Tín dụng đen tràn về vùng sâu, vùng xa

Giang Hương 26/12/2018 08:00

Không chỉ hoành hành ở các khu đô thị, thành phố lớn, thời gian gần đây, nhiều nhóm cho vay tín dụng đen đã tràn về các thôn, buôn vùng sâu của các tỉnh Tây Nguyên. Biết gia đình nào gặp khó khăn cần đến tiền là họ lập tức tiếp cận, mời chào với chiêu trò lãi suất hấp dẫn, thủ tục đơn giản… để rồi nhiều người dân “sập bẫy” bị siết nợ đến tán gia bại sản, thậm chí lâm vào vòng lao lý.

Tín dụng đen tràn về vùng sâu, vùng xa

Người dân cần cảnh giác với các hình thức cho vay theo kiểu tín dụng đen.

Người nghèo dễ sập bẫy tín dụng đen

Tại Đắk Lắk, dọc các con đường về thôn, buôn, trên các cột điện, tường bê tông, cổng chào…nhan nhản những tờ rơi quảng cáo cho vay tiền với lãi suất ưu đãi, thủ tục nhanh gọn và cứ alô là có tiền. Theo người dân buôn Sút M’grư (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar), giờ nhiều nhóm tín dụng đen đã len lỏi về buôn làng mình, họ dán tờ rơi cho vay tiền ở các chân cột điện, tường bêtông, cổng chào và chỉ cần gọi điện thì có người đến nhà hướng dẫn làm thủ tục vay, ký xong chưa đầy 1 tiếng là có tiền.

Với những hộ khá giả thì chẳng mấy ai quan tâm tới tờ rơi này, thế nhưng với những hộ gia đình khó khăn đang cần tiền để đầu tư sản xuất, lo cho con cái ăn học…thì đây quả là cách để giải quyết những công việc bức bách trong cuộc sống cho dù có biết mức lãi suất là “cắt cổ”. Và cũng vì cần tiền, lại không nắm biết được rủi ro của việc vay tín dụng đen nên nhiều người dân đã thế chấp cả nhà, sổ đỏ. Sau một thời gian, do không trả kịp số lãi và gốc đã cao lên nhiều lần, bị xã hội đen siết nợ. Nhiều kẻ đi siết nợ còn chửi bới, thậm chí đe dọa đánh đập, cắt chân, cắt tay khiến người vay vô cùng hoang mang, lo lắng, không dám làm ăn gì.

Ở xã Ea H’đinh, huyện Cư M’gar nhiều người vô cùng ái ngại, lo lắng cho ông Y Đrung và bà H’Nháp Niê bởi gia đình họ vừa bị xã hội đen đến siết nợ. Trước đó, hồi tháng 6/2018 do hoàn cảnh quá khó khăn vợ chồng ông được một người ở buôn Kor Sier giới thiệu vay 100 triệu đồng của nhóm người lạ với lãi suất 10.000 đồng/1 triệu/ngày. Sau 20 ngày của tháng đầu tiên, gia đình ông phải trả 20 triệu đồng tiền lãi, đến tháng thứ 2 gia đình chỉ trả được 8 triệu đồng và tháng thứ 3 thì họ không còn đủ tiền để trả lãi. Và đó cũng là lúc những người của tổ chức tín dụng đen đến siết nợ. Họ bắt đi một con lợn, thu giữ một xe máy và bắt ký thêm vào một tờ giấy ghi nợ thứ hai…

Theo lời kể của bà HRiăng Niê (buôn Knul, xã Ea Bông, huyện Krông Ana), tháng 9/2018, khi gia đình bà đang có nhu cầu vay tiền để trả nợ tiền phân bón, thì anh con rể nhặt được tờ rơi với nội dung “Cho vay trả góp, thủ tục nhanh, không cần thế chấp” mang về nhà. Mọi người thống nhất để anh Y Thăng Ksơr gọi vào số điện thoại ghi trên tờ rơi hỏi vay tiền để trả nợ.

Ngày 20/9, có hai thanh niên chạy xe máy xuống tận nhà bà HRiăng Niê và làm thủ tục cho vay 30 triệu đồng. Quá trình làm hồ sơ, những người cho vay tiền chỉ yêu cầu Y Thăng Ksơr đưa cà vẹt xe máy và chứng minh nhân dân. Ngoài ra, không cần phải thế chấp bất kỳ tài sản gì. Với số tiền này, họ yêu cầu phải trả góp 750.000 đồng/ngày, trả trong vòng 50 ngày. Sau 50 ngày vay tiền, gia đình bà HRiăng Niê phải trả tổng cộng 37,5 triệu đồng. Thế nhưng khi giao tiền, họ chỉ đưa cho gia đình bà 27 triệu đồng và nói giữ lại 3 triệu đồng tính vào 5 ngày góp đầu tiên. Cầm số tiền với tờ giấy nợ trong tay, bà HRiăng Niê bắt đầu thấy bất an.

Khi được hỏi vì sao không tìm đến các ngân hàng để vay tiền mà lại chọn vay tín dụng đen, nhiều người dân ở đây cho biết, vay ngân hàng phải mất thời gian làm thủ tục lâu và buộc phải thế chấp tài sản mới được vay. Trong khi thực tế những hộ gia đình phải tìm đến vay tín dụng đen đa phần là hộ nghèo, tài sản của họ chẳng có gì ngoài mấy sào ruộng nương khô cằn, căn nhà cấp 4 tạm bợ, nhiều nhà di cư đến còn chưa có sổ đỏ thì lấy gì mà thế chấp với ngân hàng.

Xử lý nghiêm tín dụng đen

Theo ông Nguyễn Hữu Nhất - Chủ tịch UBND xã Ea H’đinh, huyện Cư M’gar thời gian gần đây việc các băng nhóm xã hội đen đến các thôn, buôn cho vay siết nợ khiến người dân vô cùng lo lắng, gây mất an ninh trật tự ở địa phương, xã đã báo cáo lên Công an huyện Cư M’gar điều tra, làm rõ nhóm đối tượng và có cách giải quyết để ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

Trước tình hình các tổ chức cho vay theo kiểu “tín dụng đen”, sau đó dùng các đối tượng giang hồ để uy hiếp, đòi nợ đang có chiều hướng gia tăng trên địa bàn, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan vào cuộc. Theo Công an tỉnh, trên địa bàn tỉnh có khoảng 20 nhóm cho vay lãi với hàng trăm đối tượng có tiền án, tiền sự tham gia, hoạt động tín dụng đen không chỉ ở thành phố, thị trấn mà còn len lỏi xuống tận từng thôn buôn vùng sâu, vùng xa.

Mới đây, Công an tỉnh đã làm rõ một nhóm đối tượng do Bùi Văn Thịnh (26 tuổi) cầm đầu, từ TP Hải Phòng vào thuê trọ chuyên cho vay nặng lãi. 2 năm trước, Thịnh từ Hải Phòng vào TP Buôn Ma Thuột thuê một phòng trọ để hành nghề cho vay nặng lãi. Sau thấy công việc này kiếm được nhiều lợi nhuận, Thịnh đã gọi thêm một số đối tượng ở TP Hải Phòng vào cùng tham gia. Cũng với những chiêu trò như đã kể trên, các đối tượng đã thu hút được rất nhiều người dân ở tỉnh Đắk Lắk vay tiền. Khi người vay không còn khả năng trả nợ, các đối tượng liền kéo đến nhà đe dọa, đòi lấy tài sản.

Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đã có văn bản yêu cầu cấp ủy chính quyền các cấp, lực lượng chức năng tăng cường đấu tranh ngăn chặn những hệ lụy xấu từ vấn nạn tín dụng đen, xử lý nghiêm các đối tượng cho vay tín dụng đen, cưỡng chế, siết nợ, tăng cường tuyên truyền người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa vay tiền ở các ngân hàng, tổ chức cho vay hợp pháp, không nghe, tin, vay tín dụng đen.

Không chỉ ở Đắk Lắk, Đắk Nông, hàng chục thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng cũng đang bị bủa vây bởi hoạt động cho vay tín dụng đen dẫn đến bị hăm dọa tính mạng, mất hết tài sản, thậm chí là nhà ở, đất ở, nhiều người rơi vào vòng lao lý.

Trước tình trạng cho vay tín dụng đen đang gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp tại các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số, Công an các tỉnh Tây Nguyên đã lập chuyên án tăng cường đấu tranh với hoạt động tín dụng đen. Để ngăn chặn những hệ lụy từ hoạt động tín dụng đen, các tỉnh Tây Nguyên cũng đã chỉ đạo lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch, chuyên đề đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với hoạt động tín dụng đen trên địa bàn.

* Người dân cần cảnh giác. Không chỉ ở Đắk Lắk, Đắk Nông, hàng chục thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng cũng đang bị bủa vây bởi hoạt động cho vay tín dụng đen dẫn đến bị hăm dọa tính mạng, mất hết tài sản, thậm chí là nhà ở, đất ở, nhiều người rơi vào vòng lao lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tín dụng đen tràn về vùng sâu, vùng xa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO