Đầu tàu kinh tế nhận diện thách thức

Thành Luân 20/08/2022 08:30

Ngày 19/8, Hội Khoa học Kinh tế và Kỹ thuật TPHCM, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM tổ chức tọa đàm khoa học “Kinh tế TPHCM thích ứng bối cảnh sau đại dịch Covid-19”

Một góc hạ tầng giao thông kết nối TP Thủ Đức với trung tâm TPHCM. Ảnh: Hồng Phúc

Theo TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TPHCM, khi chưa có đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế thành phố duy trì ở mức 7-8%, nổi bật là các ngành thế mạnh như xây dựng (tăng 6%), thương mại dịch vụ (8%), nông lâm thủy sản (4%), vận tải kho bãi (11%), dịch vụ khoa học và công nghệ (6%)… Dù vậy, tổng kết lại sau 2 năm ảnh hưởng của đại dịch, kinh tế TPHCM chứng kiến những kỷ lục của sự sụt giảm, trong đó lần đầu tiên đầu tàu kinh tế tăng trưởng âm 6,78%. “Một số ngành ở trạng thái hoạt động trì trệ do khó khăn của tái sản xuất, tái cơ cấu hậu Covid-19, khiến sự lưu thông kinh tế có sự mất liên tục, bị gián đoạn hoặc đứt gãy” - TS Sâm phân tích.

Tại buổi tọa đàm, TSKH Trần Quang Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa miền Nam cho biết, giải pháp đảm bảo phục hồi cho TPHCM đã được Chính phủ, các bộ, ngành và TPHCM tập trung tháo gỡ, đáng chú ý là việc cắt giảm thuế GTGT (VAT) tiêu chuẩn từ 10% xuống 8% kể từ tháng 2/2022 duy trì cho đến cuối năm... Ông Thắng cho biết thêm, TPHCM cũng được hưởng lợi từ nguồn vốn đầu tư hàng tỷ USD vào các lĩnh vực chiến lược của Chính phủ trên phạm vi cả nước để kích thích nền kinh tế hậu Covid-19, nhất là các lĩnh vực y tế, lao động và việc làm, kinh doanh hộ gia đình, du lịch, cơ sở hạ tầng…

Dù có các kích thích cho tăng trưởng, các ảnh hưởng của đợt dịch bệnh vẫn dai dẳng cho đến nay. Báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) dự báo một số yếu tố tiếp tục là thách thức từ nay đến cuối năm, bao gồm cả khả năng ngăn chặn sự lây lan của các biến thể Covid-19 mới và các dịch bệnh mới. Kịch bản xấu khi lạm phát chạm mức 4%, xuất khẩu cả nước có khả năng tăng 15,8% và xuất siêu lên tới 1,2 tỷ USD và chắc chắn TPHCM, Hà Nội sẽ không nằm ngoài các ảnh hưởng.

Trong số nhiều giải pháp được hiến kế, nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học cho rằng TPHCM cần phải có cơ chế, chính sách mạnh mẽ để cải thiện môi trường đầu tư, môi trường làm việc của bộ máy hành chính. Để TPHCM giữ vững vị trí đầu tàu, ông Phạm Chánh Trực - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM hiến kế, phải chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, từ đó “làm mới” lại các chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn kinh tế - xã hội thành phố đang chịu ảnh hưởng dai dẳng của dịch bệnh Covid-19.

Hiến kế cho TPHCM, PGS.TS Phương Ngọc Thạch - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP HCM cho rằng, TP HCM không nên coi đất đai là tài nguyên đem lại nguồn thu lớn, dẫn đến tăng trưởng thiếu bền vững. Vụ đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một bài học đắt giá để đô thị đầu tàu xem lại các cơ chế, chính sách và định hướng cho các “trụ cột” tăng trưởng bền vững của mình.

Tại tọa đàm khoa học, TSKH Trần Quang Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa miền Nam lo lắng khi việc giải ngân vốn đầu tư trong 7 tháng đầu năm nay của TPHCM mới chỉ đạt hơn 20% so với kế hoạch năm và rất khó để hoàn thành. Ông Thắng đề xuất, chính quyền TPHCM cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là cần phải tập trung các nguồn lực triển khai dự án phát triển giao thông đô thị; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh. Trước mắt, thành phố cần giải quyết, tháo gỡ các khó khăn cho sản xuất công nghiệp điện tử, xây dựng và du lịch, bởi đây sẽ là những trụ cột cho quá trình phục hồi kinh tế của TPHCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đầu tàu kinh tế nhận diện thách thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO