Đạo diễn - họa sĩ Nguyễn Trung Thành: Văn hóa Việt là dòng suối mát chảy trong tôi

Việt Quỳnh (thực hiện) 10/04/2022 11:12

Đạo diễn - họa sĩ Nguyễn Trung Thành có duyên với phim ảnh từ khi mới ra trường, khoảng năm 2000, anh được học về làm phim và bắt đầu làm phim hoạt hình ở Trung tâm sản xuất Phim truyền hình Việt Nam (VFC).

Đạo diễn - họa sĩ Nguyễn Trung Thành.

Gần 10 năm qua, đạo diễn Nguyễn Trung Thành đã gắn bó với các chương trình như “Khám phá Việt Nam”, “Nẻo về nguồn cội” phát sóng trên VTV1, “Tinh hoa nghề Việt” phát sóng trên VTV4 và một số chương trình như “Chuyện đêm muộn”, “Đẹp Việt”, “Hạnh phúc là gì?” phát trên VTV3.

Khi các kênh truyền hình phát triển và các chương trình xã hội hóa nhiều dần, đạo diễn Nguyễn Thành cùng cộng sự đã phát triển các chương trình truyền hình, đặc biệt là các chương trình về văn hoá, lịch sử. Với đạo diễn Nguyễn Trung Thành, những chương trình này mang lại cho anh nhiều kiến thức, giúp anh có cơ hội trải nghiệm nhiều vùng miền của Tổ quốc. Vừa làm vừa học hỏi đồng nghiệp, càng đi nhiều, làm nhiều, Nguyễn Trung Thành càng thấy đam mê.

Những năm đầu vào nghề, đạo diễn Nguyễn Trung Thành thường làm các phim tài liệu, được đặt hàng từ các cơ quan của nhà nước. Sau này, anh cùng nhóm sản xuất các format đa dạng hơn: “Thú vị nhất vẫn là các phóng sự về mảnh đất con người Việt Nam. Những phong cảnh đẹp, những nơi ít người biết đến, những nghệ nhân của các làng nghề, giữ gìn nghề truyền thống, hay những di sản của từng địa phương, từng tộc người được chúng tôi khai thác để sản xuất chương trình”.

Nguyễn Trung Thành hay nói vui với đồng nghiệp, anh cầm tinh con ngựa, nên có lẽ việc đi là một định mệnh. Nhưng trên hết đó là đam mê của anh và các bạn đồng hành: “Chúng tôi có thể cùng nhau rong ruổi Tây Nguyên vài tháng để tìm hiểu và nghi hình về các nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Nói là đi quay, nhưng thực chất như một cuộc điền dã. Chúng tôi ăn ở với đồng bào, lên nương với đồng bào và sinh hoạt như người dân bản địa để tìm những gì gần gũi nhất với đời sống của họ để làm chương trình. Đi nhiều, tiếp xúc nhiều càng thấy yêu hơn các vùng đất đã qua, những con người đã gặp. Có nhiều lần trong một năm, chúng tôi trở lại một vùng đất nhiều lần vào các sự kiện trong đời sống sinh hoạt của họ để ghi hình. Có những vùng đất đã trở thành quê hương thứ hai của tôi.

Với văn hóa Việt, tôi không chỉ cảm nhận mà nó như dòng suối mát chảy trong tôi. Đất nước mình rất lạ, ở vùng đất nào, dù nhỏ thôi, khi con người đã sinh sống và tạo ra cộng đồng, thì ở đó đều có những người nghệ sĩ. Đặc biệt ở các vùng núi cao, từ Tây Bắc, Tây Nguyên đến những miền Lâm Đồng, Đắk Nông... Bạn có thể bắt gặp rất nhiều “nghệ sĩ”. Họ có thể chơi đàn, chơi khèn, họ có thể hát, có thể múa, họ sang tác âm nhạc, hội họa, điêu khắc và nhiều thứ nữa. Đặc biệt họ còn chế tạo ra các nhạc cụ, đồ dùng rất sáng tạo mà nếu không đi chúng ta không bao giờ biết được. Vì vậy, có thể khẳng định văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa phong phú, và đậm đà bản sắc ở mỗi tộc người, mỗi vùng miền trên khắp Tổ quốc”.

Mỗi chuyến đi của đạo diễn Nguyễn Trung Thành đều là một kỉ niệm. Có lẽ nhớ nhất trong anh vẫn là Tây Nguyên. Ở đây, anh gặp nhiều nghệ nhân, họ cho anh cảm giác thân thiện như anh chị mình. “Không chỉ về những gì họ làm cho văn hóa, mà cả những câu chuyện về đời sống hàng ngày của họ. Già làng Đinh Hơ Mưng, là một ví dụ. Một người đàn ông nhỏ thó ngồi hút thuốc chơi đàn goong bên bếp lửa. Anh ngồi hát và kể những câu chuyện thời đánh Mỹ khốc liệt nhưng rất hào hùng. Bị địch bắt giam mấy năm, khi đất nước giải phóng anh được thả về không một giấy tờ trên người. Anh trở lại bản sống như một người dân bình thường cho đến nay. Sáng sáng lên nương, chiều về thổi sáo, chơi đàn. Cuộc sống của họ bình dị tới mức trong sáng, tinh khôi đến bất ngờ”.

Sản xuất chương trình phần lớn vì yêu văn hóa, đạo diễn Nguyễn Trung Thành cũng chỉ mong muốn giản dị, mang đến cho khán giả những nét đẹp trong văn hóa Việt Nam: “Một đất nước có nền văn hóa, nghệ thuật phát triển thì điện ảnh và hội họa của họ rất phát triển. Bởi văn hóa là nền tảng của các môn nghệ thuật. Ngày này, điện ảnh và hội họa không chỉ là phim ảnh giải trí thông thường mà nó còn mang một sứ mệnh truyền bá văn hóa đến công chúng. Qua điện ảnh, hội họa, người xem sẽ biết về nền văn hóa của đất nước đó, của tộc người đó. Từ đó quảng bá được nét đẹp của một nền văn hóa.

Tôi đến với các chương trình văn hóa như một cái duyên, và có lẽ đó cũng là nghiệp. Làm văn hóa thực sự khó. Để chuyển tải đến khán giả những giá trị thực thụ của vùng đất, bạn không chỉ vác máy đến đó và quay. Bạn phải sống với họ, có góc nhìn như họ, hòa mình vào họ thì bạn mới có góc nhìn chân thực.

Có nhiều vùng đất, nhiều con người khi ta đến lần đầu có thể chưa cảm nhận hết được giá trị của nó. Nhưng ta đến nhiều lần, ta sẽ dần nhận ra những góc nhỏ vô cùng thú vị và tinh tế về văn hóa cũng như tâm hồn của con người, vùng đất đó”.

Hiện tại, ngoài việc sản xuất các chương trình về văn hóa, đạo diễn Nguyễn Thành và đồng nghiệp đang phát triển dự án phim truyền hình lịch sử “Hùng thiêng Đất Việt”. Đây là seri phim về lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ, từ các triều đại phong kiến đến các cuộc khởi nghĩa chống Pháp...

Phim được thể hiện bằng phương pháp phục dựng sự kiện lịch sử, tái hiện những sự kiện hào hùng của ông cha thông qua những tình tiết sống động, gay cấn nhưng chân thực, gần gũi. Mỗi tập phim là một câu chuyện lịch sử phản ánh một cách khách quan, trung thực nhất từng con người, từng sự kiện - vốn là những dấu mốc vàng son, những bước ngoặt quan trọng trong lịch sử dân tộc. Với mong muốn cung cấp cho khán giả vốn kiến thức lịch sử quan trọng, ấn tượng, không khô khan, dễ hiểu và dễ nhớ. Từ đó vun đắp lòng yêu nước, ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, có trách nhiệm hơn với quê hương, đất nước”, đạo diễn Nguyễn Trung Thành chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đạo diễn - họa sĩ Nguyễn Trung Thành: Văn hóa Việt là dòng suối mát chảy trong tôi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO