Đẩy mạnh chi trả các chế độ an sinh xã hội qua hệ thống ngân hàng

Lê Bảo 15/06/2019 08:00

Đẩy mạnh chi trả các chế độ an sinh xã hội thông qua hệ thống ngân hàng, xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là nội dung chính được đề cập trong hội thảo “Tăng cường hệ thống quản trị và chi trả an sinh xã hội- Đánh giá thực trạng, kinh nghiệm quốc tế và định hướng cho Việt Nam” do Bộ LĐTBXH tổ chức mới đây.

Đẩy mạnh chi trả các chế độ an sinh xã hội qua hệ thống ngân hàng

Nhiều tiện ích khi thực hiện chi trả lương hưu qua ngân hàng.

Tỷ lệ chi trả qua ngân hàng đạt thấp

Theo báo cáo, hiện ngành BHXH đang chi trả cho hơn 3,1 triệu người hưởng các chế độ BHXH hàng tháng, hàng triệu lượt người hưởng trợ cấp BHXH một lần, mai táng phí, ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức. Phương thức chi trả được thực hiện bằng nhiều hình thức linh hoạt cho người hưởng như thanh toán trực tiếp, thanh toán qua ngân hàng, qua bưu điện. Xây dựng quy trình chi trả theo hướng đồng bộ, liên thông, gắn kết quy trình chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN với quy trình giao dịch điện tử trong lĩnh vực giải quyết, chi trả các chế độ. Tuy nhiên, số người nhận lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng qua thẻ ATM chiếm tỷ trọng thấp. Hiện 80% tiền lương được thanh toán trực tiếp vào tài khoản của người thụ hưởng. Nhưng có tới gần 80% lương hưu và 100% trợ cấp xã hội lại được chi trả bằng tiền mặt.

Theo ông Phạm Thanh Du- Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính kế toán (BHXH Việt Nam), người dân vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt, các hình thức thanh toán qua ngân hàng chưa phổ biến trên phạm vi cả nước. Tỷ lệ phân bổ giữa các tỉnh, thành phố không đồng đều, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó, việc sử dụng thẻ gặp khó khăn đối với các đối tượng già yếu, cao tuổi, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, khiến việc quản lý người hưởng khó khăn.

“Theo Nghị quyết của Chính phủ là vận động chứ chưa có quy định pháp lý nào là bắt buộc. Do vậy, việc triển khai thực hiện kế hoạch này trong ngành BHXH tuy rất tích cực nhưng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là đối với người hưởng lương hưu. Việc này vô cùng khó khăn, tâm lý người hưởng nhiều tuổi rất muốn nhận tiền mặt bởi không phải thao tác qua thẻ ATM, cây rút tiền và phải nhớ mã pin”- ông Phạm Thanh Du cho biết.

Thực tế theo phản ánh của Bưu điện Việt Nam, hiện là đại diện chi trả chế độ an sinh xã hội cho BHXH Việt Nam, ở các vùng sâu, vùng xa không có các ngân hàng thương mại và các cây ATM. Đây chính là một trong những lý do phải duy trì các phương thức thanh toán bằng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội ở các vùng nông thôn. Bên cạnh đó, những người được hưởng chế độ an sinh xã hội thường là người lớn tuổi, bệnh tật, neo đơn, trẻ em mồ côi…, rất khó khăn khi tiếp cận hệ thống công nghệ hiện đại.

Ông Phạm Thanh Du cho biết thêm, quản lý người hưởng qua tài khoản cá nhân gặp nhiều khó khăn, các quy định hiện hành chưa đảm bảo cho cơ quan BHXH, cơ quan bưu điện và các tổ chức chính quyền địa phương nắm bắt được thông tin người hưởng, các chế độ BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân. Đặc biệt là đối với người hưởng ATM định cư ở nước ngoài nhưng lại không khai báo tạm trú tạm vắng với chính quyền địa phương ở nơi người ta đến tạm trú, không có thông tin người hưởng cung cấp cho bưu điện, dẫn đến việc khi người hưởng chết vẫn không nắm bắt được thông tin để báo giảm cho cơ quan BHXH.

Sẽ thí điểm cung ứng ví điện tử

Hiện nay thực hiện Quyết định của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng với dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội, BHXH Việt Nam chủ trì nghiên cứu, xây dựng lộ trình chuẩn hóa thông tin dữ liệu về người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH để kết nối chia sẻ thông tin với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nhằm phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua ngân hàng theo đúng kế hoạch được giao; đẩy mạnh phối hợp các bên liên quan, nhất là ngành ngân hàng, thực hiện các giải pháp để vận động, khuyến khích người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt...

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Anh Dũng- Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, sẽ thí điểm cung ứng ví điện tử cho phép nạp rút tiền không qua tài khoản ngân hàng trong đó có các đơn vị viễn thông tham gia dịch vụ thanh toán giá trị nhỏ.

“Về mặt quy định, việc nạp, rút tiền mặt từ ví điện tử vẫn phải qua ngân hàng. Việc này cũng gây một số khó khăn trở ngại cho các địa bàn có hạ tầng, hệ thống ngân hàng chưa phát triển. Những người ở nông thôn, vùng sâu vùng xa không thể chỉ rút 100 nghìn đồng mà chạy đi 5-10 km để đến hệ thống ngân hàng để rút tiền. Chúng tôi sẽ thí điểm, giám sát để đảm bảo thanh toán an toàn, hiệu quả làm sao để tăng được lòng tin đối với dịch vụ thanh toán của ngân hàng” – ông Lê Anh Dũng cho biết.

Theo định hướng của Chính phủ, đến năm 2020, cả nước phấn đấu đạt 20% đến 30% chi trả an sinh xã hội qua hệ thống ngân hàng. Chiến lược dài hạn giảm chi bằng tiền mặt, chuyển sang sử dụng công nghệ số. Để có thể đạt được mục tiêu này thiết nghĩ các ban ngành cần phối hợp để tháo gỡ những khó khăn, xây dựng hạ tầng đồng bộ để việc triển khai chi trả an sinh xã hội sớm được thực hiện.

* Theo thống kê của BHXH Hà Tĩnh, trong 5 tháng đầu năm 2019, BHXH tỉnh Hà Tĩnh và Bưu điện tỉnh phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN cho 350 nghìn lượt người với số tiền 1.250 tỷ đồng; chi trả trợ cấp BHXH một lần cho 3 nghìn lượt người với số tiền 70 tỷ đồng; chi BHTN cho 6 nghìn lượt người với số tiền 16 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 5.200/70.600 người nhận lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng qua thẻ ATM.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy mạnh chi trả các chế độ an sinh xã hội qua hệ thống ngân hàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO