Đào tạo sư phạm: Cần thống nhất chuẩn chuyên môn

Thu Hương 25/10/2021 08:00

Đứng trước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ về đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới 2018, các trường đại học (ĐH) đào tạo sư phạm đã nhanh nhạy chuyển hướng trong việc xây dựng chương trình, mở ngành mới…

Thay đổi để thích ứng

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo), toàn quốc hiện có 56 trường ĐH đào tạo sư phạm, bao gồm: 14 trường ĐH sư phạm; 42 trường ĐH đa ngành có đào tạo giáo viên; 2 học viện; 3 phân hiệu và 1 khoa trực thuộc. Với 31 ngành đào tạo trình độ ĐH; 1 ngành ở trình độ cao đẳng, tính tới tháng 12/2020, quy mô đào tạo ĐH sư phạm chính quy là 52.362 sinh viên; tổng số giảng viên là 5.866 người.

Trong đó, nhiều ngành mới mở để đáp ứng Chương trình GDPT 2018. Năm 2019, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh đã mở ngành đào tạo Sư phạm Khoa học Tự nhiên với 50 chỉ tiêu. Năm 2020, trường tuyển 43 chỉ tiêu cho ngành đào tạo Sư phạm Lịch sử - Địa lý. Đến năm 2021, chỉ tiêu tuyển mới với ngành Khoa học Tự nhiên lên đến 160 sinh viên, ngành Lịch sử - Địa lý là 190 em.

Nhìn chung bên cạnh việc mở các chuyên ngành sư phạm Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý, các trường ĐH cũng xây dựng các chương trình đào tạo từ 25 -35 tín chỉ cho giáo viên (đã có 1 bằng ĐH chuyên ngành) để có thể dạy được các môn liên môn và tổ chức hoạt động trải nghiệm. Đối với các khóa sinh viên đang giảng dạy, nhà trường cũng chủ động bổ sung kiến thức sư phạm liên môn để khi tốt nghiệp, các em đủ khả năng đảm nhận các môn học tích hợp trong chương trình mới.

Đào tạo sư phạm không thể giậm chân tại chỗ là quan điểm được ông Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhiều lần nhấn mạnh. Thay đổi để thích ứng với yêu cầu mới đặt ra không chỉ là việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa phổ thông mà còn là dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Muốn vậy, các trường sư phạm đẩy mạnh đổi mới mô hình và chương trình đào tạo theo hướng tăng cường rèn luyện năng lực nghề nghiệp cho sinh viên. Nhà trường phải đổi mới phương pháp dạy và học, chuyển từ truyền đạt một chiều, tiếp thu thụ động, thiếu phản biện sang cách học có tương tác và khơi dậy được tiềm năng, trí tuệ, sự tham gia của người học.

Chia sẻ quan điểm này, GS. TS Nguyễn Văn Nở (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết: Ngay khi có chủ trương Chương trình GDPT mới, Khoa Sư phạm đã tham mưu với lãnh đạo trường và thống nhất xây dựng lại chương trình đào tạo. Trong đó chú trọng thiết kế lại chương trình đào tạo với tinh thần đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT mới; vừa đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ sư phạm trong tình hình mới.

Thống nhất chuẩn đào tạo

Một thực tế hiện nay đó là ngay trong các trường sư phạm cũng đào tạo song song các ngành nghề khác như du lịch lữ hành, quản trị nhân lực… hoặc các ngành học không phải sư phạm. Theo các chuyên gia giáo dục, điều này là xu hướng tất yếu trong bối cảnh các trường ĐH đang thực hiện hoặc tiến tới thực hiện tự chủ ĐH. Trở thành các trường ĐH đa ngành là sự thay đổi về mô hình. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là làm sao để đảm bảo chất lượng đào tạo sư phạm không giảm sút, thậm chí phải ngày càng nâng cao, đáp ứng được những thay đổi của chương trình và đời sống xã hội đặt ra.

Tại cuộc họp trực tuyến với các trường sư phạm, trường có đào tạo giáo viên trên cả nước vừa diễn ra, ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nhìn nhận, trong thời gian qua và sắp tới, các trường sư phạm đã, đang và sẽ thay đổi về mô hình; theo đó đa ngành là xu thế lớn. Không nên coi việc chuyển đổi theo xu hướng đa ngành là điều gì đó không tốt với đào tạo giáo viên. Dù đa ngành, hay thuần túy đào tạo sư phạm, điều quan trọng là đào tạo giáo viên phải đạt được các chuẩn đặt ra.

“Chúng ta chấp nhận mô hình có thể đa dạng, chấp nhận sự chuyển đổi, nhưng điều không đổi là chuẩn về chuyên môn, chuẩn nghề nghiệp, chuẩn về nghiệp vụ mà sinh viên sư phạm cần đạt được. Do đó, các trường đào tạo giáo viên theo mô hình đa ngành cần đặc biệt lưu ý đến các nghiệp vụ sư phạm để không vì xu hướng đa ngành khiến đào tạo giáo viên giảm chất lượng. Với các trường chủ yếu đào tạo giáo viên, cũng cần cân nhắc về mô hình phát triển của mình trong tương lai”- ông Sơn nhấn mạnh.

Để làm được điều đó, hiện nay, các trường đào tạo sư phạm đều công bố công khai chuẩn đầu ra của mình để xã hội và các nhà tuyển dụng, người học đánh giá. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cũng là thước đo quan trọng để nhìn nhận về chất lượng đào tạo của nhà trường.

Theo PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, vấn đề xây dựng chương trình đào tạo là câu chuyện muôn thuở của các trường ĐH không chỉ riêng khối ngành sư phạm mà là của tất cả các trường ĐH, CĐ nói chung. Trong dòng chảy biến đổi của thời gian, những yêu cầu đặt ra đối với chương trình đào tạo cũng liên tục thay đổi. Với đào tạo sư phạm hiện nay, khung chương trình đào tạo phù hợp với chương trình, sách giáo khoa mới là yêu cầu đặt ra. Yêu cầu chung là các trường sư phạm phải bám sát Chương trình GDPT 2018 đã được Bộ GDĐT phê duyệt để xây dựng, cải tiến khung chương trình đã có nhưng cũng cần tính đến yếu tố vùng miền, địa phương… Việc xây dựng một chương trình chung để tất cả các trường tuân theo sẽ khó khả thi mà phụ thuộc vào quan điểm, chiến lược phát triển của từng trường… Tuy nhiên, chuẩn đầu ra với những điểm chung về chuyên môn, nghiệp vụ sinh viên cần đạt được thì trường nào cũng cần công khai và có hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục, người học và xã hội sẽ giúp giám sát việc đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đào tạo sư phạm: Cần thống nhất chuẩn chuyên môn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO