Hiện nay trên phạm vi gần như toàn cầu, khán giả đang dần rời xa sân khấu.
Điều đó tạo nên một cuộc khủng hoảng sáng tạo và thưởng thức lớn, tác động trực tiếp đến bản chất tồn tại của chính loại hình nghệ thuật này. Đó cũng là thách thức lớn lao cho các nhà quản lý và nghệ sĩ sân khấu trong nước đối với tương lai sân khấu kịch Việt.
Dịp kỷ niệm 100 năm, cho phép chúng ta nhìn thẳng vào những thành tựu và hạn chế của nền sân khấu kịch Việt Nam hiện đại. Có thể tạm chia nền sân khấu kịch 100 tuổi của chúng ta ra làm 4 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất 1921 - 1946. Giai đoạn thứ hai 1946 - 1971. Giai đoạn thứ ba 1971 - 1996. Giai đoạn thứ tư 1996 - 2021.
Trong đó, giai đoạn thứ ba (1971 - 1996) là giai đoạn “đỉnh cao” của sân khấu kịch Việt Nam với sự xuất hiện của lớp đạo diễn thế hệ thứ hai được đào tạo bài bản, “vẫn” trên nền tảng phương pháp sân khấu hiện thực tâm lý của K. Stanislavski, từ Liên Xô (cũ) và các nước trong hệ thống XHCN trở về. NSND Phạm Thị Thành, NSND Huỳnh Nga, NSND Xuân Huyền, NSND Lê Hùng, NSƯT Đoàn Anh Thắng. NSND Đoàn Bá, NSND Hoàng Quân Tạo, NSƯT Trần Minh Ngọc, NSƯT Lê Chức...Sẽ không có những đỉnh cao của sân khấu kịch trong giai đoạn này nếu không có những tên tuổi tác giả như Xuân Trình, Võ Khắc Nghiêm, Sỹ Hanh, Xuân Đức, Nguyễn Quang Lập, Tất Đạt, Lê Duy Hạnh…
Đặc biệt nhất trong giai đoạn này là hai hiện tượng đạo diễn Doãn Hoàng Giang và tác giả Lưu Quang Vũ (1948 - 1988), với những kịch bản và vở diễn đầy tính hiện thực và thời sự đã đưa sân khấu kịch lên tuyến đầu, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Tên tuổi của nhiều diễn viên như: Trần Tiến, Trọng Khôi, Phạm Bằng, Hoàng Dũng, Hoàng Cúc, Đức Trung, Lê Khanh, Minh Hòa và rất nhiều người khác nữa đã được ghi danh trong lịch sử sân khấu.
Và, giai đoạn thứ tư (1996 - 2021) có thể tạm gọi tên là giai đoạn “chuyển hóa” của sân khấu kịch Việt Nam hiện đại. Đa số các đạo diễn và tác giả của giai đoạn này được đào tạo trong nước và thiếu hẳn cơ hội tiếp cận kiến thức và thông tin về sự phát triển của sân khấu thế giới. Cần mạnh dạn thừa nhận rằng sân khấu kịch Việt Nam giai đoạn này, dù có những thành tựu nhất định, vẫn đang trong một cuộc khủng hoảng lớn với sự thiếu vắng những vở diễn có tầm vóc nhân bản và mang tính thời đại như ở giai đoạn trước.
Đời sống sân khấu không còn sống động và dần chuyển hóa thành hai khu vực. Khu vực sân khấu kịch phía Bắc với các nhà hát công lập gần như chỉ dựng vở theo chỉ tiêu kế hoạch và phục vụ cho các kỳ hội diễn hoàn toàn bằng kinh phí ngân sách nhà nước. Khu vực sân khấu phía Nam hình thành các nhóm sân khấu xã hội hóa của các nghệ sĩ trẻ ngoài công lập hoạt động bằng kinh phí tự thân. Tiêu biểu mở màn cho khu vực này là sân khấu 5B Võ Văn Tần, Sân khấu Idecaf, Sân khấu Hồng Vân, Sân khấu Hoàng Thái Thanh, Sân khấu Phước Sang, Sân khấu Nụ Cười Mới và gần đây nhất là Sân khấu Trịnh Kim Chi, Sân khấu Quốc Thảo. Họ đã tạo nên một đời sống sân khấu khá sôi động nơi luôn sáng đèn và thu hút công chúng hàng đêm với nhiều thể loại kịch khác nhau. Kịch hài, kịch hành động, kịch tâm lý, kịch kinh dị, kịch giả tưởng... Có thể thấy nỗ lực lớn lao của các nghệ sĩ sân khấu trẻ phía Nam trong giai đoạn này.
Một trong những bước đột phá của sân khấu kịch Việt Nam trong giai đoạn chuyển hóa này là việc tổ chức các liên hoan “sân khấu thử nghiệm” quốc tế tại Hà Nội do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khởi xướng với sự hưởng ứng đông đảo của các nhà hát và đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế.
Sau 100 năm nhìn lại, chúng ta có thể thực sự tự hào với những thành quả to lớn mà các thế hệ hôm qua và hôm nay đã đạt được. Sân khấu Kịch Việt Nam đã được sinh ra và trưởng thành cùng với sự nghiệp đấu tranh giải phóng giành độc lập dân tộc, thống nhất non sông và khát khao xây dựng một quốc gia tự do, dân chủ, văn minh và phồn thịnh. Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và những vấn đề cấp bách chung của nhân loại đang đổi thay toàn diện hiện thực thế giới và tương lai con người trong thế kỷ XXI.
Hoạt động sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật nói chung, đời sống sân khấu nói riêng cũng không tránh khỏi những tác động tích cực và tiêu cực từ những thay đổi này. Có một thực tế rằng, hiện nay trên phạm vi gần như toàn cầu, khán giả đang dần rời xa sân khấu. Điều đó tạo nên một cuộc khủng hoảng sáng tạo và thưởng thức lớn, tác động trực tiếp đến bản chất tồn tại của chính loại hình nghệ thuật này. Đó cũng là thách thức lớn lao cho các nhà quản lý và nghệ sĩ sân khấu trong nước đối với tương lai sân khấu kịch Việt Nam hướng tới 100 năm phía trước.