Dạy học trên truyền hình: Cơ hội của trò sẽ nhiều hơn

Lam Nhi 27/08/2021 14:30

Năm học 2021-2022 chính thức bắt đầu khi nhiều trường trên khắp cả nước đã tận dụng thời gian vàng để tựu trường và học trực tiếp. Tuy nhiên, với những địa phương đang thực hiện giãn cách hoặc những nơi dịch bệnh diễn biến phức tạp, phương án học trực tuyến và dạy qua truyền hình vẫn là sự lựa chọn tối ưu.    

Việc dạy học qua truyền hình giúp học sinh củng cố kiến thức cũ, cập nhật kiến thức mới với những giáo viên giỏi, nhiều kỹ năng sư phạm, thời gian học linh hoạt khiến học sinh khá hứng thú.

Nhiều ưu điểm

Năm học 2021-2022 đã chính thức bắt đầu khi nhiều trường trên khắp cả nước đã tận dụng thời gian vàng để tựu trường và học trực tiếp. Tuy nhiên, với những địa phương đang thực hiện giãn cách hoặc những nơi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, phương án học trực tuyến và dạy qua truyền hình vẫn là sự lựa chọn tối ưu.

Với kinh nghiệm triển khai các hình thức này từ các năm học trước, đa số các tỉnh thành năm nay không còn bỡ ngỡ và đã chọn cho mình hướng triển khai nhiệm vụ năm học cụ thể để vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa đảm bảo chất lượng dạy học của các khối lớp.

Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GDĐT Thừa Thiên - Huế, ngày 26/8 vừa qua, các lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 6 và lớp 10) của nhiều trường trên địa bàn đã tựu trường. 5/9 sẽ khai giảng chính thức và 6/9 sẽ bắt đầu học buổi đầu tiên. Với đặc thù của khối lớp 1, 2 còn nhỏ tuổi, lớp 6 là khối lớp đầu cấp và năm nay bắt đầu triển khai dạy chương trình và sách gíao khoa (SGK) mới nên cả thầy và trò sẽ bắt đầu làm quen chắc chắn sẽ còn bỡ ngỡ. Vì vậy, Thừa Thiên - Huế chọn phương án tối ưu nhất là làm việc với Đài phát thanh truyền hình tỉnh để tổ chức dạy học trên truyền hình.

Dạy học qua truyền hình có nhiều ưu điểm vượt trội.

Ông Tân cho rằng với hình thức dạy học mới, triển khai chương trình, SGK mới là một điều không đơn giản. Vì vậy, Sở đã mời các thầy cô giáo của khối 1, 2 và 6, những khối thực hiện chương trình, SGK mới, những người có năng lực chuyên môn tốt, vững vàng, nhiều kinh nghiệm trong dạy học tham gia xây dựng các bài giảng hiệu quả cho chương trình, SGK mới này.

Trên thực tế, từ năm học trước và nhiều năm trước đó, việc dạy học qua truyền hình đã trở nên quen thuộc với khán giả. Những ưu điểm của hình thức này đó là các thầy cô giáo được lựa chọn từ đội ngũ giáo viên nhiều kinh nghiệm của các trường trên địa bàn, thậm chí trên toàn quốc, được tập huấn kỹ càng về kiến thức, kỹ năng, thái độ...

Khi phát trên truyền hình, học sinh sẽ dễ dàng theo dõi, không phụ thuộc vào đường truyền mạng, thiết bị kỹ thuật thông minh không phải gia đình nào cũng sắm được và quan trọng là có thể xem đi xem lại những phần chưa hiểu.

Chính vì vậy, hàng loạt các địa phương đã xây dựng bài giảng dạy qua truyền hình với các khối lớp cuối cấp để ôn thi vào cuối năm học trước. Dù không có sự tương tác trực tiếp như học trực tuyến song sự đa dạng, lôi cuốn trong cách giảng bài của các thầy cô “xa lạ” không phải của trường mình lại cuốn hút khá nhiều học sinh chủ động theo dõi.

Một giáo viên của Trường THPT Yên Hòa (TP Hà Nội) chia sẻ việc giao bài tập cho học sinh qua email, Zalo, Facebook để học sinh làm bài và gửi lại cũng là một cách ôn tập nhưng hiệu quả chưa cao. Việc dạy học qua truyền hình giúp học sinh củng cố kiến thức cũ, cập nhật kiến thức mới với những giáo viên giỏi, nhiều kỹ năng sư phạm, thời gian học linh hoạt khiến học sinh khá hứng thú.

Khắc phục hạn chế

Vì không học trực tiếp, trong một không gian chuyên tâm học tập nên phương án học qua truyền hình hay học trực tuyến vẫn có những hạn chế nhất định. Đơn cử như với những học sinh nhỏ tuổi, khả năng tập trung kém thì việc học qua truyền hình không thể kéo dài quá 30 phút. Thời gian ngắn, nhưng các em có thể còn chạy đi uống nước, hay làm các việc khác tại nhà.

Theo cô Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm, Hà Nội), để khắc phục điều này, vai trò của giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh rất quan trọng.

Trước mỗi buổi học, giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ điểm danh, đưa ra nội quy lớp học trước khi chính thức vào tiết học. Giáo viên cùng theo dõi buổi học với các con, sau buổi học sẽ có phần khảo sát mức độ thông hiểu của học sinh để nắm bắt được năng lực của các con.

Các phiếu bài tập, câu hỏi tổng kết, điểm cần lưu ý trong bài sẽ được giáo viên cập nhật trên mạng xã hội. Sau đó, giáo viên sẽ nhiệm vụ làm bài qua hệ thống trực tuyến liên quan đến những kiến thức vừa học, học sinh làm, giáo viên chấm, chữa bài.

Với phụ huynh, vì kiến thức trên truyền hình trôi đi khá nhanh nên với những khối lớp nhỏ 1, 2 chưa đọc thông, viết thạo, rất cần phụ huynh ở bên cạnh đồng hành, hướng dẫn các con thực hiện nhiệm vụ cô giao. Chị Mai Nguyệt (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết năm nay con chị học lớp 10 và 1 bạn lớp 7. Dự kiến 2 bạn đều học trực tuyến trong thời gian tới nên gia đình đang khó khăn về thiết bị học tập.

Trong khi việc ôn thi qua truyền hình của con gái năm học trước khá hiệu quả, con tự giác học. Vướng mắc duy nhất là tivi đặt tại phòng khách nên đôi khi việc học cũng bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn xung quanh. Khắc phục là cả gia đình họp và thống nhất giờ học của con sẽ hạn chế các hoạt động tại đó.

Việc học trên truyền hình là một trong những giải pháp hợp lý ở thời điểm này khi học sinh phải nghỉ học lâu dài vì dịch bệnh. Nhất là ở các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, điều kiện các gia đình không bố trí được thiết bị học trực tuyến đồng loạt cùng một thời điểm thì việc học qua truyền hình với sự hướng dẫn của các thầy cô giàu kinh nghiệm là một lựa chọn tối ưu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dạy học trên truyền hình: Cơ hội của trò sẽ nhiều hơn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO