Đào tạo ngành sư phạm: Nam châm chưa đủ sức hút

Dung Hòa 02/08/2021 06:30

Kể từ khi Bộ GDĐT qui định ngưỡng điểm sàn với các khối ngành giáo dục, sức khỏe, điểm chuẩn trúng tuyển đại học (ĐH) các ngành đào tạo giáo viên ngày càng cao. Trong đó một số ngành “nóng” điểm chuẩn trung bình các phương thức có khi lên tới 8 - 9 điểm/môn.

Tăng chuẩn đầu vào, áp dụng chính sách ưu đãi trong đào tạo, nhưng trên thực tế khối ngành sư phạm vẫn chưa thu hút người học. Nhiều chuyên gia cho rằng “nam châm” này là tốt nhưng chưa đủ...

Điểm chuẩn ngành sư phạm tăng qua những năm gần đây. Ảnh: Quang Vinh.

Điểm chuẩn ngành sư phạm tăng

Theo lịch điều chỉnh xét tuyển ĐH 2021 của Bộ GDĐT vừa công bố cuối tuần qua, thời gian công bố ngưỡng điểm sàn khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe được lùi đến ngày 26/8 (trước đó là ngày 3/8).

Theo xu hướng tăng chuẩn đầu vào để nâng chất lượng đào tạo, hai năm qua điểm chuẩn khối ngành đào tạo giáo viên đã nhích lên đáng kể. Đơn cử như trong mùa tuyển sinh 2020, ngành sư phạm Toán học dạy bằng tiếng Anh của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có điểm chuẩn tương ứng là 28 và 27 điểm cho khối A và D01. Đây là mã ngành mà Trường ĐH Sư phạm Hà Nội triển khai đầu tiên từ năm 2013. Kể từ khi tuyển sinh, đây luôn là một trong những ngành học lấy điểm đầu vào cao nhất trong khối các trường sư phạm 4 năm qua.

Phân tích biểu đồ điểm chuẩn khối ngành đào tạo sư phạm cũng cho thấy rõ biến động điểm tăng trong 2 năm qua. Đơn cử như điểm chuẩn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ngành Sư phạm Vật lý năm 2019 có điểm chuẩn là 24, năm 2020 điểm chuẩn là 25 điểm; ngành Giáo dục tiểu học điểm chuẩn năm 2019 là 27,5, năm 2020 điểm chuẩn là 31…

Xu hướng tăng điểm chuẩn các ngành đào tạo giáo viên những năm gần đây được chuyên gia tuyển sinh các trường đánh giá tích cực.

Theo tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trường ĐH Đà Lạt, có 2 lý do chính dẫn đến việc tăng này. Thứ nhất là do Bộ đưa ra quy định về ngưỡng đảm bảo đầu vào, các trường không thể xét ở mức điểm thấp hơn. Nguyên nhân thứ hai có tác động từ sự thay đổi trong cách xác định chỉ tiêu tuyển sinh khối ngành này.

Con số này dựa trên nhu cầu tuyển dụng giáo viên các địa phương thay vì các trường tự xác định chỉ tiêu theo năng lực đào tạo của trường mình như trước đây. Còn Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Trường ĐH Sài Gòn cũng cho rằng, điểm đầu vào tốt hơn sẽ là một nền tảng quan trọng để các trường ĐH có đầu ra tốt hơn.

Chật vật tuyển sinh

Theo Nghị định 116 của Chính phủ, từ tháng 11/2020, sinh viên theo học ngành sư phạm sẽ được nhà nước hỗ trợ chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng. Như vậy, ngoài việc miễn giảm 100% học phí, hiện nay sinh viên sư phạm là đối tượng được ưu đãi nhiều nhất của nhà nước.

Dẫu đã có nhiều nỗ lực để thu hút người giỏi, song vài năm gần đây kết quả tuyển sinh của ngành sư phạm vẫn chưa được như mong muốn. Theo thống kê năm 2020 của Bộ GDĐT, tuyển sinh ngành sư phạm có 35.936 TS nhập học, đạt 62,58%. Năm 2019 tỉ lệ này là 27.373 TS, bao gồm cả trình độ CĐ và trung cấp, đạt 52,97%... Trước đó, kết quả tuyển sinh ngành sư phạm năm 2018 cho thấy, tổng chỉ tiêu tuyển giảm 38% so với năm 2017.

Ghi nhận thực tế cũng cho thấy, từ năm 2020, Bộ GDĐT cho phép các trường đào tạo ngành sư phạm mở rộng đối tượng thuộc diện tuyển thẳng, hỗ trợ chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng/sinh viên (đến tháng 11/2020 mới được Chính phủ thông qua) nhưng vẫn chưa có sức hút với thí sinh.

Cả nước chỉ có một số trường có truyền thống đào tạo ngành sư phạm như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trường ĐH Sư phạm Huế, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, Trường ĐH Sư phạm TP HCMtuyển đạt chỉ tiêu và điểm trúng tuyển cao ở một số ngành. Còn lại nhiều trường ĐH ở các địa phương tuyển sinh rất chật vật.

Nhiều ngành như sư phạm Tin học, sư phạm Hóa, sư phạm Sinh, sư phạm Lịch sử, sư phạm Địa lý… tuyển không đủ chỉ tiêu. Điều đáng nói là ngoài việc xét tuyển kết quả bằng điểm thi THPT, các trường còn sử dụng phương thức tuyển sinh riêng nhưng vẫn phải xét tuyển bổ sung đến 50% - 60% chỉ tiêu, có ngành xét tuyển bổ sung nhiều đợt cũng chỉ có lác đác vài thí sinh.

Bất cập chính sách học phí

Trước khi Nghị định 116 ra đời, Luật Giáo dục 2005 cũng đã có quy định, sinh viên sư phạm không phải đóng học phí, nhà nước miễn học phí cho các em thông qua cơ chế cấp ngân sách trực tiếp cho các cơ sở đào tạo giáo viên.

Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện, chính sách này đã bộc lộ một số nhược điểm như: Sử dụng ngân sách chưa đảm bảo hiệu quả do sinh viên sư phạm ra trường không làm đúng ngành; thiếu nguồn lực đầu tư; không công bằng với các ngành học khác; không thu hút được sinh viên khá giỏi vào ngành sư phạm…

Để điều chỉnh tồn tại này, Nghị định 116 ra đời (áp dụng từ năm 2021), với mục tiêu, ngân sách nhà nước phải được sử dụng hiệu quả, cấp đúng đối tượng, sinh viên sư phạm phải làm đúng ngành sư phạm.

Theo đó, ngoài miễn phí học phí 100%, sinh viên được hỗ trợ sinh hoạt phí khoảng 3,63 triệu đồng/tháng. Thời gian hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt theo số tháng thực tế học tập tại trường, nhưng không quá 10 tháng/ 1 năm học. Đáng chú ý là qui định: Sau 2 năm, kể từ khi tốt nghiệp, nếu không công tác trong ngành giáo dục, hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn kinh phí mà nhà nước đã hỗ trợ.

Song giờ đây, vấn đề bồi hoàn kinh phí hỗ trợ đào tạo nếu đối tượng thụ hưởng không thực hiện đúng quy định, hiện chưa có cơ sở để thu hồi lại. Thống kê từ các địa phương cho thấy, sinh viên sư phạm ra trường còn dồn ứ lại hàng chục nghìn người qua nhiều năm. Hiện gần như địa phương nào cũng đang có rất nhiều sinh viên sư phạm thất nghiệp do những năm gần đây, nhiều tỉnh, thành và ngay cả Thủ đô Hà Nội tuyển dụng rất ít.

Các sinh viên sư phạm có chung tâm sự, vì nhiều lý do mà nếu không được công tác trong ngành, thì khoản bồi hoàn cũng sẽ trở thành gánh nặng với rất nhiều gia đình.

Vấn đề đặt ra lúc này là, nếu như sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp, thi tuyển viên chức giáo viên không đỗ, hoặc bị cắt hợp đồng, hay địa phương không có nhu cầu tuyển dụng giáo viên thì việc bắt các em bồi hoàn kinh phí liệu có công bằng?

Những qui định trên giấy đang khiến sinh viên sư phạm bị kẹt ở giữa. Rõ ràng một mặt được khuyến khích học sư phạm với các cơ chế nêu trên, nhưng những qui định đầu ra vừa chưa thuận, lại chồng chéo vướng mắc. Điều này đồng nghĩa với độ “vênh” đáng kể giữa nhu cầu đào tạo và thực tế tuyển dụng.

Bộ Tài chính vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ nâng mức vay cho học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn từ 2,5 triệu đồng lên 4 triệu đồng mỗi tháng. Đề xuất này được đưa ra trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định số 157/2007 của Thủ tướng về tín dụng đối với HSSV. Nếu được thông qua, quy định mới sẽ áp dụng ngay trong năm nay. Với các hợp đồng tín dụng HSSV đã ký trước thời điểm quyết định trên có hiệu lực, vẫn áp dụng theo hợp đồng đã ký.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đào tạo ngành sư phạm: Nam châm chưa đủ sức hút