Đâu phải vì dân

Lê Anh Đức 26/09/2017 09:05

Lãnh đạo huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) khẳng định với báo giới rằng, việc khai khống về thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra là vì lợi ích của dân, khiến dư luận xã hội bức xúc. Bức xúc vì lẽ việc khai khống không chỉ là hành vi gian lận nhằm vơ vét tiền thuế của dân, mà còn thể hiện sự thiếu trung thực từ việc nhỏ nhất của lãnh đạo huyện, chưa kể sau đó lại đổ “tiếng ác” cho dân rằng vì họ mới khai khống. Đáng nói là với hành vi gian dối trên của UBND huyện Hoằng Hóa, lẽ ra UBND tỉnh Thanh Hóa

Giận quá hóa cười, nhiều người cho rằng, thà UBND huyện Hoằng Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa nói không phải chủ ý của các cơ quan này là khai vống, mà đó chỉ là lỗi... đánh máy. Lẽ ra là chỉ thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng, nhưng do nhân viên đánh máy không cẩn thận nên trót thêm nhầm một con số 0 vào đằng sau mới thành con số thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Giải thích như vậy xem ra còn “dễ ăn dễ nói” với dư luận xã hội hơn là việc nói khai vống là vì lợi ích của người dân.

Thôi thì tạm cho rằng đúng là UBND huyện Hoằng Hóa khai khống số tiền thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra là vì dân. Song, đó chỉ là cái lợi cho một bộ phận nhỏ người dân trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, trong khi người dân trên khắp cả nước đóng góp giúp đỡ cho một sự “thiệt hại ma”? Lẽ nào lãnh đạo huyện Hoằng Hóa và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa lại có tư tưởng địa phương cục bộ?

Đó chỉ là giả sử thôi. Trên thực tế thì hành vi khai khống số tiền thiệt hại chẳng phải vì dân mà vì những toan tính khác của địa phương. Nói như vậy không hề võ đoán bởi lẽ từng có việc tiền Trung ương rót về các địa phương để hỗ trợ thiên tai, lũ lụt không hẳn đã đến trọn vẹn với người dân. Có nơi sau khi nhận tiền hỗ trợ thiên tai, lũ lụt của Trung ương đã sử dụng vào việc khác thay vì chăm lo cho những người dân khốn khó. Đó là còn chưa kể cá biệt có những cán bộ địa phương còn tìm mọi cách bớt xén, đút túi riêng tiền hỗ trợ người dân bị thiên tai bão lũ. Chẳng phải cũng đã có rất nhiều người phải vô khám vì hành vi đó sao?

Có ý kiến cho rằng, huyện Hoằng Hóa và tỉnh Thanh Hóa không phải là địa phương duy nhất khai khống số tiền thiệt hại do thiên tai, lũ lụt. Chỉ có điều xưa nay chưa có bất cứ cơ quan nào thực sự kiểm tra, giám sát việc kê khai con số thiệt hại của các địa phương có chuẩn hay không nên không thể “chỉ mặt, đặt tên” cụ thể được.

Cũng khó trách, bởi hành lang pháp lý để điều chỉnh vấn đề này vẫn còn chưa hoàn thiện, nếu như không muốn nói là chưa có, thì các cơ quan chức năng cũng không có “cái gậy” nào để mà bám vào thực hiện việc kiểm tra, giám sát. Xưa nay, “mặc định” là khi xảy ra lũ lụt thì ngân sách Trung ương sẽ có một khoản không nhỏ rót về cho các địa phương khắc phục thiên tai. Chính cái sự “mặc định” ấy đã khiến cho lãnh đạo không ít địa phương ỷ lại, trông chờ vào sự cứu viện của Trung ương, mà không cần làm gì để khắc phục hậu quả bão lũ.

Chẳng thế mà có những khi tiền ngân sách trung ương rót về chậm, người dân cứ dài cổ đợi chờ sự hỗ trợ nhưng chính quyền địa phương thì vẫn... vô tư. Sự “mặc định” còn khiến lãnh đạo một số địa phương nảy sinh ý đồ xấu là khai vống thiệt hại theo kiểu “chẳng mấy khi có bão lũ để được hỗ trợ”, cứ khai thật nhiều để còn giải quyết nhiều việc của địa phương.

Nói như vậy không có nghĩa yêu cầu xóa bỏ sự hỗ trợ cần thiết của Trung ương cho người dân vùng thiên tai bão lũ. Chẳng phải mỗi khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra người dân khắp cả nước vẫn chung tay quyên góp với tình cảm yêu thương gửi tới đồng bào bị lũ lụt từng gói mì tôm, từng cân gạo, từng manh áo ấm, từng cuốn vở cho trẻ nhỏ đến trường đó sao?

Song, vấn đề đặt ra là Nhà nước cần kiểm tra, siết chặt việc hỗ trợ ngân sách cho các địa phương bị thiên tai, lũ lụt, để từng đồng tiền ủng hộ đến được với người dân bị nạn. Không thể cấp phát theo con số kê khai của địa phương mà không có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ, để rồi những đồng tiền quý giá ấy lại bị sử dụng một cách lãng phí sai mục đích.

Trở lại câu chuyện khai khống của lãnh đạo huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Dư luận đòi hỏi cơ quan chức năng cần phải truy cứu trách nhiệm, xử lý nghiêm những người cố tình lợi dụng thiên tai, lũ lụt để trục lợi, dù là cho cá nhân, lợi ích nhóm, hay cho tập thể.

Hành vi lợi dụng thiên tai dịch bệnh để trục lợi của các tư thương ngoài chợ chỉ đơn giản là nâng giá mớ rau, cân thịt... còn bị nghiêm cấm, thậm chí xử lý nghiêm khắc nếu cố tình vi phạm. Vậy thì có cớ gì những người đứng đầu một huyện, một tỉnh lợi dụng thiên tai lũ lụt để trục lợi dưới chiêu bài vì dân lại được bỏ qua?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đâu phải vì dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO