng sống cho các bé gái. Bên cạnh đó, dự án cũng mở lớp tập huấn kỹ năng cơ bản để nâng cao thu nhập cho phụ nữ như chăn nuôi gia súc, trồng rau...; tuyên truyền phòng chống nạn buôn bán người trong cộng đồng, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021.

Tại buổi lễ, ông Umeda Kunio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam nêu rõ: Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản là quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở khu vực châu Á. Chính vì vậy, Nhật Bản mong muốn tăng cường liên kết với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực như chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa, thể thao… Đại sứ mong muốn, thông qua dự án này sẽ có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tiếp thu được kiến thức và có được cuộc sống tốt đẹp hơn.

Theo bà Ikeuchi Chikusa - Giám đốc dự án Tổ chức World Vision Japan đối tượng bị hại trong hoạt động mua bán người ở Việt Nam chủ yếu là phụ nữ với nguyên nhân xuất phát từ vấn đề bất bình đẳng giới trong xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả khảo sát thực tế của Tổ chức World Vision cho thấy, quyền đưa ra ý kiến và sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động xã hội so với nam giới còn rất thấp. Do đó, dự án gồm 2 nội dung chính là triển khai các giải pháp để cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới và biện pháp khắc phục việc thiếu kiến thức phát sinh từ nghèo đói.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, đối tượng phạm tội chủ yếu là bọn lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về mua bán người, cấu kết với các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới tạo thành đường dây khép kín để lôi kéo, lừa gạt đưa nạn nhân ra nước ngoài bán. Đối tượng phạm tội mua bán người ở hầu hết các độ tuổi, số đối tượng có độ tuổi trên 30 tuổi chiếm đa số. Các đối tượng phạm tội mua bán người có trình độ văn hóa thấp, có nhiều thành phần nghề nghiệp khác nhau. Hầu hết là những đối tượng có kiến thức xã hội, am hiểu xã hội và thường là người thông thuộc các khu vực biên giới, cửa khẩu, đường tiểu ngạch, đồng thời am hiểu phong tục, tập quán của người dân…; đối tượng hoạt động băng nhóm, có tiền án, tiền sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em ở vùng sâu, vùng xa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO