Đạo diễn - NSƯT Sĩ Tiến: Cánh cửa mở cho tuổi trẻ

Hồng Quế (thực hiện) 03/11/2019 07:52

Sau thành công tại Liên hoan Sân khấu Kịch nói Toàn quốc 2018 với Huy chương vàng cho vở kịch “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, đạo diễn Sĩ Tiến tiếp tục dồn tâm huyết dàn dựng tác phẩm mới của mình với tên gọi “Ngược chiều gió” của tác giả trẻ Huệ Ninh, sẽ công diễn trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ vào ngày  3/11/2019.

Đạo diễn - NSƯT Sĩ Tiến: Cánh cửa mở cho tuổi trẻ

Đạo diễn - NSƯT Sĩ Tiến.

PV:Vở diễn “Ngược chiều gió” của anh sẽ là cánh cửa mang màu sắc như thế nào đối với khán giả ngày hôm nay?

Đạo diễn - NSƯT Sĩ Tiến:Về cái đúng cái sai, đôi khi con người ta chỉ vì có lợi cho mình thì nghĩ là đúng, nhìn đại cục thì cái đúng ấy chưa hẳn một cách toàn diện. Ô cửa sổ nhỏ gió rất ít, nhưng mở toang một cánh cửa lớn thì gió lại khác. Con người ta không thể đi quá xa trong hành trình của mình để giải mã một giá trị đích thực cho đời sống riêng, nhưng có lẽ những điều đúng sai, được mất nó chỉ là một khoảnh khắc rất nhỏ, rất mong manh. Một lần tôi cũng giải thích về việc vượt đèn đỏ, có thể ở ngã tư không có ai cả thì tại sao mình lại phải dừng lại? Vì sau lưng mình chở đứa con, nếu con nó nhìn thấy mình vượt đèn đỏ thì trong tương lai nó cũng sẽ vượt đèn đỏ thôi. Vượt đèn đỏ nó nguy hiểm thế nào thì mọi người biết rồi, nhưng mà người đi đèn xanh, có thể họ ở rất xa nhưng mình không tôn trọng họ. “Ngược chiều gió” là cánh cửa mở cho tuổi trẻ ngày hôm nay, là bài toán để chúng ta tự định vị lại trong mọi việc rất đời thường, mình định vị thế nào thì cơn gió nó sẽ nương mình và giúp cho mình lớn lên thế, còn nếu chúng ta tiếp tục và tưởng rằng nó không ảnh hưởng gì nhưng kỳ thực nó sẽ đẩy đến những thứ mà mình không thể tưởng tượng được.

Trước xã hội đang có xu thế phát triển rất mạnh, lớp trẻ hiện nay muốn chứng minh bản thân mình bằng cách sống độc lập. Quan điểm của anh như thế nào về câu chuyện gia đình với mâu thuẫn của bậc phụ huynh và con em mình?

-Từ lâu rồi Nhà hát Tuổi trẻ đã mong muốn có những vở diễn phù hợp với lứa tuổi vị thành niên, nhưng vẫn đang trong quá trình tìm kiếm và gần đây, đọc truyện của Huệ Ninh, chúng tôi thấy rằng đã chạm được vào những điều ấy. Nhưng khi chạm vào thì thấy sự khốc liệt trong quan điểm sống của người lớn tuổi và trẻ vị thành niên. Thật ra xã hội thì thời kỳ nào cũng thế, giữa phụ huynh và con em của mình bao giờ cũng có một khoảng cách, nay xã hội phát triển, thì điều đó là câu hỏi rất mãnh liệt trong mối quan hệ gia đình. Trong kịch bản “Ngược chiều gió” có quá nhiều thứ mà Huệ Ninh có thể đã chắt lọc từ những điều mà cô ấy đã nhận ở cuộc sống, đã hoài nghi, với những đánh giá mang tính dự báo rất ghê gớm. Trộm nghĩ, có những đoạn viết của Ninh có tính triết lý mà các tác giả lớn trước đây đã từng áp dụng, đó là tính chia sẻ, khiến cho người ta phải suy nghĩ rằng nếu không cẩn thận thì chúng ta sẽ bị trả giá trong tương lai. Đọc kịch bản lần đầu, thấy hơi gần với truyền hình và điện ảnh, nhưng khi được giao làm vở này, tôi nghĩ tiết tấu ấy so với xã hội hôm nay thật sự cần thiết. Điều chỉnh vở diễn không nhiều cho mạch kịch thật mạch lạc, và nhắm đúng vào đối tượng mà mình cần họ suy nghĩ. Một ý rất quan trọng đó là trẻ con bây thông minh hơn, tự tin hơn, có trình độ cao hơn nên quan điểm sống, sự cởi mở cũng như tầm nhìn lớn hơn trẻ con ngày xưa, đấy là điều đáng mừng, cuộc tranh đấu giữa hai thế hệ đòi hỏi giá trị văn hóa. Tôi lấy lời nói của Nelson Madela để áp dụng cho vở diễn này “Con người ta có trung thực với học vấn của mình hay không vì nếu không trung thực thì xã hội sẽ phát triển theo hướng khác”. Đặc biệt vở kịch đã chạm đến sự không chấp nhận sự dối trá, cần thay đổi, không nói dối, sẵn sàng đối diện với những điều không còn phù hợp từ mối quan hệ gia đình ra ngoài xã hội. Cứ ngày một ngày sẽ cập nhật được những tri thức, học thức, đẳng cấp và sự giáo dưỡng trong từng gia đình sẽ giúp cho trẻ lớn lên, và hy vọng trong tương lai với những thế hệ tiếp theo sẽ có nhiều điều giúp cho xã hội phát triển một cách tốt đẹp.

Ở những vở diễn như “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, “Ông Ba Bị”, “Nước mắt đàn ông” thấy một đạo diễn hiện đại, lôi cuốn và không kém phần sâu sắc. Vậy trong “Ngược chiều gió” anh dàn dựng thế nào để cuốn hút người xem?

-Thực ra mỗi đạo diễn luôn tìm tòi cách dự cho riêng mình, nếu như bạn là người đã xem những vở diễn của tôi thì 3 vở ấy đều không bị quá lệ thuộc vào cảnh trí, không bị rơi vào minh họa hay mô tả, cách của tôi là vẽ ra một không gian để diễn viên thỏa sức sáng tạo, và quan trọng là khán giả có đất để tưởng tượng. Tôi cố gắng tìm giải pháp để đưa khán giả đến nhiều không gian tưởng tượng mà họ không cảm thấy tẻ nhạt, vì tôi rất sợ cách bày biện một cách cụ thể, không hiệu quả. Sân khấu là nơi mà người ta có thể như đọc một cuốn tiểu thuyết bằng hình ảnh, không giống như xem phim vì xem phim có khoảng cách, nhưng sân khấu lại không có khoảng cách nên khán giả có cảm giác như mình đang ở trong câu chuyện ấy, khán giả không bị tách ra khỏi câu chuyện, nên cách thoại, cách diễn, cách tiếp cận hình ảnh, ánh sáng, âm thanh phải gần gũi như câu chuyện của đời mình. Bản thân tôi là người đứng trên sân khấu khá lâu, với nhiều vai diễn, kiểu diễn khác nhau, nên tôi hiểu thực sự trong khán phòng khán giả thú vị nhất với điều gì. Và khi dựng vở, tôi mong muốn giữ được nhiệt ở trong khán phòng, để họ không bị buông lơi, không cảm thấy tẻ nhạt, không cảm thấy xa vời, không phải câu chuyện của ai đấy, phải tác động đến người xem. Khi tôi làm vở “Nước mắt đàn ông”, chỉ có vài phút cuối từng đôi yêu nhau, nhưng khi ra khỏi khán phòng, khán giả từng đôi ôm lấy bờ vai nhau, tôi rất xúc động!

Đạo diễn - NSƯT Sĩ Tiến: Cánh cửa mở cho tuổi trẻ - 1

Những cảnh trong vở diễn trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ.

Anh truyền cảm hứng thế nào cho diễn viên khi anh dàn dựng vở diễn?

-Nghệ sĩ là phải dâng hiến, nếu như bạn chỉ diễn giả vờ thì không bao giờ thành công. Khán giả ngày hôm nay đòi hỏi một lối diễn xuất cực kỳ điêu luyện, sự quyến rũ về ngôn ngữ cơ thể và giọng nói sẽ là chất liệu rất quan trọng đối với khán giả đến với sân khấu. Ngày xưa các cụ nhà ta phải đi xem vở chèo mất mấy lần để biết kép đấy là ai, đào ấy là ai, để nhận diện ra rằng vở diễn hay đến mức nào? Hiện nay Nhà hát Tuổi trẻ có một thế hệ đào kép mới, các bạn ấy đang nỗ lực khẳng định mình, đang xây dựng một diện mạo cập nhật xu hướng chung của sân khấu thế giới, bởi vì may mắn là Nhà hát Tuổi trẻ có những cơ hội hợp tác với nước ngoài. Các diễn viên trẻ hiện nay rất nỗ lực và yêu nghề, sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng cống hiến. Thực ra tôi truyền cảm hứng thế nào cho diễn viên là một vấn đề hoàn toàn khác, vì nó phụ thuộc vào nhận thức. Đôi khi những nỗ lực ấy không được phân tích, không được mổ xẻ, không được bóc tách thì sẽ bị nhầm lẫn về cảm xúc. Khi làm việc, tôi luôn luôn trao đổi, gợi mở, gợi ý, lắng nghe lẫn nhau, thậm chí những diễn viên giỏi cũng điều chỉnh được cảm xúc của tôi! Đánh thức cảm xúc của khán giả, đó là điều tôi mong muốn nhất. Tôi rất sợ những diễn viên hời hợt, chỉ thuộc lời, thuộc thoại mà không cảm xúc, tôi cần những người biết dâng hiến và hy sinh cho vai diễn. Tôi đã từng nói với những bạn diễn của mình về sự học hỏi của người thầy mình là NSND Xuân Huyền mà tôi không bao giờ quên: “Trên sân khấu, tất cả đều là giả, chỉ có mối quan hệ mới là thật”. Khi tôi chia sẻ điều đó thì các bạn đều tĩnh tâm suy nghĩ và có những thay đổi tốt cho vai diễn của mình.

Đạo diễn - NSƯT Sĩ Tiến: Cánh cửa mở cho tuổi trẻ - 2

Những cảnh trong vở diễn trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ.

Hiện tại Nhà hát Tuổi trẻ, anh là Phó Giám đốc chuyên trách về dự án của nước ngoài. Vậy cách gì để dự án của Nhà hát Tuổi trẻ luôn được công chúng đón nhận?

-Theo sự phân công thì tôi phụ trách đối ngoại của Nhà hát. Tôi rất sợ nghe nói rằng những dự án này là do tôi mang về, hay là do tôi mà có. Chúng ta quên mất rằng dự án có thành công hay không là do yếu tố con người, các nghệ sĩ đang lăn lộn hàng ngày trên sân khấu, những anh em kỹ thuật đang chăm sóc cho vở diễn, những trợ lý, hậu đài luôn miệt mài - đó mới là quan trọng nhất. Còn phân công việc này tôi có thể làm tốt hoặc không tốt, nhưng không có nghĩa là không có tôi thì không có cái dự án đấy, và tôi mong muốn mọi người hiểu rằng Nhà hát Tuổi trẻ hôm nay làm được nhiều dự án để công chúng đón nhận là do công sức của rất nhiều người với nhiều trái tim nghệ sĩ luôn cởi mở, ham học hỏi, say mê nghệ thuật. Tôi với tư cách được phân công luôn luôn biết ơn họ, chính họ mới là người làm cho tác phẩm sống động, giàu sức thuyết phục, và khán giả bỏ tiền ra mua vé.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện với nhiều suy nghĩ mới mẻ cho nghệ thuật!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đạo diễn - NSƯT Sĩ Tiến: Cánh cửa mở cho tuổi trẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO