Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: Điểm sáng của nền kinh tế

H.Hương – M.Sang 16/07/2022 07:26

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn có xu hướng tích cực khi vốn tăng thêm của các doanh nghiệp tăng mạnh. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh...

Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn quan tâm và coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn. Ảnh: Quang Vinh

Nhà đầu tư vững niềm tin

Đại diện lãnh đạo Tổng cục Thống kê khi nhìn vào vốn đăng ký tăng thêm của các nhà đầu tư nước ngoài tăng 65,6% (đạt 6,82 tỷ USD), vốn thực hiện tăng 8,9% đạt hơn 10 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, đã bình luận rằng: Các chỉ số này phản ánh rõ nét xu hướng chung của sự phục hồi mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư nước ngoài. Số liệu thu hút FDI cũng cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Tổng cục Thống kê cũng nhận xét, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là sẽ thu hút dòng vốn FDI có chất lượng trong thời gian tới. Để đạt được mục tiêu này, cần tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng.

Trong nửa đầu năm nay, tổng vốn đăng ký FDI vào Việt Nam đạt 14,03 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ 2021 (đạt 15,27 tỷ USD). Tuy giảm 8,1% nhưng nếu phân tích chi tiết thì vẫn nhận thấy xu hướng tích cực trong thu hút FDI. Cụ thể là ngay từ quý I năm ngoái, Việt Nam đã có 2 dự án tỷ đô đăng ký mới gồm: Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II của nhà đầu tư Singapore với tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD và Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II của nhà đầu tư Nhật Bản với tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD. Vì vậy, nếu loại trừ yếu tố đột biến trong quý I/2021 (loại trừ 4,41 tỷ USD của 2 dự án tỷ đô cấp mới) thì tổng vốn đăng ký FDI 6 tháng-2022 vẫn tăng 29,2% so 6 tháng 2021.

Trong khi đó chỉ số Môi trường Kinh doanh do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố cho biết 60% số người được hỏi dự đoán rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ ổn định hoặc cải thiện trong quý III năm 2022. Ngoài ra, 45% số người tham gia khảo sát cho biết họ rất hài lòng hoặc hài lòng với nỗ lực thu hút và giữ vốn FDI của Việt Nam, trong khi 76% kỳ vọng rằng công ty của họ sẽ tăng vốn FDI vào Việt Nam trước khi kết thúc quý III.

Những tín hiệu tích cực cũng được bày tỏ về triển vọng tăng trưởng xanh của Việt Nam. 79% lãnh đạo các doanh nghiệp cho biết đánh giá của họ về tiềm năng phát triển xanh của Việt Nam đã được cải thiện ngay từ quý đầu tiên. Về mối liên hệ giữa tăng trưởng xanh và FDI, gần 90% số người được hỏi cho rằng Việt Nam nên tăng cường phát triển lĩnh vực xanh để thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài.

Có thể thấy, thu hút vốn FDI vẫn là điểm sáng của nền kinh tế trong nhiều năm nay, và trong 6 tháng đầu năm 2022 vẫn vậy! Tại các tỉnh như Bắc Ninh, Hải Phòng và Nghệ An nhiều dự án liên quan đến chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng tăng vốn. Trong đó Goertek là một trong những nhà đầu tư tăng vốn đầu tư nhiều nhất trong nửa đầu năm nay, khi đưa ra quyết định tăng vốn thêm 400 triệu USD vào dự án tại Nghệ An, nâng tổng vốn đầu tư của dự án Nhà máy chế tạo sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện lên 500 triệu USD.

Nhiều người cho rằng, thành công của việc thu hút vốn ngoại là không chỉ đưa nhà đầu tư đến mà còn giữ chân để nhà đầu tư mở rộng sản xuất. Không chỉ Goertek, tháng 2/2022, Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) đã tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD. Theo thống kê sơ bộ đến nay, tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam đã vượt ngưỡng 20 tỷ USD.

Ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Samsung tại Hà Nội đang trong quá trình hoàn thiện xây dựng, để kịp vận hành cuối năm nay, như cam kết với Chính phủ Việt Nam.

“Trung tâm R&D mới không chỉ là minh chứng cho cam kết đầu tư lâu dài của Samsung tại Việt Nam, mà còn thể hiện ý chí của Samsung trong quyết tâm đưa Việt Nam vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất để trở thành cứ điểm chiến lược ưu tiên hàng đầu của Samsung ở khu vực Đông Nam Á”, ông Choi Joo Ho nói.

Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nói rằng, việc vốn điều chỉnh liên tục tăng cao thời gian gần đây cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đặt niềm tin vào kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu.

Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử của Samsung Electronics Việt Nam tại Thái Nguyên. Ảnh: Nguyễn Đức

Tận dụng tối đa các hiệp định

Vốn FDI sẽ tiếp tục là dòng vốn đặc biệt quan trọng cho tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần bổ sung vốn, công nghệ, năng lực quản lý, khả năng kinh doanh, khả năng tổ chức và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam. Trong bối cảnh nguồn cung vốn hạn chế, các quốc gia đều tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài để duy trì và phục hồi nền kinh tế, cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động đang ngày càng gay gắt.

Điểm thuận lợi với Việt Nam là các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm cách tận dụng tối đa các cơ hội khai thác được từ các hiệp định thế hệ mới như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà 10 nước thành viên ASEAN đã ký với 6 nước gồm: Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand, cũng như chiến dịch đầu tư dài hạn. Vì vậy, cơ hội đón vốn đầu tư FDI của Việt Nam sẽ gia tăng.

Chỉ số Môi trường Kinh doanh do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố cho biết 60% số người được hỏi dự đoán rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ ổn định hoặc cải thiện trong quý III năm 2022. Ngoài ra, 45% số người tham gia khảo sát cho biết họ rất hài lòng hoặc hài lòng với nỗ lực thu hút và giữ vốn FDI của Việt Nam, trong khi 76% kỳ vọng rằng công ty của họ sẽ tăng vốn FDI vào Việt Nam trước khi kết thúc quý III.

Tuy nhiên, để đón được cơ hội này, Việt Nam phải tạo được niềm tin của nhà đầu tư về cách thức quản lý trong điều kiện bình thường mới cũng như việc thực thi cam kết hội nhập. Muốn vậy, cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm. Trước hết cần rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với những biến động của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút doanh nghiệp FDI của các nước trên thế giới. Đồng thời tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh, thông thoáng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá, với EVFTA đã có hiệu lực và EVIPA sẽ sớm được thực hiện, Việt Nam có cơ hội thu hút một làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm một môi trường đầu tư đầy tiềm năng, an toàn và cạnh tranh.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng cuộc cạnh tranh thu hút vốn FDI ngày càng phức tạp, Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp để hút vốn chất lượng cao. Đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn lao động, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển.…Đồng thời thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng.

Ngoài ra, cần loại bỏ hoàn toàn các chi phí không chính thức bởi đây là nút thắt cản trở dòng vốn đầu tư không chỉ của các doanh nghiệp FDI mà còn của các DN tư nhân trong nước. Rà soát toàn bộ các khu công nghiệp (KCN): các KCN cần ưu tiên mở rộng, xây mới, các KCN cần thu hẹp. Công bố danh sách các KCN có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng sẵn sàng để thu hút đầu tư.

Thời gian này để thu hút nguồn vốn FDI, nhiều địa phương cũng đã đưa ra các cam kết mạnh mẽ với nhà đầu tư. Chẳng hạn, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Khắc Thận, nói Thái Bình cam kết tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, minh bạch; tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư; luôn đồng hành cùng nhà đầu tư trong việc khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính; giải quyết kịp thời mọi khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của dự án..

Còn ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, khẳng định chính quyền cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các DN trong và ngoài nước trong suốt quá trình đầu tư, hoạt động kinh doanh. Tỉnh Bình Dương ưu tiên thu hút đầu tư từ các nước phát triển, đối tác tiềm năng hàng đầu thế giới với trình độ quản trị hiện đại, trong đó có đối tác Pháp vào các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao; dịch vụ tài chính, logistics; các ngành công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao và đặc biệt là thu hút đầu tư vào khu công nghiệp khoa học công nghệ...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông:

Bổ sung các chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ

Trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung phát triển các ngành dịch vụ theo chiều sâu; tăng năng suất khu vực dịch vụ và khu vực sản xuất kinh doanh, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ; bổ sung các chính sách nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư FDI hiệu quả, chất lượng cao.

Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới bằng cách tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để thu hút có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham):

Doanh nghiệp quan tâm đến đầu tư xanh, tăng trưởng xanh

Doanh nghiệp châu Âu đang đặc biệt quan tâm đến đầu tư xanh, tăng trưởng xanh tại thị trường Việt Nam. Đây cũng là định hướng lớn đối với các chương trình của Eurocham trong tương lai. Sản xuất xanh, phát triển xanh là xu hướng chung, xu hướng tất yếu mà Việt Nam nên đi theo. Trước nay, chúng ta nói nhiều đến cơ sở hạ tầng, nhưng cần đặt vấn đề cơ sở hạ tầng xanh các khu công nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp ở mức thiết yếu và ưu tiên hơn.

H.H(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: Điểm sáng của nền kinh tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO