Đấu giá để nâng tầm tác phẩm nghệ thuật

Hoàng Minh 25/05/2016 06:32

Việc đấu giá tác phẩm nghệ thuật tại Việt Nam từ lâu vẫn  thực hiện theo kiểu tự phát. Tác giả hay chủ sở hữu các tài sản mỹ thuật có giá trị đang quen với cách bán phổ thông là ký gửi tác phẩm tại các phòng tranh, các triển lãm… Hoạt động chưa chuyên nghiệp này không chỉ tạo nên  nhiều rủi ro mà còn trực tiếp làm thất thoát nguồn thu thuế cho Nhà nước. 

Đấu giá để nâng tầm tác phẩm nghệ thuật

1 tác phẩm mỹ thuật Việt Nam được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2015.

Tạo dựng sân chơi mới

Sàn đấu giá tác phẩm nghệ thuật từ lâu đã trở thành một hoạt động văn hóa, kinh tế độc đáo ở các quốc gia phát triển. Các phiên đấu giá được diễn ra rất quy chuẩn, được vận hành chặt chẽ bởi một hệ thống trải rộng khắp thế giới. Theo các chuyên gia trong giới sưu tầm, tại các nước có thị trường đấu giá phát triển, mỗi năm, nguồn thuế thu được từ hoạt động này lên tới hàng triệu đô la và giúp lan tỏa giá trị của tác phẩm tới đông đảo công chúng.

Việc thực hiện đấu giá tác phẩm sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, không chỉ hạn việc thất thoát thuế Nhà nước mà còn góp phần phát triển hoạt động sáng tác và khẳng định giá trị văn hóa đất nước, thế nhưng suốt nhiều năm liền, hoạt động này vẫn còn khá xa lạ trong nước.

Chỉ có những cuộc đấu giá mang tính chất từ thiện được diễn ra, còn lại, để thỏa mãn tình yêu nghệ thuật, nhiều nhà sưu tập phải tự đàm phán, trao đổi tác phẩm và không được pháp luật bảo hộ. Do đó, nhiều người không khỏi bất ngờ, khi một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực đấu giá đứng ra tổ chức một phiên đấu giá tài sản là các tác phẩm nghệ thuật theo hình thức chính quy lần đầu tiên từ trước tới nay, dự kiến diễn ra vào ngày 28/5.

Theo ông Trần Quốc Khánh- đại diện đơn vị tổ chức, việc mở một phiên đấu giá theo phong cách chuyên nghiệp và theo xu hướng thế giới là mong muốn đóng góp cho ngành đấu giá nước nhà một sự khởi đầu mới, khắc phục những lỗ hổng, hạn chế bấy lâu nay trong lĩnh vực này.

Tác giả hay chủ sở hữu của tác phẩm nghệ thuật sẽ nhận về 100% giá trị của tác phẩm theo giá khởi điểm mà tác giả ấn định, phần bán vượt sẽ được thỏa thuận phân chia tại hợp đồng bán đấu giá tài sản được ký với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp và người có tài sản bán đấu giá.

Cũng theo ông Khánh, kỳ vọng của những người tổ chức và tham gia phiên đấu giá, đó là mong muốn hoạt động bán đấu giá tài sản ở Việt Nam có bước tiến mới, việc mua bán giữa các bên được minh bạch, rồi việc bán đấu giá tài sản được đảm bảo sẽ tạo ra nguồn thu thuế rõ ràng…

Chưa được coi là kênh đầu tư

Lý giải cho sự thiếu vắng thị trường đấu giá trong nước, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quân, điều này xuất phát từ việc Nhà nước và xã hội chưa coi đây là một kênh đầu tư, mà đơn thuần chỉ là giao lưu nghệ thuật, tức là không mang lại giá trị kinh tế. “Tuy nhiên, suy nghĩ đó đang lệch hướng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của nhiều tổ chức thương mại quốc tế với nhu cầu giao lưu, trao đổi trên mọi lĩnh vực ngày càng gia tăng” - ông Quân cho biết.

Ông Quân cũng kiến nghị Chính phủ cần coi đây là kênh kêu gọi đầu tư, kênh quảng bá văn hóa, thu hút khách du lịch và có hình thức hỗ trợ phù hợp; các ngân hàng cần tham gia hỗ trợ các sàn đấu giá cũng như người tham gia đấu giá tác phẩm với mức giá ưu đãi...

Trở lại với phiên đấu giá hợp qui lần đầu tiên sắp được tổ chức, nhiều chuyên gia trong giới cho rằng, hoạt động này sẽ mang đến nhiều kỳ vọng hơn thế. Nếu tổ chức thành công, phiên đấu giá góp phần mở ra một kênh mua, bán tác phẩm nghệ thuật một cách công khai.

Cụ thể, theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, khi được đấu giá sẽ làm minh bạch hóa nguồn gốc tác phẩm, từ đó minh bạch hóa giá trị nghệ thuật đích thực của tác phẩm nghệ thuật, bảo vệ được các giá trị văn hóa đích thực của Việt Nam trên trường quốc tế; định lượng công khai giá trị các tác phẩm nghệ thuật; Nhà nước thu được ngân sách qua các giao dịch việc mua bán và giảm dòng tiền chảy ra nước ngoài. Cuối cùng là giúp kích thích sáng tạo nghệ thuật đích thực của các nghệ sĩ, từ đó tạo thêm cơ hội cho nghệ sĩ Việt vươn ra các sàn đấu giá quốc tế...

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cũng lưu ý, đơn vị tổ chức đấu giá cần phải quy tụ được một đội ngũ chuyên gia tư vấn, các đấu giá viên chuyên nghiệp để bảo đảm chất lượng sàn đấu giá. Trong bối cảnh, dự thảo Luật Đấu giá đang được tiếp tục sửa đổi, nhiều người kỳ vọng hoạt động này sẽ là một minh chứng thực tiễn để các nhà làm luật có thêm cơ sở cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu giá, kịp thời điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động đấu giá tài sản nói chung và đấu giá các tác phẩm nghệ thuật nói riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đấu giá để nâng tầm tác phẩm nghệ thuật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO