Dâng sắc phong về làng

Thư Hoàng 29/03/2020 08:26

Sắc phong là di sản văn hóa tinh thần của người Việt. Đối với mỗi làng, xã, đây là di sản rất quý giá vì là văn bản của nhà vua, phong chức tước cho những người có công lao đóng góp cho địa phương. Đáng buồn, có không ít sắc phong bị mục nát, thất lạc hoặc bị kẻ gian lấy mất. Với những giá trị của tư liệu cổ, thời gian gần đây, nhiều nhóm các nhà nghiên cứu, những người sưu tầm cổ vật đã thực hiện việc tìm, sưu tập và dịch lại các bản sắc phong trao trả về cho các làng.

Dâng sắc phong về làng

3 thành viên nhóm Nhân sĩ Hà Đông kiểm tra các bản sắc phong.

1. Sắc phong được các làng cất giữ rất cẩn thận, coi như báu vật của làng. Nhiều nơi cất trong hòm kín, chỉ khi nào có việc trọng mới mở ra. Nhưng cũng như nhiều thứ khác, sắc phong cũng bị thất lạc, mất trộm và được giới chơi cổ vật săn tìm. Cuối tháng 2 vừa qua, một vụ trộm sắc phong đã xảy ra tại đình làng Hạ Xá, xã Tân Khánh, huyện Vụ Bản, Nam Định. Lợi dụng đêm tối, kẻ gian đột nhập lấy cắp 16 đạo sắc phong quý giá nhất của làng Hạ Xá. Đó chỉ là một trong rất nhiều vụ lấy trộm sắc phong diễn ra trong thời gian qua. Và phần lớn dù được nhiều cơ quan phối hợp điều tra nhưng không thể lần ra dấu vết.

Đứng trước thực trạng trên, đồng thời muốn sắc phong được trở về với chính ngôi làng có tên trên sắc phong đó, một nhóm nhân sĩ, trí thức đã cùng chung tay thực hiện dự án trao sắc phòng về làng. Đó là nhóm nhân sĩ Hà Đông gồm 8 người: nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, NSƯT Chu Lượng, họa sĩ Hoàng A Sáng, tác giả Trịnh Hữu Sỹ, đạo diễn - nhà thơ Lương Tử Đức, nhà thơ Nguyễn Quyến, doanh nhân Lê Phương Trung và doanh nhân Đỗ Văn Hiểu.

Ông Trịnh Hữu Sỹ cho biết, từ năm 2015 đến nay, nhóm nhân sĩ Hà Đông đã thu thập được hơn 200 đạo sắc phong. Các bản sắc phong này chủ yếu thuộc triều Nguyễn, một số thuộc thời Lê, xuất xứ từ nhiều huyện, quận thuộc các tỉnh, thành phố: Hà Nội (gồm Thanh Trì, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Đan Phượng, Hà Đông, Chương Mỹ, Quốc Oai), Hà Nam (Thanh Liêm, Bình Lục, Lý Nhân, Vụ Bản, Kim Bảng, Duy Tiên), Nam Định (Ý Yên, Nghĩa Hưng, Vụ Bản), Thái Bình (Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Kiến Xương), Hải Phòng (Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, An Dương), Ninh Bình (Kim Sơn, Yên Mô), Bắc Ninh (Thuận Thành, Yên Phong), Hải Dương (Thanh Miện), Hưng Yên (Văn Giang, Tiên Lữ), Vĩnh Phúc (Yên Lãng), Thanh Hóa (Hậu Lộc, Hoằng Hóa), Thừa Thiên Huế (Hương Trà). Các sắc phong có nội dung phong tặng thêm danh hiệu cho các vị thần được tôn thờ tại các địa phương, đồng thời giao cho các vị thần trách nhiệm chăm lo, bảo vệ dân lành.

Nhóm vẫn tiếp tục kêu gọi những người đang giữ đạo sắc phong trả lại, thậm chí các nhân sĩ góp tiền từ chục triệu tới hàng trăm triệu đồng mua lại những đạo sắc phong từ những nhà sưu tầm cổ vật để dâng tặng lại cho các địa phương.

Đại diện nhóm nhân sĩ Hà Đông cũng cho biết, để tìm lại những sắc phong là cả một quá trình gian nan. “Chúng tôi phải dò tìm trên internet các diễn đàn rao bán cổ vật, sắc phong, hoặc nhờ các tình nguyện tìm hỏi giúp thông qua những người lớn tuổi ở địa phương, qua những người làm ở lĩnh vực dư địa chí và nhiều nguồn thông tin khác”- ông Trịnh Hữu Sỹ chia sẻ.

Trong khi đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - thành viên của nhóm Nhân sĩ Hà Đông chia sẻ: “Khi công bố việc trao trả Sắc phong thì nhiều người chơi sắc phong cho rằng đây là một di sản vô cùng quý báu trong kho tàng văn hóa Việt. Chúng tôi thấy đạo sắc phong như một linh hồn, như tinh thần của đình chùa, miếu, phủ, những nơi thờ cúng, sinh hoạt văn hóa tâm linh. Ý thức dân tộc lại càng khiến chúng tôi quyết tâm thực hiện việc sưu tầm, dịch và trao trả lại cho các địa phương những bộ sắc phong mà không giữ lại”.

2. Tuy vậy, tìm được sắc phong đang nằm trong các bộ sưu tập của giới chơi cổ vật đã khó, việc dịch sắc phong và tìm kiếm đúng địa chỉ để dâng tặng sắc phong về đúng nơi bị thất lạc cũng là câu chuyện mất nhiều thời gian và khá tốn kém. Nhóm đã nhờ TS Trương Đức Quả - nguyên Thư ký Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch nghĩa và lập bảng tổng hợp các bản sắc phong theo địa danh. Theo nội dung địa danh, di tích ghi trong sắc phong, mọi người phải tra cứu vì nhiều tên đất, tên làng, xã đã thay đổi. Có những nơi, sau mấy trăm năm, do thay đổi tên gọi hành chính, nhóm đã phải rất mất công mới có thể xác định được đúng nơi để trao tặng sắc phong. Lại có nơi nhóm liên hệ, thì các cụ cao niên lại chưa dám nhận vì việc khi mất vẫn chưa dám thông báo rộng rãi với dân làng…

Thời gian qua, nhóm Nhân sĩ Hà Đông đã tự thực hiện một số chuyến đi tìm và dâng trả lại được sắc phong cho một số địa phương, theo tinh thần bất vụ lợi. Đặc biệt, công việc của nhóm đã nhận được những hưởng ứng tích cực với sự động viên của bạn bè văn nghệ. Một số người trẻ hiểu biết về Hán Nôm sẵn sàng dịch giúp. Đặc biệt, nhận thấy việc làm tốt đẹp của nhóm Nhân sĩ Hà Đông, có những người tự nguyện cung tiến đạo sắc phong mà họ sưu tầm được hoặc đã bỏ tiền mua từ lâu và đang lưu giữ. Thời gian tới, các cá nhân, địa phương mong nhận lại sắc phong theo địa chỉ danh sách mà nhóm đã công bố; hoặc mong muốn cùng chung tay dâng trả sắc phong, có thể liên hệ với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều NSƯT Chu Lượng, họa sĩ Hoàng A Sáng, tác giả Trịnh Hữu Sỹ qua facebook cá nhân…

Quá trình sưu tầm, dịch và trao trả sắc phong niềm vui nhiều hơn, song nhóm Nhân sĩ Hà Đông vẫn gặp những điều day dứt. Đó là, việc sắc phong bị đánh cắp, ngay cả ban quản lý di tích, lãnh đạo địa phương cũng thờ ơ, không bảo vệ đúng mức di sản quý giá này. Bên cạnh đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng: “Việc chúng tôi làm không đơn giản chỉ là tìm mua sắc phong, dịch rồi trao trả mà chúng tôi mong việc làm của chúng tôi sẽ ngày càng lan tỏa trong cộng đồng. Chúng tôi mong Bộ VHTTDL quan tâm đến việc này thì hiệu quả sẽ lớn hơn rất nhiều”.

Sắc phong (gọi đầy đủ là đạo sắc phong) xuất hiện từ khoảng thế kỷ 15, dưới triều nhà Lê, được xác nhận bằng ấn triện của nhà vua mang nội dung công nhận có tính nhà nước, đồng thời thể hiện quyền lực của triều đình đối với các làng xã. Đạo sắc phong là văn bản cổ do vua ban tặng cho những người có công với đất nước và mỗi địa phương đều coi đó như xác nhận tối cao về mặt văn hóa, lịch sử, hành chính lẫn tâm linh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dâng sắc phong về làng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO