Đầu tuần, chất lượng không khí Hà Nội ở mức xấu

Đức Trân 14/01/2020 07:53

Sáng 13/1, ghi nhận của cơ quan chuyên môn, chất lượng không khí trên địa bàn TP Hà Nội ở mức kém và xấu. Chất lượng không khí tại các trạm quan trắc dao động từ 132-158.

Đầu tuần, chất lượng không khí Hà Nội ở mức xấu

Với điều kiện chất lượng không khí ở mức trung bình, kém thì trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp nên hạn chế ra ngoài.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP Hà Nội cho biết, chất lượng không khí trên địa bàn thành phố trong tuần qua (từ ngày 5/1 đến ngày 11/1) thường xuyên ở mức trung bình và kém. Chỉ số chất lượng không khí tại các trạm quan trắc dao động từ 58-151.

Số liệu từ Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc – Tổng cục Môi trường cho thấy, trong tháng 12/2019, chất lượng không khí ở một số đô thị khu vực miền Bắc và miền Nam tiếp tục có những diễn biến xấu, trong đó, đợt cao điểm ô nhiễm diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 07-14/12 có mức độ khá nghiêm trọng.

Số liệu quan trắc cho thấy, ô nhiễm không khí chủ yếu gây ra bởi bụi mịn PM2.5, các thông số còn lại (NO2, O3, CO, SO2) về cơ bản vẫn có giá trị đạt tiêu chuẩn cho phép quy định tại QCVN 05:2013/BTNMT.

TS Đỗ Mạnh Cường - Phó Trưởng phòng Sức khỏe Môi trường Cộng đồng, Cục Quản lý Môi trường Y tế ( Bộ Y tế) cho biết, PM2.5 là loại bụi siêu mịn rất nguy hiểm. Ở các đô thị lớn như TP HCM, các loại bụi này hầu hết sinh ra từ khí thải giao thông (xe buýt, xe máy, ôtô). Khi nồng độ bụi mịn ngoài trời tăng lên, không khí sẽ có vẻ mờ đi và tầm nhìn bị giảm. Tình trạng này tương tự thời điểm độ ẩm cao hoặc sương mù.

“Không khí ô nhiễm có nhiều hạt bụi nhỏ, hạt càng nhỏ sẽ càng vào sâu. Những hạt bụi có kích thước nhỏ, đặc biệt PM2.5 có thể đi thẳng vào mô, phế nang phổi, đường hô hấp trên, gây nên bệnh hô hấp. Về lâu dài, chúng có thể dẫn đến các bệnh tim mạch, đột quỵ, viêm phổi, viêm phế quản mạn tính” - TS Cường cảnh báo.

Tháng 11/2018, Hội nghị toàn cầu đầu tiên về ô nhiễm không khí và sức khỏe của WHO ước tính, ô nhiễm không khí ngoài trời gây ra 4,2 triệu ca tử vong sớm toàn thế giới. Tổ chức này cho rằng có đến 30% ca tử vong do ung thư phổi là liên quan ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí cũng được xác định là nguyên nhân gây ra 25% các ca tử vong do đột quỵ não, bệnh lý tim mạch và 43% các ca tử vong do bệnh lý hô hấp. Bốn nhóm bệnh nêu trên (đột quỵ, tim mạch, hô hấp, ung thư phổi) cũng luôn nằm trong Top 10 nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trên toàn thế giới nhiều thập kỷ qua.

PGS.TS Vũ Văn Giáp -Tổng Thư ký Hội Hô hấp Việt Nam giải thích, bệnh hô hấp đến từ nhiều nguyên nhân, như hút thuốc, nhiễm khuẩn, bẩm sinh và cả ô nhiễm không khí. Khó phân loại riêng bệnh nào là do ô nhiễm không khí, “nhưng đó là căn nguyên phổ biến của nhiều bệnh, mà bệnh hô hấp là một trong số đó”.

Dù vài năm nay y tế cơ sở đã đủ năng lực điều trị các ca đơn giản, nhưng trong năm 2019, Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai vẫn tiếp nhận hơn 30 nghìn lượt bệnh nhân khám và điều trị nội trú, tức khoảng 100 trường hợp mỗi ngày.

Ông Giáp cảnh báo “ô nhiễm không khí là sát thủ thầm lặng”, vì nó gây hại âm ỉ lâu dài, nên đa số người bệnh chủ quan, khó phát hiện bệnh sớm.

Sở TNMT Hà Nội khuyến cáo, với điều kiện chất lượng không khí ở mức trung bình, kém thì nhóm nhạy cảm (trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp) nên hạn chế thời gian ở ngoài để bảo vệ sức khỏe.

Ngoài ra, để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, người dân cần hạn chế đốt rác, giảm thiểu đun nấu bằng than tổ ong. Rác cần được thu gom và xử lý theo quy định, người dân không tự ý đốt rác thải tại nơi mình sinh sống. Các khu vực dân ngoại thành không đốt rơm rạ.

Cạnh đó, người dân nên tham gia các phương tiện công cộng như xe bus, xe điện, hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân và nên sử dụng các nhiên liệu sạch trong giao thông… để hạn chế phát thải chất gây ô nhiễm ra môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đầu tuần, chất lượng không khí Hà Nội ở mức xấu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO