Đạo đức nhà giáo: Chấn chỉnh từ đâu

Thu Hương 03/03/2017 09:00

Từ những vụ việc tiêu cực xảy ra liên tiếp thời gian gần đây, nhiều người đặt câu hỏi về việc làm thế nào để trường học không chỉ là nơi dạy chữ mà còn phải dạy về nhân cách đạo đức, bắt đầu từ sự làm gương của chính các thầy cô.

Trường Tiểu học Nam Trung Yên- nơi vừa xảy ra vụ việc khiến Hiệu trưởng, Hiệu phó bị cách chức.

Xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường

Chỉ trong một thời gian ngắn ở Hà Nội xảy ra nhiều vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo như vụ việc ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên; vụ học sinh lớp 12 bị bỏng trong giờ thực hành ở Trường THPT Phan Đình Phùng; cô giáo dùng dép đánh vào đầu trẻ ở cơ sở mầm non Sen Vàng...

Trước thực tế này, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội thừa nhận hiện nay đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ở một số nơi về cơ cấu còn chưa đồng bộ, chất lượng chưa đồng đều giữa các khu vực, vùng miền. Công tác quản lý ở một số đơn vị chưa đạt yêu cầu nhiệm vụ đề ra, còn để xảy ra các hiện tượng quản lý thu chi, tổ chức dạy thêm học thêm không đúng quy định; quy chế dân chủ chưa được thực hiện đầy đủ... Một số giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, còn hạn chế về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và lòng yêu nghề.

Để giải quyết tình trạng này, ông Phạm Xuân Tiến- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, các nhà trường đang xây dựng bộ quy tắc ứng xử, đồng thời tăng cường tuyên truyền vận động mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo. Tấm gương đạo đức ở đây không chỉ đơn giản là nói năng lịch sự, lễ phép, ăn mặc lịch sự mà đây là đạo đức nghề nghiệp, tư cách của một nhà giáo.

Trước đó, báo cáo của Đoàn Giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho biết, hiện nay ngành giáo dục Hà Nội có 133.830 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cấp học, ngành học, trong đó có 98.323 giáo viên. Bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn tồn tại các hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Chẳng hạn công tác tham mưu xây dựng chính sách mới cùng với mức lương giáo viên chưa phù hợp. Một số chính sách khi triển khai thực hiện đạt chất lượng chưa cao.

Chú trọng khâu đầu vào

Liên quan đến vấn đề đạo đức nhà giáo, ông Phan Thanh Bình- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Trưởng đoàn Giám sát đặt câu hỏi với lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội: “Đội ngũ giáo viên hiện nay không ít, vậy chúng ta đã đáp ứng được yêu cầu hay chưa? Làm sao để thu hút được học sinh giỏi thi vào trường sư phạm. Chương trình đào tạo sư phạm như thế nào khi các em hiện nay có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, trước những thay đổi của xã hội?”

Chất lượng đầu vào của sinh viên ngành sư phạm cũng chính là câu hỏi khiến dư luận băn khoăn thời gian qua. Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ- nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, một trong những nguyên nhân khiến đạo đức nhà giáo xuống cấp là do hiện nay, chúng ta chưa đặt nặng về giáo dục chính trị tư tưởng trong các trường sư phạm. Đào tạo sư phạm tràn lan, không đúng chuẩn dẫn tới dư thừa giáo viên, chất lượng kém.

“Với phương án đưa giáo viên dư thừa ở các cấp học khác về làm giáo viên mầm non của Bộ GD&ĐT đang tính toán cần hết sức cân nhắc bởi đào tạo giáo dục mầm non có những đặc thù riêng mà nếu không yêu nghề thực sự thì không thể gắn bó lâu dài với nghề, đào tạo này sẽ thành lãng phí. Thậm chí, vì không chịu nổi áp lực công việc, thiếu kiềm chế mà các giáo viên gây ra những vụ bạo hành học sinh bị lên án nhiều thời gian qua”- PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ bày tỏ.

Bên cạnh đó, ông Vỳ cho rằng, trong chương trình đào tạo sinh viên sư phạm phải chú trọng hơn đến giáo dục nhân cách, đạo đức cho sinh viên. Các trường sư phạm phải quay trở lại với việc đầu tư cho phòng công tác chính trị, góp phần đào tạo, hình thành nhân cách cho người thầy ngay trong môi trường sư phạm.

Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, cần siết chặt việc mở đào tạo ngành sư phạm; đổi mới chương trình đào tạo, trong đó chú trọng giáo dục phẩm chất, đạo đức nhà giáo... Đặc biệt, phải có chính sách về lương, thưởng cho nhà giáo phù hợp với điều kiện xã hội để giáo viên yên tâm làm nghề, tập trung vào chuyên môn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đạo đức nhà giáo: Chấn chỉnh từ đâu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO