Từ năm học 2021-2022, sinh viên học ngành sư phạm sẽ được Nhà nước hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn với những sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội, không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu thì có được hưởng ưu đãi này không?
Thay đổi cục diện tuyển sinh sư phạm
Theo Nghị định 116, ngoài khoản tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học; mỗi sinh viên sư phạm còn được nhận mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Đây là một chính sách nhân văn và kỳ vọng sẽ thu hút được học sinh giỏi đầu quân vào sư phạm.
GS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học (ĐH) Thái Nguyên cho biết, thống kê năm 2020, chỉ tiêu của các trường sư phạm là 70.000 chỉ tiêu thì có hơn 72.000 hồ sơ (tỷ lệ gần 1/1); năm 2021 có hơn 50.000 chỉ tiêu thì đã có gần 130.000 hồ sơ (gấp hơn 2,5 lần). Nhiều trường sư phạm lớn đã có tỷ lệ hồ sơ gấp nhiều lần chỉ tiêu, ví dụ Trường ĐH sư phạm (ĐH Thái Nguyên) là 1 chỉ tiêu đã có đến 8 hồ sơ.
Tương tự, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận định năm nay điểm chuẩn vào khối ngành đào tạo giáo viên sẽ tăng do số lượng thí sinh đăng ký tăng cao do các chính sách của nhà nước hỗ trợ sinh viên sư phạm bắt đầu phát huy hiệu quả.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cũng công bố mức điểm sàn năm nay của khối ngành đào tạo giáo viên hệ ĐH là 18-19 điểm, cao hơn năm 2020 là 0,5 điểm tùy ngành. Ghi nhận từ điểm sàn của các trường đào tạo giáo viên đều tương đương hoặc cao hơn 1-2 điểm so với mức Bộ GDĐT quy định. Thí sinh sẽ nhận kết quả trúng tuyển đợt 1 theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT của các trường sư phạm cùng với các trường khác trước 17h ngày 16/9.
Hỗ trợ bình đẳng như nhau
Theo Nghị định 116, sinh viên được nhận hỗ trợ chia làm 2 nhóm: Nhóm sinh viên sư phạm đào tạo theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và nhóm sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội. Nhìn chung, dù ở nhóm nào sinh viên cũng nhận chế độ hỗ trợ bình đẳng như nhau.
Cụ thể, theo Nghị định 116, cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu chi trả trực tiếp cho cơ sở đào tạo giáo viên kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt của sinh viên sư phạm theo cơ chế Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đối với các sinh viên sư phạm thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.
Đối với sinh viên sư phạm khác trong chỉ tiêu Bộ GDĐT thông báo nhưng không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu, thì kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được bố trí trong dự toán hằng năm của cơ sở đào tạo giáo viên được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Với cả 2 nhóm này, cơ sở đào tạo giáo viên có trách nhiệm chi trả tiền hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm thông qua tài khoản tiền gửi của sinh viên tại ngân hàng. Trong đó, tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học; mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Ai phải bồi hoàn kinh phí?
Nhiều thí sinh có nguyện vọng đăng ký vào các trường đào tạo sư phạm bày tỏ lo lắng khi có thông tin liên quan đến có ngành thừa, có ngành thiếu giáo viên tuy nhiên lại không nắm rõ thông tin tại địa phương mình, thừa thiếu giáo viên ở lĩnh vực nào, vùng nào… Liệu các em đăng ký học ngành mình yêu thích và trúng tuyển, song sau 4 năm học ra trường lại dư thừa và thất nghiệp thì sao? Lúc đó, có phải bồi hoàn kinh phí hay không?
Về vấn đề này, Bộ GDĐT cho biết đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giao bổ sung 94.714 biên chế trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, riêng năm 2021, đề nghị bổ sung khoảng 30.000 biên chế (gồm 20.000 biên chế giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, cấp THPT và 10.000 biên chế giáo viên mầm non cho các địa phương vùng sâu, vùng xa khó khăn, vùng dân tộc thiểu số). Song Bộ Bộ GDĐT cũng thông tin hiện đang thừa 10.178 giáo viên ở các cấp học.
Vì vậy, trước mắt thí sinh yên tâm đăng ký và theo học ngành mình yêu thích. Những sinh viên giỏi, có thành tích tốt thì không lo về việc thất nghiệp bởi các nhà trường đều đang tích cực kết nối với các địa phương về nhu cầu đào tạo giáo viên. Bên cạnh đó, Nghị định 116 quy định rõ công tác trong ngành giáo dục, kể cả làm giáo viên, làm quản lý hay bất cứ việc nào ở công lập hay ngoài công lập đều không phải bồi hoàn kinh phí.
Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết sau khi thí sinh trúng tuyển, trường sẽ thông báo về chỉ tiêu đào tạo mà các địa phương đặt hàng, các em có mong muốn công tác tại địa phương nào sẽ đăng ký. Trong đó, các địa phương đặt hàng là đặt chỉ tiêu nhu cầu cần và sinh viên trúng tuyển trường sư phạm có quyền đăng ký nhận hỗ trợ và cam kết sau này công tác cho địa phương, chứ không phải đặt hàng là địa phương gửi danh sách học sinh của địa phương đến trường đào tạo. Do đó, sinh viên của tỉnh này có thể đăng ký nhận hỗ trợ và cam kết công tác tại tỉnh khác.